Vũ khí trang bị phải phục vụ cho lối đánh nhưng trên hết phải đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, đồng thời phát huy nền nghệ thuật quân sự truyền thống. Chẳng có quốc gia nào đi mua sắm, chế tạo vũ khí mà không phục vụ cho nhiệm vụ của quân đội, hay làm mất đi tính độc đáo nghệ thuật quân sự của mình.
Tư tưởng nghệ thuật quân sự Việt Nam chủ yếu là phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Phòng thủ hướng nào là chính, phòng thủ như thế nào (tư tưởng, chiến thuật) thì vũ khí mua sắm, chế tạo phải phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ chiến lược đó. Mua sắm, chế tạo vũ khí trang bị xa rời các mục tiêu trên coi như tự sát về kinh tế, tự sát về lối đánh sở trường, tất yếu sẽ bị thất bại.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa |
Thông qua việc một kỹ sư cơ khí người Việt Nam của một doanh nghiệp tư nhân đã tự chế tạo và thử nghiệm thành công công nghệ AIP, công nghệ được coi như là “bí mật quốc gia” của bất kỳ quốc gia nào đang sở hữu, thì người Việt chúng ta có quyền tự hào về trí tuệ của mình. Người viết bài này đã từng mong mỏi cho cuộc thử nghiệm “tàu ngầm Trường Sa” thành công, nhưng đó chỉ là vần đề tình cảm. Tình cảm và lý trí là 2 vấn đề khác nhau.
Trong bối cảnh “toàn cầu hóa” hiện nay, với công nghệ tiên tiến phát triển nhanh đến chóng mặt thì không chịu tiếp thu, sử dụng thành quả nền công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới là sẽ bị tụt hậu, đó không phải sách lược khôn ngoan. Việt Nam phải đầu tư tiền của, trí tuệ tiếp thu công nghệ mới, cải tiến, phát triển phù hợp với bản sắc Việt Nam. Đó chính là sách lược đi tắt, đón đầu khôn ngoan nhất.
Nghiên cứu để chế tạo ra một chiếc máy bay để bay được trên bầu trời hay một chiếc tàu ngầm có thể đi ngầm dưới biển thì với tất cả quốc lực và trí lực, vấn đề đó không khó với Việt Nam hay quốc gia nghèo nào khác. Nhưng chắc chắn, chiếc máy bay, tàu ngầm đó không thể như SU-30, KILO của Nga. Vậy thì tại sao Việt Nam lại đầu tư nguồn lực, tài lực vào một việc không thực tế, lãng phí như vậy khi không dành nguồn đó để sở hữu SU-30, tàu ngầm KILO…rồi tiếp thu công nghệ đó, cải tiến, phát triển cho riêng mình…
Vì thế vai trò, ý nghĩa của “tàu ngầm Trường Sa”, do vậy, cũng chỉ dừng tại đó, tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả…
Lực lượng “đặc công ngầm” Việt Nam?
Phải công nhận rằng lực lượng tàu ngầm mini của Bắc Triều Tiên dù không hiện đại tiên tiến bằng các quốc gia khác nhưng trên chiến trường Triều Tiên lại là lực lượng đáng gờm và nguy hiểm nhất cho Hàn Quốc và Mỹ.
Khi “tàu ngầm Trường Sa” thử nghiệm trong bể nước… có vẻ như chắp cánh cho ý tưởng 2 trong 1 (đặc công và tàu ngầm mini), một lực lượng “đặc công ngầm” Việt Nam trong tương lai... Tuy nhiên, điều đó dành cho những người có trí tưởng tượng cao, là sản phẩm tư duy của chiến tranh giải phóng Tổ quốc.
Trên chiến trường Biển Đông, trong tư duy chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đáng tiếc là nó không phù hợp như chiến trường Triều Tiên.
Như sử dụng một thanh kiếm, Việt Nam không cần một thanh kiếm quá ngắn, quá nhỏ, quá nhẹ, cũng không cần một thanh kiếm quá dài, quá lớn quá nặng, Việt Nam cần một thanh kiếm mà độ dài vừa đủ để công thủ toàn diện, độ lớn, độ nặng vừa đủ để điều khiển dễ dàng theo ý muốn. Và, trên chiến trường Biển Đông, tàu ngầm KILO hoàn toàn đáp ứng.
Tàu ngầm KILO, sự lựa chọn hoàn hảo.
Để đánh giá mức độ ưu việt của mỗi loại tàu ngầm động cơ thông thường (loại trừ động cơ hạt nhân và AIP) người ta đều xuất phát từ 5 tiêu chí cơ bản, bao gồm 3 tiêu chí tính năng kỹ thuật là: độ ồn (tính bí mật), độ nhìn (khả năng phát hiện của hệ thống quan trắc) và tầm hoạt động. 2 tiêu chí còn lại thuộc về tính năng chiến thuật là: sức mạnh của hệ thống vũ khí và khả năng tác chiến đa nhiệm.
Xét trên cả 5 tiêu chí thì tàu ngầm Kilo đều thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới.
Nhưng điều đó chưa phải là điều quyết định mà điều quyết định với Việt Nam là 5 tiêu chí đó hoàn toàn phù hợp đến từng chi tiết với địa hình, khu vực phòng thủ, tư tưởng tác chiến, lối đánh sở trường, nghệ thuật quân sự…giống như tàu ngầm KILO là do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo vậy.
Tàu ngầm Hà Nội của Hải quân Việt Nam-lực lượng đáng gờm trên Biển Đông |
Nếu Nhật Bản bán cho Việt Nam 6 chiếc tàu ngầm AIP lớp Soryu giá cả như tàu ngầm KILO, thì nhà kinh doanh sẽ mua ngay vì nó quá hiện đại, quá rẻ so với KILO, nhưng là nhà quân sự thì có cho thì lấy nhưng không mua hoặc mua thì sẽ đem bán lại ngay cho…Trung Quốc kiếm lời rồi mua ngay KILO sau đó.
Điều này có nghĩa, ít nhất trong tương lai gần, Việt Nam chưa cần tàu ngầm AIP hiện đại cỡ như lớp Soryu của Nhật Bản, bởi lẽ, trong vùng biển gần phòng thủ của Việt Nam, tàu ngầm KILO phát huy sở trường, sự lợi hại hơn nhiều loại tàu ngầm trang bị động cơ AIP.
Tàu ngầm trạng động cơ AIP có 2 ưu thế là: dùng để nạp điện cho acquy mà không cần nổi lên và duy trì tính bí mật khi bám sát, theo dõi mục tiêu thường xuyên, dài ngày trên một khu vực biển rộng. Tuy nhiên hạn chế của nó là tốc độ di chuyển chậm (Vmax từ4-5 M/h) nên khi tấn công và rút lui khỏi khu vực tác chiến đều phải dùng động cơ chạy bằng năng lượng điện. Mặt khác khi trang bị hệ thống động cơ AIP thì tàu ngầm buộc phải “phình” to ra nên cơ động tàu hạn chế.
Tàu ngầm KILO của Việt Nam, căn cứ vào tính năng kỹ chiến thuật và với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến, khu vực tác chiến được giao…trong một thế trận phòng thủ chung thì giới quân sự khi lên phương án tác chiến không phải bị cản trở bởi vấn đề KILO thiếu năng lượng điện để tác chiến.
Nếu ở vùng biển gần, xét về tiêu chí "chi phí-hiệu quả” thì các tàu ngầm có động cơ AIP có ưu thế hơn cả các tàu ngầm nguyên tử, nhưng xét về nhiệm vụ của KILO Việt Nam mà nó phải hoàn thành thì KILO ưu thế hơn tàu ngầm có động cơ AIP.
Chiến lược tàu ngầm hiện đại ngày nay thì việc triển khai các tàu ngầm chủ yếu không phải trên các tuyến giao thông đại dương mà ở gần bờ biển của mình hoặc của nước khác. Cho nên với nền tài chính hiện có, với tình hình khu vực Biển Đông, với đối tượng tác chiến tiềm tàng…KILO Việt Nam là sự lựa chọn hoàn hảo.
KILO sinh ra như là để cho Việt Nam và chỉ có trong tay Việt Nam, KILO mới lợi hại hơn vốn có bội phần.
Rốt cuộc, nếu cần đầu tư vật lực, trí lực thì mục tiêu là làm sao cho KILO Việt Nam có tính năng kỹ chiến thuật phát triển hơn nữa, độc đáo hơn nữa hoặc tự sản xuất ra cỡ như nó khi được bàn giao công nghệ. “Tàu ngầm Trường Sa” chỉ là chuyện nhỏ.
Bình luận