• Zalo

Vì sao siêu bão Yagi mạnh lên trước khi tiến vào đất liền?

Khám pháThứ Sáu, 06/09/2024 16:35:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các nhà khoa học, siêu bão Yagi đang được "tiếp sức" từ vùng biển ấm và ngày càng mạnh lên khiến tiến gần vào đất liền.

CNN dẫn thông báo của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC) cho biết, bão Yagi hiện đang có sức gió lên tới 240 km/giờ - tương đương với siêu bão Cấp 4 (trong 5 cấp) của thang đo bão Saffir–Simpson. Yagi cũng là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới được ghi nhận trong năm 2024, chỉ đứng sau siêu bão Beryl ở Đại Tây Dương (cấp 5).

Cũng theo các nhà khí tượng học, các vùng biển ấm đang trở thành "nguồn năng lượng" giúp bão Yagi ngày càng mạnh lên khi tiến vào đất liền. Ngày 4/9, cơn bão này chỉ có sức gió 90km/h. 

Vị trí tâm bão Yagi vào lúc 10h ngày 6/9, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Quỳnh Hải ở đảo Hải Nam đến Trạm Giang ở Quảng Đông, Trung Quốc, trong chiều hoặc tối cùng ngày.

Vị trí tâm bão Yagi vào lúc 10h ngày 6/9, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Quỳnh Hải ở đảo Hải Nam đến Trạm Giang ở Quảng Đông, Trung Quốc, trong chiều hoặc tối cùng ngày.

Các nhà khoa học nhận định  đại dương nóng hơn do biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão nhiệt đới mạnh nhanh hơn chỉ trong thời gian ngắn.

Khi bề mặt đại dương ấm lên, không khí phía trên cũng ấm lên, khiến nước được đưa lên cao để tạo thành mây, trong khi để lại vùng áp suất thấp bên dưới khiến nhiều không khí hơn tràn vào. Khi các hệ thống này tích tụ, giông bão được hình thành. Nếu không có gió mạnh phá vỡ nó, hệ thống có thể mạnh lên thành bão.

Mặc dù có thể số lượng bão không tăng lên, nhưng những cơn bão hình thành với cường độ như vậy sẽ có sức tàn phá lớn hơn – tạo ra lượng mưa lớn hơn và mực nước dâng cao hơn.

Các nhà khoa học cho biết, các vùng biển trên thế giới đã ấm lên bất thường trong hơn một năm qua. Nhiệt độ bề mặt biển trung bình tháng 8/2024 đạt 20,88 độ C - giá trị cao thứ hai được ghi nhận và chỉ thấp hơn 0,01 độ C so với giá trị kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7/2023.

Dự kiến, Yagi sẽ đổ bộ vào đất liền vào tối 6/6 ở khu vực phía tây nam Trung Quốc, gần mũi phía bắc của đảo Hải Nam trước khi đi vào đất liền qua tỉnh Quảng Đông, mang theo những trận mưa lớn và lũ lụt ven biển.

Một cơn bão được hình thành trên Thái Bình Dương nhìn từ trạm vũ trụ quốc tế ISS. (Ảnh: NASA)

Một cơn bão được hình thành trên Thái Bình Dương nhìn từ trạm vũ trụ quốc tế ISS. (Ảnh: NASA)

Mặc dù bão chưa đổ bộ hoàn toàn nhưng ảnh hưởng của nó đã khiến giao thông các thành phố ở Hải Nam tê liệt. Chính quyền địa phương đã cho đóng cửa và tạm dừng hoạt động nhiều trường học, doanh nghiệp, nhà hàng và giao thông công cộng, bao gồm cả tàu hỏa và máy bay. Một số thành phố ở các tỉnh lân cận là Quảng Đông và Quảng Tây cũng áp dụng các biện pháp tương tự.

Dự báo bão mới nhất của Reuters nhận định, bão Yagi sẽ mạnh thêm và đổ bộ dọc theo bờ biển từ Quỳnh Hải ở Hải Nam đến Điện Bạch, Quảng Đông từ chiều đến đêm 6/9.

Bão Yagi hình thành từ 1/9 ở Biển Philippines. Tại Philippines, bão Yagi gây mưa tới 250mm trong tuần này, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Dự báo, sau khi đi qua miền nam Trung Quốc, bão Yagi sẽ suy yếu dần khi tiến về phía bắc Việt Nam.

Trà Khánh(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn