(VTC News) -Wushu hay còn được biết đến với tên gọi là kungfu là một môn thể thao có lịch sử phát triển hàng ngàn năm và được xem là “ quốc hồn quốc túy” của Trung Quốc.
>> Kì 1: Kế hay giúp Việt Nam sớm vô địch Olympic
Người Trung Quốc đã thành công khi mượn môn võ cổ truyền này để quảng bá lịch sử và nền văn hóa đồ sộ của mình ra bên ngoài.
Điều duy nhất mà họ chưa làm được là biến môn thể thao này thành mỏ vàng tại Olympic. Ngay cả khi có cơ hội đăng cai Olympic vào năm 2008, Trung Quốc vẫn không thể tận dụng thành công để đưa wushu vào nội dung thi đấu dù đã bỏ ra không ít tiền của và công sức. Vậy lí do là gì?
Wushu chỉ là một môn thi đấu biểu diễn tại Bắc Kinh 2008
Rào cản văn hóa và ngôn ngữ
Wushu ngày càng trở nên nổi tiếng trên thế giới với sự khai thác không ngừng từ các nhà sản xuất điện ảnh Hollywood lừng danh trên thế giới. Làn sóng của “Ma trận” hay mới nhất là “Kungfu Panda” đã mang môn võ này đến gần hơn với các khán giả đặc biệt là các khán giả phương Tây, nhưng để nó trở thành một môn thể thao được tập luyện phổ biến ở các quốc gia này là một hành trình dài đầy chông gai.
Được thành lập vào năm 1990 Liên đoàn Wushu quốc tế (IWF) có các thành viên lan rộng khắp năm châu lục với gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ và nó đã được chính thức công nhận bởi Ủy ban Olympic Quốc tế trong năm 2002. Các giải đấu quốc tế Wushu đã được tổ chức hai năm một lần bởi IWF từ năm 1991.
Ngay từ khi thành lập, Liên đoàn wushu quốc tế đã nhận nhiệm vụ phát triển những kíến thức và kĩ năng của môn thể thao này ra thế giới mà vẫn giữ nguyên các đặc tính Trung Hoa. Thành công đạt được cho đến nay khi có hơn 200 triệu học viên trên toàn thế giới theo học wushu.
Thoạt nhìn thì wushu có vẻ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về “mức độ phổ biến” của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để góp mặt trong nội dung thi đấu của Olympic thế nhưng cần phải biết rằng, trong số 200 triệu người đang tập luyện môn võ này thì có tới hơn 80 triệu người Trung Quốc, số còn lại hầu hết đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Những cô gái vàng của Wushu Việt Nam
Không dễ dàng tiếp cận như các môn thể thao khác, đến với wushu người ta không chỉ phải đối mặt với một chế độ tập luyện vô cùng khắc nghiệt mà còn phải làm quen với một ngôn ngữ mới, một nền văn hóa mới có thể khiến bất kì ai nản lòng.
Markus Heilmann, một thành viên của đội tuyển Wushu quốc gia Đứccho biết "Rất hiếm giáo viên wushu ở Trung Quốc nói được tiếng Anh và Trung Quốc là một ngôn ngữ khó khăn để tìm hiểu với người châu Âu." Ng, đếntừ Hồng Kông, đồng ý rằng: “ Sử dụng nhiều tiếng Anh chắc chắn sẽ giúp wushu được cả thế giới chấp nhận nhanh hơn " nhất là khi wushu chỉ được truyền đạt bằng lời mà không hề có cuốn sách hướng dẫn nào.
Ngoài ra, số lượng hạn chế thông tin về võ thuật có sẵn ở nước ngoài là một trở ngại khác. Kristaps Simanis, từ Latvia, nói rằng khi ông được học võ thuật, ông chỉ có ba băng ghi hình của các giải đấu võ thuật Trung Quốc. "Tất cả những gì tôi có thể làm là bắt chước các chuyển động trên băng. Dù có làm lại không chính xác thì tôi cũng không biết".
Sự khác biệt về văn hóa cũng là một rào cản lớn đối với Trung Quốc trong việc đưa môn thể thao này đến với mọi người trên thế giới.
“Ở Trung Quốc, giáo viên võ thuật yêu cầu sự tôn trọng tuyệt đối từ các học viên, họ không chỉ hướng dẫn các kĩ năng và tinh thần của võ thuật mà còn áp đặt nó vào cả cách sống” Heilmann nói, “Điều đó khác xa với văn hóa phương Tây, nơi mà học sinh và giáo viên có mối quan hệ bính đằng học sinh có quyền tìm hiểu những điều mà mình thực sự muốn”
Thương hiệu kém hấp dẫn
Nếu muốn chiêm ngưỡng những kĩ thuật kungfu tuyệt đỉnh, hầu hết người hâm mộ trên thế giới sẽ chọn Jackie Chen, một ngôi sao võ thuật luôn biết cách chọc cười khán giả thay vì chờ đợi xem wushu tại mỗi kì Olympic.
Giới mê Golf có thể chứng kiến sự hồi sinh của Tiger Woods tại Olympic 2016
Cần phải biết rằng, để đáp ứng các tiêu chuẩn của IOC trong việc đưa một môn thể thao vào Olympic không những cần phải có các hiệp hội trong ít nhất 75 quốc gia hoặc khu vực mà còn phải thỏa mãn yêu cầu đối với vùng phủ sóng của phát sóng truyền hình trực tiếp, doanh thu bán vé và các nhà tài trợ.
Kể từ khi Bắc Kinh giành quyền đăng cai Thế vận hội 2008, một dự án dài hơi đã được thực hiện bởi Liên đoàn quốc tế để phát triểnwushu thành môn thể thao giàu sức cạnh tranh, có thể được phát sóng ở nhiều quốc gia nhất có thể và đáp ứng được format của chương trình Olympic.
Thế nhưng, rõ ràng wushu là một thương hiệu kém hấp dẫn đối với các nhà tài trợ và giới truyền thông, bởi lẽ hầu hết các khán giả tỏ ra không mặn mà với môn thể thao này.
Nhìn cái cách mà golf đã vượt qua các môn khác trong đó có wushu để có mặt trong nội dung thi đấu của Olympic mới thấy rõ lợi ích kinh tế mới là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Đầu tư vào các môn thể thao Olympic như bơi lội vẫn là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia có nền thể thao mạnh
So với wushu, số người luyện tập môn golf trên thế giới còn ở mức khiêm tốn, bởi lẽ chỉ có tầng lớp thượng lưu mới đủ khả năng theo đuổi một môn thể thao tốn kém như vậy. Thế nhưng, về giá trị thương mại thì môn thể thao quý tộc này luôn là số 1. Chỉ riêng Tiger Woods cũng đã là cái tên đảm bảo cho những hợp đồng quảng cáo kếch xù cũng như lấp đầy túi IOC bằng số tiền bán bản quyền phát sóng.
Không chỉ riêng wushu, giá trị thương mại là bài toán mà các môn thể thao cố truyền châu Á trong đó có cả Muay Thái hay Vovinam chắc chắn phải loay hoay tìm lời giải trong một thời gian rất dài nữa. Nhìn vào tấm gương của Trung Quốc, ta càng thấm thía con đường đưa tinh hoa cổ truyền đến với sân chơi lớn nhất hành tinh không dành cho những tay mơ.
Thanh Tú
Bình luận