Trước thềm đàm phán Mỹ-Trung, David Shear, Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong cuộc phỏng vấn với SCMP cho biết Biển Đông cũng sẽ là một trong các vấn đề được mang ra thảo luận trong cuộc họp của hai nhà lãnh đạo.
"Sự dẫn dắt của Mỹ về các hoạt động tự do hàng hải không phải vì chúng tôi muốn tỏ thái độ hung hăng mà là bởi chúng tôi cảm thấy sự cần thiết của việc đảm bảo tự do đi lại và thách thức những gì chúng tôi tin là những tuyên bố bất hợp pháp về chủ quyền", ông này nhấn mạnh.
Tuy vậy, không có bất cứ tuyên bố nào liên quan tới khu vực Biển Đông được đưa ra sau cuộc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 bất chấp sự khác biệt sâu sắc trong quan điểm của Washington và Bắc Kinh.
Thay vào đó, ông Trump và ông Tập thảo luận về Đài Loan, Triều Tiên và quan trọng nhất là cách để tháo gỡ cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.
Trung Quốc nhiều năm trở lại đây đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời đưa ra những tuyên bố ngang ngược và phi lý về vùng biển này. Mỹ dù không phải là bên liên quan vẫn lên án mạnh mẽ tham vọng của Trung Quốc và gửi các tàu chiến tới gần khu vực tranh chấp như một tuyên bố thực hiện tự do hàng hải quốc tế, thách thức Bắc Kinh.
Ông Song Zhongping, nhà bình luận quân sự tới từ Hồng Kông cho rằng sự khác biệt quá lớn về vấn đề Biển Đông có thể đã khiến 2 bên quyết định gạt vấn đề này sang một bên để tập trung giải quyết vấn đề thương mại.
"Trung Quốc nhấn mạnh lợi ích hàng hải của mình trong vùng biển này trong khi Mỹ đề cao quyền tự do hàng hải. Đây là những điểm khởi đầu khác nhau và không dễ dàng hòa giải", ông Song phân tích.
Wang Dehua, chuyên gia về vấn đề Nam Á và Trung Á của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải thì cho rằng Bắc Kinh muốn tạo ra một bầu không khí thoải mái cho các cuộc đàm phán nên tin rằng không nên đề cập tới Biển Đông, còn Mỹ thừa hiểu họ cũng không được hưởng lợi lộc gì nếu cứ nhắc đi nhắc lại vấn đề trên trong khi ưu tiên của cả 2 bên là tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại.
Trước khi Tổng thống Trump lên đường tới Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina, ngày 29/11 Hải quân Mỹ tuyên bố vừa điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville tới Biển Đông trong động thái đảm bảo tự do đi lại trong vùng biển quốc tế.
"USS Chancellorsville đã di chuyển tới gần quần đảo Hoàng Sa để thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức và đảm bảo quyền tiếp cận với các tuyến đường thủy được quy định bởi luật pháp quốc tế", phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Nathan Christensen cho biết.
Theo CNN, ông Christensen nhấn mạnh thêm rằng tàu chiến Mỹ đã triển khai hoạt động tới gần quần đảo Hoàng Sa để thách thức các hành động và tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh thời gian qua.
Cả Washington và Bắc Kinh đều mô tả cuộc gặp giữa 2 lãnh đạo Mỹ-Trung vào cuối tuần trước là một thành công và 2 bên đã đi tới thống nhất Mỹ không áp thêm mức thuế bổ sung lên gói hàng hoá nhập khẩu có giá trị 200 tỷ USD của Trung Quốc vào ngày 1/1/2019 như dự định trước đó.
Tuy nhiên, Washington cảnh báo nếu cả 2 bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại bao gồm chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, an ninh mạng và nông nghiệp trong 90 ngày, Mỹ vẫn sẽ tăng mức thuế từ 10% sẽ lên 25%.
Bình luận