• Zalo

Vì sao phải đủ 18 tuổi mới được mổ mắt?

Tư vấnThứ Tư, 25/09/2024 09:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bác sĩ nhãn khoa lý giải nguyên nhân trẻ phải đủ 18 tuổi mới được phẫu thuật chữa các tật khúc xạ.

Theo khuyến cáo, độ tuổi phù hợp để phẫu thuật chữa tật khúc xạ là từ đủ 18 tuổi. Ở độ tuổi này, độ cận đã ổn định và ít có sự thay đổi nên khả năng phẫu thuật thành công sẽ cao hơn và hiệu quả dài lâu.

Trẻ dưới 18 tuổi là trường hợp chống chỉ định phẫu thuật chữa tật khúc xạ bởi cơ thể người và trục nhãn cầu đang trong giai đoạn phát triển, độ cận vẫn chưa ổn định và có nhiều thay đổi.

Tật khúc xạ là thuật ngữ chung dùng để chỉ các rối loạn về mắt, khi ánh sáng từ vật không truyền chính xác đến võng mạc, dẫn đến hình ảnh của vật sẽ bị mờ khiến chúng ta không nhìn rõ được vật. Các tật khúc xạ phổ biến trẻ hay gặp là cận thị, loạn thị, viễn thị.

Cận thị là tình trạng nhìn xa mờ, nhìn gần rõ. Do trục nhãn cầu của trẻ phát triển nhanh và dài hơn bình thường, nên ảnh của vật thường nằm trước võng mạc, làm cho trẻ nhìn mờ khi ở khoảng cách xa.

Viễn thị là tình trạng nhìn xa và nhìn gần đều không rõ nét. Do trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường, nên ảnh của vật nằm sau võng mạc.

Loạn thị là tình trạng bất thường hình dạng bề mặt giác mạc và thủy tinh thể, nên khi ánh sáng đi qua giác mạc và thủy tinh thể sẽ bị tán xạ, làm cho ảnh bị nhòe đi ở mọi khoảng cách.

Giảm thị lực do không được điều trị tật khúc xạ gây ra khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt của từng cá nhân, ảnh hưởng tới từng gia đình và lâu dài tạo ra gánh nặng cho xã hội cũng như kinh tế toàn cầu. Ngoài giảm thị lực, tật khúc xạ có thể gây ra nhiều biến chứng như nhược thị, lác, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc và nặng nhất có thể dẫn tới mù lòa.

Trong những năm gần đây, các bác sĩ cũng nhận thấy có sự gia tăng nhanh về tình trạng tật khúc xạ ở trẻ em lứa tuổi học đường, đặc biệt là giai đoạn tiểu học. Nguyên nhân phần lớn do sự tiếp xúc sớm các thiết bị điện tử và hạn chế thời gian cho trẻ hoạt động ngoài trời.

Yếu tố hàng đầu hiện nay khiến tình trạng mắc các tật khúc xạ ở Việt Nam tăng nhanh là môi trường sống. Thời đại công nghệ phát triển, trẻ em được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử như laptop, máy tính bảng, tivi, điện thoại... có nguồn ánh sáng xanh cực kỳ nguy hiểm.

Bên cạnh yếu tố môi trường, yếu tố di truyền cũng rất quan trọng trong phát triển khúc xạ nhãn cầu. Các nghiên cứu yếu tố gia đình đã ước tính nguy cơ xuất hiện tật khúc xạ cao hơn nếu có anh chị em ruột bị tật khúc xạ. Con cái có bố mẹ bị cận thị có xu hướng trục nhãn cầu dài hơn và nhiều khả năng bị cận thị trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên.

BSCKII HOÀNG TRUNG KIÊN(Giám đốc khu vực phía Bắc hệ thống BV Mắt Sài Gòn)
Bình luận
vtcnews.vn