Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An cho biết, sáng ngày 1/3, tại Bệnh viện 103 đã thực hiện ca ghép tụy-thận đầu tiên từ người cho chết não.
Tới thời điểm này bệnh nhân ổn định và các thông số được quản lý và có thể nói bước đầu kỹ thuật đã thành công.
Ngày 1/3, tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y, các thầy thuốc quân đội đã tiến hành ca ghép tụy-thận đầu tiên từ người cho chết não.
Như vậy, đây tiếp tục là đơn vị y tế đầu tiên trong cả nước tiến hành ca ghép tụy đầu tiên, một trong những khâu khó nhất của phẫu thuật ghép tạng.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS,TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 một trong những người trực tiếp điều hành các ca ghép.
Ca ghép tụy thành công của Thiếu tướng, PGS,TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103.
Xin chúc mừng thành công mới này của Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Ông có thể cho biết về ca ghép tụy-thận trên người lần đầu tiên này?
- Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An: Sáng ngày 1/3/2014, tại Bệnh viện 103 chúng tôi đã thực hiện ca ghép tụy-thận đầu tiên từ người cho chết não. Tới thời điểm này bệnh nhân ổn định và các thông số được quản lý và có thể nói bước đầu kỹ thuật đã thành công.
Sau hơn một năm làm công tác chuẩn bị, đào tạo các kíp kỹ thuật, học tập bè bạn quốc tế về kinh nghiệm ghép tụy-thận, đặc biệt ở các trung tâm lớn của Nhật Bản, Bỉ… chúng tôi đã tổ chức cho các kíp kỹ thuật thực nghiệm và đã thành công vượt mong đợi.
Ngày 1/3 chúng tôi đã thực hiện ca ghép cùng một lúc 2 tạng trên người thành công. Đây là một thắng lợi nữa của Bệnh viện 103 chúng tôi sau ca ghép thận, ghép gan, ghép tim đầu tiên trên người.
Có những khó khăn gì khi thực hiện ca ghép 2 tạng trên 1 người, thưa Phó giáo sư?
- Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An: Có nhiều khó khăn mà các thầy thuốc phải vượt qua. Về mặt kỹ thuật, ở Việt Nam chúng ta chưa từng ghép lần nào; về mặt miễn dịch là cùng lúc ghép 2 tạng trên người thì diễn biến như thế nào. Đây thực sự là vấn đề rất lớn.
Cái khó khăn thứ ba là làm thế nào để có nguồn hiến tạng; cùng một lúc có cả thận và tụy của cùng một người cho chết não thì nó sẽ phù hợp về cơ chế miễn dịch nhiều hơn cho cuộc ghép và sẽ đỡ khó khăn, vất vả cho người nhận.
Chưa kể, dù đã được trang bị nhiều phương tiện, cùng một lúc bệnh viện triển khai 4 đến 5 phòng mổ nhưng máy móc, thiết bị của bệnh viện còn thua kém các trung tâm lớn.
Đấy là những cái mà chúng tôi phải trăn trở rất nhiều, phải học tập kinh nghiệm từ nhiều trung tâm quốc tế để có được cuộc ghép này.
Các bác sĩ trong quá trình thực hiện ca ghép tụy - thận. Ảnh: Anh Thu.
Từ việc chuẩn bị kỹ như vậy thì trong quá trình thực hiện có gặp những khó khăn gì hay không?
- Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An: Chúng tôi cũng đã lường trước những mọi khó khăn. Theo yêu cầu của chương trình KC10 và của Bộ Khoa học Công nghệ thì ca ghép này phải được tổ chức một cách chặt chẽ, chu đáo nhất.
Chúng tôi đã lên 3 phương án và báo cáo các cấp. Một là dự kiện kíp ghép có sự tham gia của chuyên gia quốc tế, chúng tôi đã liên hệ với 3 trung tâm và bạn cũng đã nhận lời; Phương án thứ hai là chúng tôi tổ chức phối hợp với các trung tâm lớn ở trong nước để cùng ghép và phương án thứ ba là các thầy thuốc của Bệnh viện 103 tự làm.
Lựa chọn phương án nào thì tùy thuộc vào diễn biến tình hình của người cho chết não vì không thể kéo dài thời gian bảo vệ tạng của người hiến tặng. Ca chết não diễn biến hết sức bất thường nên chúng tôi không kịp triển khai phương án 1 và 2 nên đã quyết định sử dụng lực lượng của Bệnh viện 103 tự tổ chức ghép và chúng tôi đã thành công.
Thời gian tới, hướng tiếp theo của hoạt động ghép tụy-thận sẽ như thế nào?
- Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An: Hiện nay số lượng những người bị bệnh đái tháo đường khiến suy thận cũng có số lượng đáng kể.
Những người đã ghép thận nhưng lại bị tiểu đường và không đáp ứng với thuốc cũng bắt đầu xuất hiện nhiều nên số nguồn nhận tụy-thận đồng thời đã xuất hiện nhiều ở Việt Nam.
Vì vậy tương lai của việc ghép tụy-thận đòi hỏi các thầy thuốc phải nhanh chóng đáp ứng nên chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt và thực hiện ca ghép đầu tiên này để rút kinh nghiệm và thực hiện những ca ghép tiếp theo.
Việc chỉ định cho ghép tụy-thận này chỉ trong những trường hợp Thiếu tướng vừa trao đổi hay còn có mở rộng thêm ở những trường hợp khác?
- Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An: Trước mắt chỉ mới có hai chỉ định như vậy, không những chỉ là ghép tụy-thận, hiện nay những người tiểu đường chưa có suy thận nhưng lại có người bị đái tháo đường mà không phụ thuộc vào thuốc thì cũng có nhu cầu ghép.
Hiện nay chúng tôi cũng đã có một danh sách những người xin được hiến một phần tụy cho con cái của mình và tới đây, ngoài khả năng ghép tụy-thận chúng tôi sẽ ghép tụy đơn lập.
Ông có ý kiến gì về những người tình nguyện hiến tạng hiện nay?
- Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An: Hiện có rất nhiều người cần được ghép thận, gan, tim… nhưng nguồn cho là vô cùng hiếm.
Nếu khi gặp những trường hợp không may rủi ro, các gia đình nên vì lợi ích cộng đồng, vì sự sống của những người bệnh khác mà có thể được thầy thuốc giúp trong hành trình đi tìm sự sống của mình thì nên đồng ý cho phép người nhà mình được hiến tạng để cứu giúp cho những người khác.
Nước ta cũng đã có luật hiến tạng nhưng nói thật, sự hy sinh vì y học, vì sự sống của người chết não cho tạng, hiến tạng chưa nhiều. Chúng tôi hy vọng, sẽ có sự thay đổi về nhận thức vấn đề này và càng có nhiều người sẵn sàng hiến tặng tạng nếu không may gặp sự cố.
Dự kiến là khi nào bệnh nhân vừa ghép tụy-thận sẽ hồi phục, thưa ông?
- Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An: Vì là ca đầu tiên nên chúng tôi sẽ giữ lại ở viện lâu hơn để theo dõi diễn biến, sau đó rút kinh nghiệm cho những ca sau nhưng với những diễn biến hiện tại của bệnh nhân thì chúng tôi kỳ vọng bệnh nhân sẽ xuất viện sớm.
Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này !
Bình luận