Dân mạng đang phát sốt với các cụm từ “thu giá, trạm thu giá” của Bộ Giao thông Vân tải (GTVT), khi bộ này đồng loạt đổi tên gọi các trạm thu phí BOT thành "trạm thu giá" (viết tắt từ "trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ": theo Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT).
Bộ GTVT giải thích lý do của sự thay đổi này là do sự khác biệt giữa phí (do Nhà nước ấn định, chịu sự quy định của Pháp lệnh về Phí) và giá (do doanh nghiệp ấn định, chịu sự quy định của Pháp lệnh về Giá). Bộ GTVT cho rằng việc thay đổi từ "phí" sang "giá" giúp cho các doanh nghiêp BOT "linh động hơn, điều chỉnh dễ dàng hơn" giá/phí qua trạm BOT.
Mặc dù lời giải thích này có vẻ thoả đáng về khía cạnh pháp lý và kinh tế, nhưng việc dùng các cụm từ Thu giá và Trạm Thu giá lại không nhận được sự tán đồng của truyền thông và công chúng. Vì sao như vậy?
Lý do chủ yếu nằm ở sự khác biệt về nghĩa của hai từ “phí” và “giá” trong tiếng Việt. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2000) thì “phí” là “khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ” cho nên có thể nói “nộp phí”, “thu phí”, theo nghĩa là nộp hay thu “một khoản tiền phải trả” cho một công việc hay dịch vụ nào đó. Ví dụ: Thu phí qua cầu. Nộp phí dịch vụ.
Ngược lại, từ ”giá” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, “giá” là biểu hiện giá trị bằng tiền. Ví dụ: Cái áo này giá năm mươi ngàn đồng. Hạ giá hàng. Nghĩa thứ hai, “giá” là tổng thể nói chung những gì phải bỏ ra, tiêu phí (thường là nhiều) cho một việc làm nào đó. Ví dụ: Phải trả giá cho hành động phiêu lưu. Hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào.
Như vậy, khác với từ "phí", trong tiếng Việt hiện nay từ "giá" không có nghĩa nào có thể được hiểu là "khoản tiền phải trả...". Vì vậy không thể nói "nộp giá" hay "thu giá" theo cách nói như "nộp phí", "thu phí" được.
Tóm lại, dư luận không tán thành các cụm từ "thu giá", “trạm thu giá” có lẽ không chỉ vì việc chuyển lắt léo từ "phí" sang "giá" của Bộ GTVT mà còn là do các cụm từ này được sử dụng không hoàn toàn đúng với quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt.
Bình luận