Phim

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu

Thứ Ba, 07/05/2024 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu.

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 1

 

Trong năm 2023, phim Việt chiếu rạp đạt doanh thu hơn 1.563 tỷ đồng. Nhiều bộ phim truyền hình được khán giả trong nước háo hức đón nhận. Thậm chí, phim Tết ở làng Địa Ngục còn dẫn đầu lượt xem trên Netflix nhiều tuần liền. 

Đầu năm 2024, điện ảnh Việt Nam cũng có một khởi đầu ấn tượng. Chỉ sau 27 ngày công chiếu, bộ phim Mai của Trấn Thành cán mốc 500 tỷ đồng, lập kỷ lục chưa từng có ở thị trường phim Việt. Trước đó, hai tác phẩm của nghệ sĩ này là Nhà bà NữBố Già cũng tạo nên hiện tượng. Như vậy, chỉ trong vài năm làm đạo diễn và với 3 tác phẩm điện ảnh, Trấn Thành đã có thể hãnh diện với danh: Đạo diễn nghìn tỷ đồng đầu tiên của Việt Nam.

Mới đây nhất, tác phẩm Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải đạt doanh thu vượt mốc 200 tỷ đồng. Cùng với các tác phẩm khác trong series Lật mặt, Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng thứ hai tại rạp chiếu Việt.

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 2

 

Bộ phim Đào, phở và piano - một tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh, do nhà nước đặt hàng, lần đầu tiên được công chiếu rộng rãi ở các hệ thống rạp trên cả nước, được khán giả đón nhận nhiệt tình, tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, thời gian qua, chúng ta cũng có nhiều tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang tại các LHP uy tín như: Phim Tro tàn rực rỡ (Bùi Thạc Chuyên) giành giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa; phim Ròm đoạt giải Làn sóng mới (New Currents) tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan 2019, giải Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fantasia 2020, Phim hay nhất tại LHP châu Á Barcelona 2020; phim Bên trong vỏ kén vàng thắng tại Liên hoan Phim Cannes, giải Máy quay Vàng (Camera d’Or), phim Vị (Taste) của đạo diễn Lê Bảo giành giải giải đặc biệt tại hạng mục Encounters tại Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức) lần thứ 71

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 3

 

Về lĩnh vực âm nhạc, trong những năm gần đây, âm nhạc Việt có những bước phát triển đáng ngạc nhiên. Nhiều ca khúc của các nghệ sĩ Việt đã bước ra khỏi biên giới, gây sốt tại thị trường một số nước châu Á như See tình, Bên trên tầng lầu, Hai phút hơn...Các nghệ sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc, Trung Quốc say sưa nhảy nhót trên nền nhạc của See tình. 

Chi Pu gây tiếng vang khi tham gia show truyền hình Đạp gió của Trung Quốc. Sau đó, cô còn xuất hiện trong hàng loạt các chương trình truyền hình của đất nước tỷ dân. Nữ nghệ sĩ được truyền thông Trung Quốc đánh giá là “cầu nối văn hóa giữa hai nước trong thời kỳ mới".

Trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi bài đăng trên báo Nhân Dân. Trong bài có đoạn viết: “Nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt Nam đang rất thịnh hành trên mạng xã hội Trung Quốc, ca sĩ Việt Nam nhận được số lượng lớn người hâm mộ Trung Quốc khi tham gia chương trình truyền hình giải trí của Trung Quốc. Giao lưu nhân văn ngày càng mật thiết, giống như các dòng suối nhỏ vươn dài chảy mãi, hội tụ thành dòng sông giao lưu hữu nghị rộng lớn giữa hai nước”.

Những hoạt động trên là minh chứng rõ ràng cho việc, chúng ta đã đạt được những thành tựu bước đầu trong quá trình xây dựng Công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 4

 

Năm 1984, bộ phim Jurassic Park càn quét các rạp chiếu phim trên thế giới, mang lại doanh thu lên tới 850 triệu USD. Con số này đã tác động mạnh tới những người làm công tác quản lý của Hàn Quốc. Họ nhận ra, doanh thu của phim Jurassic Park còn cao hơn doanh thu của 1,5 triệu chiếc xe Hyundai - niềm tự hào của đất nước họ.

Ngay sau “cú sốc” trên, hơn 20 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc bao gồm cả Samsung, Daewoo, Hyundai... tiến quân sang lĩnh vực điện ảnh, văn hóa, trong số đó, đáng kể nhất phải kể tới CheilJedang - một công ty có hơn 40 năm chuyên sản xuất đường. Ngày nay công ty này được hàng tỷ người trên khắp thế giới biết đến với cái tên CJ Group. Đây là doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực ăn - mặc - nghe - xem - nhìn của không chỉ người dân Hàn Quốc mà còn khắp châu Á, trong đó có Việt Nam.

Sau đó, chính phủ Hàn Quốc thành lập Trung tâm Sáng tạo nội dung Hàn Quốc (Korea Creative Content Agency KOCCA) có nhiệm vụ kết nối tất các các hiệp hội, liên đoàn nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tất cả các hoạt động cho ngành Công nghiệp văn hóa. Các Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đã có mặt tại 28 quốc gia trên khắp thế giới.

Với sự đầu tư bài bản từ nhà nước và các tập đoàn kinh tế lớn, Hàn Quốc có những bước phát triển vượt bậc về Công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 5

 

Về điện ảnh, Hàn Quốc đã có bước phát triển thần kỳ. Đáng chú ý nhất là vào năm 2020, bộ phim Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon Ho đoạt 4 giải Oscar bao gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắcKịch bản gốc xuất sắc. Trước đó, phim đã giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes.

Năm 2021, nữ diễn viên Hàn Quốc Youn Yuh-jung vinh danh ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất Oscar 2021.

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 6

 

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ với phóng viên VTC News: K-pop hiện là lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc đóng góp khoảng 6% cho GDP, bên cạnh ngành ô tô, công nghệ thông tin và chất bán dẫn. Các nghệ sĩ K-pop đã bán được hơn 80 triệu album toàn cầu vào năm 2022, số lượng người hâm mộ toàn cầu phủ 116 quốc gia. Ước tính mỗi năm, các thương hiệu như BTS, BlackPink đem lại hơn 4.100 tỉ won (3,51 tỉ USD) cho nền kinh tế nội địa, thu hút hàng triệu khách du lịch đến Hàn Quốc, kích thích chi tiêu hơn 5000 tỉ won (4 tỷ USD / năm) giúp nâng cao các sản phẩm Hàn Quốc ra nước ngoài và thúc đẩy du lịch.

Vị đạo diễn nổi tiếng này khẳng định: “Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò trung tâm trong thành công này với những hoạch định bài bản từ khoảng những năm 1973”.

Nhìn sang Nhật Bản, Trung Quốc, các quốc gia có nền Công nghiệp văn hóa phát triển mạnh ta cũng dễ dàng nhận ra sự lãnh đạo mang tính chất tiên phong, đột phá từ những tổ chức chính phủ.

Trung Quốc thành lập Hiệp hội Công nghiệp văn hóa Trung Quốc (China Cultural Industry Association CCIA). Đây được coi là một liên minh quyền lực chính trị và kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử đất nước tỷ dân. Người lãnh đạo Hiệp hội này là ủy viên Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp khóa 12 và các phó chủ tịch là lãnh đạo các ngân hàng, tập đoàn kinh tế có tổng tài sản hơn 1.100 tỷ USD.

Tại Việt Nam, quyền lực mềm của văn hoá quốc gia đã được quan tâm từ rất sớm. Năm 1943, Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời với ba nguyên tắc có tính nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới, đó là: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Đặc biệt nhất là sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt ngày 8/9/2016.

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 7

 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập từ chính các cơ quan quản lý. Hãy thử nhìn vào Đào, phở và piano - tác phẩm được coi là dấu hiệu tích cực của lĩnh vực điện ảnh do nhà nước đặt hàng.

Sau khi công chiếu, phim thu về 14 tỷ đồng so với con số đầu tư là 20 tỷ đồng. Thế nhưng đó cũng đã được coi là thành công chưa từng có đối với phim nhà nước chiếu rạp.

Trước hiện tượng tưởng vui mà lại hóa buồn này, đông đảo công chúng ngỡ ngàng khi biết cơ chế làm phim và phát hành cùa nhà nước.

Phim gây sốt một cách cực kỳ may rủi. Một Tiktoker dù chưa hề xem phim nhưng vô tình biết đến một số clip hậu trường của phim đã chia sẻ suy nghĩ của mình trên mạng. Sau đó, một số khán giả đi xem phim. Tuy nhiên, phim chỉ được chiếu ở duy nhất ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia với xuất chiếu hạn chế, số lượng ghế trong mỗi khán phòng cũng không quá 100 người, điều này vô tình khiến vé xem phim trở nên khan hiếm.

Từ những sự vô tình trên, bộ phim gây sốt trên mạng xã hội, kéo theo phản ứng dây chuyền, hàng ngàn khán giả tới rạp xem.

Trả lời phóng viên VTC News, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh đã phải dùng từ “kỳ lạ”, “may mắn” để nói về sự lan tỏa bất ngờ của Đào, phở và piano.

Và cơn sốt Đào, phở và piano đẩy cơ quan quản lý và chính nhà làm phim rơi vào tình trạng bối rối. Hàng loạt các phản ứng bị động của họ cho thấy, chính họ - những người đặt hàng và những người sản xuất phim cũng bất ngờ khi phim được khán giả đón nhận. Có lẽ, họ đã quen với tư duy, phim làm theo đơn đặt hàng nhà nước, làm xong sẽ gửi cho nhà nước, phim sẽ được công chiếu trong một vài dịp đặc biệt rồi cất vào kho – như vốn dĩ bao nhiêu năm nay vẫn thế.

Cũng từ bộ phim này, hàng loạt những bất cập trong công tác quản lý được hé lộ: Phim được đầu tư 20 tỷ đồng nhưng không có kinh phí làm truyền thông. Phim ra mắt, gây sốt trong khán giả, nhà làm phim mới vội vàng làm trailer phim – điều mà NSX nào cũng làm trước khi phim công chiếu. Cơ chế phát hành phim bị bó buộc khiến phim gặp khó khăn trong việc phát hành toàn quốc…

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 8

 

“Trong kinh doanh khi ra mắt sản phẩm nào, nhà sản xuất ít nhất cũng mong thu hồi vốn và sau đó là đặt ra mục tiêu lợi nhuận. Người có tư duy kinh doanh nào cũng nghĩ đến câu chuyện đó. Tuy nhiên Đào, phở và piano cho thấy điều bất cập là chúng ta có sản phẩm nhưng lại không có ý định và kế hoạch phát hành rộng rãi, tìm kiếm doanh thu. Với tôi đó là điều kỳ lạ” – Ông Lê Quốc Vinh nhận định về công tác phát hành của bộ phim do nhà nước đặt hàng.

Chuyên gia này cũng kết luận: "Muốn làm Công nghiệp văn hoá, nhưng lại non nớt về cơ chế thị trường và gạt ra ngoài hoạt động marketing thì thật là khó”.

Đánh giá một cách công bằng, những “cú hích” với thị trường điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây, chủ yếu đến từ nỗ lực cá nhân của các nghệ sĩ như: Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ,…Họ là những nhà làm phim tư nhân, riêng lẻ, dĩ nhiên chúng ta không thể đặt lên vai họ trọng trách quá nặng nề là phát triển điện ảnh Việt.

Muốn điện ảnh Việt khởi sắc, đóng góp cho Công nghiệp văn hoá, chúng ta cần có một sự lãnh đạo mang tính chất chiến lược.

Nếu trong lĩnh vực điện ảnh, các nghệ sĩ cô đơn trong khát vọng vươn mình thì ở lĩnh vực âm nhạc, các nghệ sĩ cũng chưa được chắp cánh để bay xa.

Công nghiệp văn hoá nhìn từ 'Mai', 'Đào, phở và piano' tới Chipu - 9

 

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, nhạc sĩ Anh Quân từng đưa ra nhận định, không phải tới bây giờ, các nghệ sĩ Việt mới có khát vọng đưa tác phẩm của mình ra khỏi biên giới. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly từng có những buổi biểu diễn tại Nhật. Năm 2003, ca sĩ Hồng Hạnh cũng từng đem tiếng hát của mình đi chinh phục khán giả xứ mặt trời mọc. Ca sĩ Mỹ Linh cũng có những dự án như: Made in Vietnam, Chat với Mozart, Coming to America xuất khẩu sang Nhật và Mỹ; Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương có các dự án tấn công thị trường băng đĩa Hàn Quốc và Trung Quốc, Lam Trường - Đan Trường mạnh dạn thâm nhập thị trường Thái Lan, Đài Loan. Ca sĩ Đức Tuấn còn mạo hiểm cho phát hành album nhạc kịch Music of the night ở Hong Kong và Canada…

Nhạc sĩ Anh Quân nhận định, so với hàng mấy chục năm trước, các nghệ sĩ Việt hiện nay như Hoàng Thùy Linh, Tăng Duy Tân… đã có nhiều thay đổi trong tư duy âm nhạc, cách làm việc, phong cách trình diễn nhưng họ vẫn đơn độc trong ước mơ đem nhạc Việt ra khỏi biên giới, giống như các bậc tiền bối trước đó hàng mấy chục năm.

Anh đánh giá rất cao tài năng và khát vọng của các nghệ sĩ trẻ. Nhưng đáng tiếc, họ phải tự vận động thay vì có một bệ phóng đủ mạnh.

Trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh đã thế, các lĩnh vực khác cũng không khá khẩm hơn.

Một con thuyền có thể vươn sóng ra khơi không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực, cố gắng của các thủy thủ, mà cần một thuyền trưởng có khát vọng, tài năng và bản lĩnh. Và đó là điều chúng ta đang thiếu.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn