Với “đường băng” chỉ vẻn vẹn khoảng 150 m, những chiếc máy bay nặng hàng chục nghìn kilogram với tốc độ hàng trăm km/h phải hạ cánh an toàn đúng vị trí trên tàu sân bay Mỹ.
Theo How Stuff Works, để làm được điều này, mỗi máy bay được trang bị một móc đuôi (tailhook) – đúng như tên gọi của nó, là một cái móc thêm vào phần đuôi của máy bay.
Mục đích của phi công khi hạ cánh là phải mắc chiếc móc này vào một trong bốn sợi dây bắt giữ (arresting wire), là những sợi dây cáp chắc chắn được làm từ thép chịu lực cường độ cao.
Những sợi dây bắt giữ này được căng ngang boong tàu, hai đầu gắn với xy-lanh thủy lực bên dưới. Khi móc vướng vào dây, nó kéo sợi dây đi và hệ thống xy-lanh thủy lực sẽ điều chỉnh lực để máy bay dừng lại.
Hệ thống dây bắt giữ có thể dừng được một máy bay nặng khoảng 24.500 kg đang di chuyển với tốc độ 241 km/h trong phạm vi hạ cánh chỉ 96 m.
Trong 4 sợi dây song song cách nhau khoảng 15 m, phi công thường nhắm đến sợi dây thứ ba được coi là mục tiêu an toàn và hiệu quả nhất. Sợi dây đầu tiên quá gần mép tàu, sợi dây thứ hai và thứ tư cũng được chấp nhận nhưng để một phi công được thăng hạng, họ phải có khả năng bắt được sợi dây thứ ba một cách thành thạo.
Một trong những điều đặc biệt khi hạ cánh trên tàu sân bay là phi công sẽ phải tăng tốc động cơ lên tối đa sau khi chạm sàn tàu, thay vì giảm tốc độ. Nếu móc đuôi không móc thành công vào bất cứ dây bắt giữ nào, máy bay cần duy trì tốc độ đủ để cất cánh trở lại và hạ cánh sau. Góc hạ cánh vì vậy cũng rất quan trọng.
Hôm nay, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng theo lịch trình từ 5-9/3. Đi cùng USS Carl Vinson là tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E.Meyer.
Video: Máy bay cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Mỹ
Bình luận