Phim

Viên ngọc đang bị bỏ quên trong Công nghiệp văn hóa của Hà Nội

Thứ Tư, 15/05/2024 14:00:00 +07:00

(VTC News) - “Di tích Thành Cổ Loa là hạt ngọc vĩ đại nhất của Hà Nội và có thể trở thành đất diễn của rất nhiều lĩnh vực trong Công nghiệp văn hoá”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Viên ngọc đang bị bỏ quên trong Công nghiệp văn hóa của Hà Nội - 1

 

- Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển về Công nghiệp văn hoá. Hà Nội cũng là một trong những địa phương tiên phong và tích cực trong vấn đề này. Đứng từ góc độ khai thác di tích, di sản cho Công nghiệp văn hoá, theo ông, Hà Nội nên cân nhắc cách tiếp cận như thế nào, để vừa khai thác vừa bảo tồn và phát huy được giá trị của các di tích, di sản?

Đầu tiên, Hà Nội là đô thị đã phát triển liên tục qua hơn 1000 năm, trải qua các giai đoạn từ việc hình thành, mở rộng, chuyển đổi của đô thị, tới những biến thiên của lịch sử tác động trực tiếp tới từng người dân, từng con đường, từng toà nhà của Hà Nội.

Dấu ấn của toàn bộ quá trình ấy vẫn đang tồn tại trong lòng đô thị Hà Nội hiện đại ngày nay. Nghĩa là, từ các dấu tích, di tích, di sản và các tư liệu, hiện vật, có thể tái hiện được câu chuyện phát triển của Thủ đô suốt hơn 1000 năm. Đó là điều đặc biệt, hiếm có của Hà Nội.

Vậy chúng ta nên kể câu chuyện của Hà Nội theo cách nào? Thay vì tách riêng từng sự kiện, từng nhân vật, những người làm văn hoá ở Hà Nội có thể dựng lại toàn bộ bối cảnh nơi diễn ra sự kiện, nơi nhân vật đã sống và làm việc để người dân có thể có cái nhìn đầy đủ và sâu sắc về lớp người đi trước.

Chẳng hạn, dấu ấn của người Pháp, các công trình kiến trúc thời thuộc địa, đời sống của người Pháp tại Hà Nội và cách những người dân Hà Nội tiếp thu những tinh hoa văn hoá Pháp, làm giàu cho nét thanh lịch của người Tràng An là một chủ đề hấp dẫn.

Thế nhưng, nhiều công trình kiến trúc thời Pháp đang bị xuống cấp, đang bị sử dụng sai mục đích, phải có tầm nhìn xa hơn để giữ lại những giá trị vật chất quan trọng này.

Viên ngọc đang bị bỏ quên trong Công nghiệp văn hóa của Hà Nội - 2

 

Một vấn đề khác là phải tận dụng được những công trình kiến trúc đẹp vẫn được sử dụng vào một mục đích trong hàng trăm năm. Tôi muốn nói tới Đại học Tổng hợp cũ, Đại học Y Dược và toà nhà đã từng là trụ sở của Bộ Giáo dục từ cuối năm 1954 ở đường Lê Thánh Tông. Phải nghĩ hướng khai thác cụm cảnh quan kiến trúc này giới thiệu về giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ nói chung và giáo dục Đại học Việt Nam nói riêng.

Trong việc khai thác các di tích còn "sống" này, ở các nước trên thế giới, họ giữ nguyên công năng hiện tại nhưng dành ra một số không gian trưng bày, giới thiệu phục vụ du khách.

Đặc biệt cảnh quan bên ngoài, bề mặt và sân vườn của các kiến trúc đẹp bậc nhất này của Hà Nội cần được chỉnh trang, phục hồi lại. Tôi đi qua mặt ngoài của Đại giảng đường Đại học Đông Dương xưa mà thấy buồn, bậc thang vỡ nham nhở, tường rào nhếc nhác, cây khẳng khiu. Một quang cảnh sống mà như chết.

Chỉ cách vài trăm mét thôi là đến Nhà hát lớn, đến phố đi bộ sao không kết nối với hòn ngọc quý này? Nhà trường không có kinh phí đầu tư mà chính quyền Hà nội thì không nhìn nhận đó là di sản có thể kiếm ra tiền.

Nếu chỉnh trang khu đại học này một cách thực sự văn hóa thì chắc chắn khách du lịch sẽ đổ đến đây. Ở đây cần có tầm nhìn văn hóa và sự phối hợp các cấp các ngành.

Điểm thứ ba là tạo ra những điểm nhấn tham quan, gồm cảnh quan tự nhiên, kiến trúc đặc trưng kết hợp giới thiệu về kiến trúc, cảnh quan đó.

Ví dụ, Nhà khách Chính phủ trên đường Ngô Quyền vào thời Pháp thuộc là thủ phủ của Thống sứ Bắc Kỳ. Đến khi Nhật đảo chính, toà nhà trở thành phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Sau Cách mạng Tháng Tám, toà nhà được đổi tên là Bắc Bộ phủ, là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho tới ngày Toàn quốc kháng chiến vào năm 1946.

Nơi đây cũng đã diễn ra một trận đánh ác liệt một đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ phủ với quân Pháp. Hàng rào Bắc Bộ phủ còn nhiều vết đạn lắm.

Sau năm 1954, toà nhà trở thành Nhà khách Chính phủ, là nơi ở của nhiều đoàn khách quan trọng tới Việt Nam trong đó có Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Chúng ta hoàn toàn có thể biến không gian Nhà khách Chính phủ trở thành một bảo tàng, giới thiệu về Hà Nội, về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, về những người bạn đã kề vai sát cánh cùng Việt Nam thực hiện lý tưởng về hoà bình, độc lập.

Đây có thể trở thành một trong những điểm nhấn trong không gian di tích Hồ Gươm, cùng với Nhà hát Lớn, Bưu điện phố thương mại Tràng Tiền, khu Đại học, Trường Viễn Đông Bác cổ cũng có từ thời Pháp thuộc…

Viên ngọc đang bị bỏ quên trong Công nghiệp văn hóa của Hà Nội - 3

 

-  Trên thực tế, sẽ xuất hiện những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, hay rộng hơn trong công nghiệp văn hoá là mục tiêu thương mại hoá hay mục tiêu phát huy những giá trị văn hoá đích thực. Hà Nội có đang vướng vào những mâu thuẫn này hay không và trong trường hợp đó, đâu là giới hạn không được vượt qua?

Công nghiệp văn hoá, đầu tiên và quan trọng nhất là phải giới thiệu được về văn hoá của quốc gia, văn hóa dân tộc, để những nét đẹp, những tinh hoa văn hoá của dân tộc ấy được biết đến và lan toả. 

Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, mở đường cho hàng hoá Hàn Quốc đi khắp thế giới. Người ta biết tới Hàn Quốc qua những diễn viên đẹp, những nhóm nhạc có sức hút toàn cầu, ấn tượng về Hàn Quốc không còn là về một đất nước bị chia cắt mà là một quốc gia phát triển châu Á lựa chọn con đường phát triển kiểu Âu Mỹ và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. 

Viên ngọc đang bị bỏ quên trong Công nghiệp văn hóa của Hà Nội - 4

 

Trung Quốc làm mới lịch sử bằng điện ảnh, thông qua các bộ phim cổ trang để chứng minh sự đoàn kết giữa các tộc người, tôn vinh những giá trị văn hoá cốt lõi, đề cao tinh thần dân tộc của người Trung Quốc. Tuỳ thuộc vào triết lý phát triển, mỗi quốc gia có một cách lựa chọn con đường cho ngành công nghiệp văn hoá của mình.

Nói vậy để thấy, cốt lõi vẫn là nội dung, thông điệp mà sản phẩm văn hoá nói riêng và cả nền Công nghiệp văn hoá muốn truyền tải. Chỉ cần bám chắc vào thông điệp đó, mỗi loại hình sẽ có cách truyền tải riêng. Cách làm của điện ảnh không thể giống với cách làm của bảo tàng, vậy nên, nếu cứ bắt điện ảnh phải làm theo cách của bảo tàng, chính xác tuyệt đối về bối cảnh, trang phục, vật dụng… thì sản phẩm điện ảnh chắc chắn sẽ không thể thu hút được khán giả.

Điện ảnh phải xây dựng quan niệm mới, riêng về cách kể chuyện lịch sử, cách ăn mặc, nói năng, đối thoại của nhân vật…sao cho vừa có tính lịch sử vừa có tính thời đại, hợp với thị hiếu đương đại. Với các ngành khác của Công nghiệp văn hoá, cũng nên tư duy theo hướng như vậy.

Tuy nhiên, nếu chỉ sa đà vào chiều thị hiếu của đám đông, thông điệp chính mà người làm văn hoá muốn truyền tải có thể trở nên yếu ớt, thậm chí, méo mó lệch lạc. Sự cân bằng giữa hai yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào những người quản lý chung và những người trực tiếp thực hiện các sản phẩm văn hoá, tức là phụ thuộc vào nền tảng và bản lĩnh của mỗi người làm văn hóa.

Trở lại câu chuyện của Hà Nội, Hà Nội đã phục hồi rất tốt nhiều di tích ở phố cổ. Hà Nội nên lưu ý bảo tồn những công trình kiến trúc thời thuộc Pháp, các biệt thự, công sở… Đó là những cái đã tồn tại, đang tồn tại và vẫn chưa mất đi, rất có giá trị để khai thác trong Công nghiệp văn hoá hiện tại và tương lai. Ở đây cần phải hài hoà giữa nhu cầu phát triển một đô thị hiện đại và bảo tồn một đô thị di sản.

Viên ngọc đang bị bỏ quên trong Công nghiệp văn hóa của Hà Nội - 5

 

Tréo nghoe ở chỗ, nếu cố gắng bảo tồn mà không đủ dữ liệu, tư liệu lịch sử, Hà Nội sẽ có nguy cơ rơi vào sai lầm không thể vẫn hồi. Việc phục dựng Điện Kính Thiên là một vấn đề cần hết sức thận trọng.

Trên thế giới, chưa có quốc gia nào có thể phục dựng toàn bộ một công trình kiến trúc bề thế dựa trên chút ít nền móng còn sót lại và các ước đoán về kiểu trụ cột, các hoa văn trang trí cột, đầu đao, các mẫu ngói lợp còn sót lại. Tôi nghĩ những di tích hiện hữu trong Hoàng thành là cái quan trọng nhất, cần phải kể chuyện về nó.

- Nếu chọn một điểm nhấn cho Công nghiệp văn hoá Hà Nội, ông sẽ lựa chọn thế nào? Và làm thế nào để phát huy giá trị của di tích, di sản đó?

Đó là Di tích Thành Cổ Loa, hạt ngọc đầu tiên, xưa nhất, vĩ đại nhất của Hà Nội. Cổ Loa có thể trở thành đất diễn của rất nhiều lĩnh vực trong Công nghiệp văn hoá: Quảng cáo, Kiến trúc, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Du lịch văn hóa. Tiếc là tư duy quản lý Cổ Loa hiện chưa phù hợp. 

Hiện Ban Quản lý Di tích Hoàng Thành Thăng Long và Di tích Cổ Loa đã được nhập thành một, điều đó thiệt thòi cho Cổ Loa. Tôi thiển nghĩ một Ban Quản lý Di tích không thể kham nổi các 2 di tích quốc gia đặc biệt; nếu được tách riêng ra thì rất tốt.

Ban Quản lý di tích ở Cổ Loa hiện chỉ quản lý đình và đền. Cái lõi của Cổ Loa là thành và hào, một thành cổ nhất Đông Nam Á, và độc đáo về kỹ thật xây thành, hào nước bảo vệ.

Nó lại gắn với nhiều truyền thuyết như câu chuyện về con Gà Trắng, thành cứ xây là đổ chỉ sau một đêm, phải nhờ tới sự giúp đỡ của thần Kim Quy hay tình yêu của Mị Châu và Trọng Thuỷ gắn với sự tích nỏ thần bách chiến bách thắng.

Những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… mà có được chất liệu như Mị Châu – Trọng Thuỷ hay nỏ thần thì sẽ nâng lên tầm thế giới, biến chúng trở thành những thương hiệu để giới thiệu về văn hoá và con người Việt Nam.

Hiện tại, thành và hào của Di tích Cổ Loa lại do Uỷ ban Nhân dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh quản lý. Do không được quan tâm, chú ý đúng mức, các bờ thành đất và hào cứ mất dần, rất đáng tiếc. Cách tổ chức quản lý di tích Cổ Loa như hiện tại không tương xứng với vị trí của một di tích quốc gia đặc biệt.

Hoàng Hạnh(Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn