• Zalo

Vì sao phải xây sân bay Long Thành?

Thời sựThứ Sáu, 17/10/2014 07:08:00 +07:00Google News

(VTC News) – Các nhà quản lý, chuyên gia đã chỉ rõ lý do cần thiết đầu tư xây dựng sân bay Long Thành dù đây là dự án tiêu tốn hàng tỷ USD.

(VTC News) – Các nhà quản lý, chuyên gia đã chỉ rõ lý do cần thiết đầu tư xây dựng sân bay Long Thành dù đây là dự án tiêu tốn hàng tỷ USD.

"Chia lửa" với sân bay Tân Sơn Nhất

Việc xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (HKQT) gần như đã được cơ quan Nhà nước và người dân đồng thuận. Tuy nhiên, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu số tiền phục vụ xây dựng dự án lên đến hàng tỷ USD, trong khi kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, nợ công lớn... Vậy có nên xây dựng Cảng HKQT Long Thành?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trong buổi họp báo thông tin về dự án Cảng HKQT Long Thành 
Đó là nội dung được đưa ra bàn luận tại cuộc họp báo thông tin về dự án Cảng HKQT Long Thành do Bộ GTVT tổ chức vào ngày 16/10 tại TP.HCM.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cảng HKQT Long Thành hiện đang được cải tạo mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm. Dự kiến sau năm 2017, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế như trên. 

Trong khi việc mở rộng nâng công suất tại cảng hàng không này để đáp ứng nhu cầu 40-50 triệu hành khách/năm giai đoạn 2025 – 2030 là không khả thi. Bởi lẽ, việc mở rộng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề dân sinh của khu vực trung tâm thành phố như: gây ô nhiễm, tiếng ồn, khí thải vượt mức cho phép, không đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững.

Ông Thanh cũng lưu tâm đến việc hạn chế khai thác vùng trời, bởi khu vực vùng trời tiếp cận dành cho tàu bay cất hạ cánh của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hiện tại chồng lấn với vùng trời tiếp cận của căn cứ không quân Biên Hòa ở phía Bắc. 

Ngoài ra, chi phí để mở rộng nâng công suất khai thác Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là quá lớn so với việc phát triển một cảng hàng không mới. 
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải với lượng hành khách rất đông vào đầu giờ chiều 16/10
Theo tính toán, chi phí để nâng được công suất khai thác thêm 20 triệu hành khách cần tới khoảng 9,1 tỷ USD, phải giải phóng 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu); chưa kể chi phí và số lượng dân cư phải giải tỏa để làm thêm các tuyến đường giao thông tiếp cận, cơ sở hạ tầng đồng bộ và cảng hàng không.

“Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất quá tải thì việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là rất cần thiết”, ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, dù sân bay Tân Sơn Nhất đang được cải tạo, mở rộng nhưng với mức độ như hiện nay thì không thể phát triển thêm nữa. Trong khi đó, vì giao thông tiếp cận sân bay còn khó khăn nên thành phố đã chi hơn 300 triệu USD để xây dựng tuyến Bình Lợi - TSN và mở rộng đường Trường Chinh, Cộng Hòa. 

Vốn ở đâu?

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không (ACV - chủ đầu tư lập báo cáo đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành) cho rằng, đây là dự án tiền khả thi để Chính phủ trình Quốc hội Khóa 13 (kỳ họp thứ 8) sắp tới để xin chủ trương đầu tư. 
Cảng HKQT Long Thành trong tương lai 
Dự án sẽ làm trong 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, sẽ đầu tư Nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường hạ cất cánh với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng (khoảng 7,8 tỷ USD).

Theo tính toán sơ bộ cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của ACV, vốn nguồn gốc ngân sách Nhà nước (vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA...) khoảng 85.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là 47.859 tỷ đồng (chiếm  29,1%), do ACV vay lại vốn ODA của Chính phủ và nhận tự hoàn trả, còn vốn ngân sách Nhà nước là 24.081 tỷ đồng (chiếm 14,6%). 

Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước (doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư) là 80.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên theo ý kiến của chuyên gia phản biện độc lập (thuộc Hội đồng thẩm định Nhà nước), trong tờ trình cũng nêu rất rõ nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ và Bộ GTVT vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, xét kỹ mọi yếu tố trong nghiên cứu tiền khả thi cũng như vốn đầu tư để thực hiện dự án. 

Vì thế, dự án chỉ được triển khai và đưa ra kế hoạch, phương thức huy động vốn sau khi được quốc hội thông qua. 

Hiện tại nợ công của nước ta đang "phình to" khi đạt gần 85 tỷ USD (chiếm hơn 47% GDP). Ước tính đến hết năm 2014 hơn 60% GDP. Dự kiến đến hết năm 2015, con số nợ công tới 64% GDP. Bởi thế, việc vay nợ nước ngoài để xây dựng sân bay Long Thành cũng cần cân nhắc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ GTVT đã lập Hội đồng thẩm định Quốc gia để xem xét chi tiết mọi vấn đề trong quá trình thi công dự án để đưa ra tính toán phù hợp cho nguồn vốn. 

Việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành được tính toán rất kỹ, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm nhỏ nhất và khả năng thu hồi, hoàn trả lại vốn cho ngân sách Nhà nước hoàn toàn khả thi trong thời gian ngắn.

Khu rừng cao su bạt ngàn sẽ được phá bỏ để xây dựng sân bay Long Thành 
Về phương án xây dựng sân bay Long Thành, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay, các quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn toàn phù hợp đối với nhu cầu giao thông tiếp cận và kết nối giữa Cảng HKQT Long Thành với TP.HCM.

Cảng HKQT Long Thành đảm bảo đủ diện tích quy hoạch (5.000 ha) để xây dựng hiện đại, có công suất 100 triệu hành khách/năm; có khu vực dùng riêng cho một căn cứ quân sự lớn trong tương lai (1.000 ha).

Bên cạnh đó, khu vực lựa chọn xây dựng sân bay Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần các nguồn cấp vật liệu lớn, rất thuận lợi cho việc xây dựng. 

“Khu vực xây sân bay chủ yếu là diện tích trồng cây cao su, mật độ dân cư khu vực không cao, tác động môi trường gây ra là tối thiểu, ít ảnh hưởng về tiếng ồn, khí thải đến môi trường sống... nên đảm bảo yếu tố phát triển bền vững”, ông Trường nói.

Sỹ Hưng 
Bình luận
vtcnews.vn