Những ai chỉ nhìn kết quả Nhật Bản 3-0 Iran mà không theo dõi trận đấu tối qua, chắc sẽ cảm thấy... choáng váng. Tuy nhiên, theo dõi trận đấu, có lẽ khán giả còn thấy choáng váng hơn nữa. Một Nhật Bản chơi tương đối thiếu sinh khí và chỉ thắng tối thiểu cả năm trận từ đầu giải, bỗng thi đấu tuyệt hay và nhấn chìm ứng viên số một cho danh hiệu vô địch tới ba bàn không gỡ.
Từ chiến thắng huỷ diệt của Nhật Bản, nhiều người đã đánh giá, đội bóng của HLV Hajime Moriyasu đã đá không hết sức trong trận gặp Việt Nam, thậm chí là giấu bài để tạo bất ngờ cho Iran. Thực tế có phải như vậy?
Video: Nhật Bản 3-0 Iran
Không có chuyện Nhật Bản "đá thả"
Một trong những phẩm chất khiến bóng đá Nhật Bản không chỉ nổi danh châu Á mà còn được biết tới rộng rãi trên thế giới, đó là tinh thần võ sĩ đạo. Tất nhiên, bóng đá không phải võ thuật, nhưng nền tảng các cấp độ đội tuyển Nhật Bản được xây dựng trên lối chơi khoa học, kỷ luật và tinh thần chiến đấu quên mình. Dù thắng, dù thua, vẫn phải thi đấu cống hiến, sòng phẳng và không lùi bước.
Nhìn lại trận đấu giữa Nhật Bản và Ba Lan ở lượt cuối vòng bảng World Cup 2018. Khi đang thua 0-1 trước đối thủ và chỉ còn 10 phút nữa là trận đấu kết thúc, Nhật Bản đã quyết định... câu giờ, chuyền bóng qua lại để giữ tỉ số thua tối thiểu, bởi trong trận đấu còn lại, Senegal đang có kết quả bất lợi trước Colombia. Nếu tỉ số được giữ nguyên, Nhật Bản sẽ bằng điểm, bằng hiệu số với Senegal, song xếp trên nhờ hơn ở chỉ số fair-play.
Nhật Bản chuyền bóng qua lại và quyết... không chơi bóng để giữ tỉ số thua đến phút chót, qua đó trở thành đội châu Á duy nhất bước vào vòng 1/8. Thầy trò HLV Akira Nishino bị dư luận chỉ trích dữ dội, bởi dẫu đi tiếp, cách chơi của người Nhật cũng phá hỏng tinh thần thể thao cao thượng và cống hiến xây dựng trong hàng chục năm.
Cơn bão chỉ trích của người hâm mộ ảnh hưởng không nhỏ đến Nhật Bản trong trận kế tiếp. Chơi hay hơn và dẫn trước Bỉ 2-0, nhưng Nhật Bản vẫn... tiếp tục tấn công, dù liên tiếp bị đối thủ rút ngắn tỉ số hay gỡ hoà 2-2. Trong tình huống cuối, cả đội Nhật Bản đã dồn lên, để Bỉ phản công chớp nhoáng và ghi bàn ấn định tỉ số 2-3. Một thất bại theo kiểu "ngẩng cao đầu", còn hơn chiến thắng theo kiểu "cúi người" đi tiếp.
ASIAD 2018 chứng kiến Olympic Nhật Bản thua Olympic Việt Nam 0-1 trong trận cuối vòng bảng, song cần lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất, đấy là đội U21 của Nhật Bản, kết hợp với những cầu thủ thuộc đội sinh viên và đội cấp ba Nhật Bản, được thử lửa để chuẩn bị cho Olympic Tokyo. Đội bóng này non kinh nghiệm và điều dễ thấy nhất là không cầu thủ nào được triệu tập lên ĐTQG, trong khi đội Olympic Việt Nam chính là nòng cốt của tuyển Việt Nam.
Thứ hai, Olympic Nhật Bản thua trong trận đấu được phép thua. Nếu thắng, họ có ngôi đầu bảng. Nếu thua, Olympic Nhật Bản sẽ nhì bảng và gặp Olympic Malaysia, tránh được nhánh đấu có Olympic Hàn Quốc. Nhìn chung, với Nhật Bản, thắng hay thua ở thời điểm đó đều có lợi ích tương đương nhau, nên HLV Hajime Moriyasu có quyền cho Olympic Nhật Bản chơi thoải mái hơn. Đấy là chưa kể Olympic Việt Nam ra sân với đầy đủ lực lượng, quyết tâm, thì chẳng có lý do gì không thắng được đối thủ.
Chứ ra sân mà không đá hết sức, tốt nhất nên ở nhà để nhường chỗ cho người khác. Bóng đá Nhật Bản là thế.
Cách đá của Nhật Bản khắc chế Iran
Trong bóng đá, người ta dùng khái niệm "kỵ giơ" để mô tả những lối chơi khắc chế nhau theo cách khó lý giải. Hàn Quốc "sợ" các đội Tây Á, đặc biệt là Qatar. Nhật Bản từng có thời điểm "cóng" trước Hàn Quốc - theo nhìn nhận của cựu trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa, trong khi Việt Nam, dù đá tốt trước các đội Tây Á, song lại không có kết quả tốt khi gặp Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đã gọi là kỵ giơ, rất khó dùng tính chất bắc cầu để phân định hơn thua. Ví dụ Iran thắng Việt Nam 2-0 rất nhàn nhã, còn Nhật Bản hạ Việt Nam trong 90 phút đổ không ít mồ hôi, không có nghĩa Nhật Bản yếu hơn Iran. Màn thể hiện từ đầu giải cũng không có nhiều ý nghĩa, bởi bước vào trận đấu, thực lực của cả hai đội, đặt trong bối cảnh đối đầu 1-1, mới là yếu tố duy nhất để định đoạt trận đấu.
Trong cuộc so tài tối qua, Nhật Bản đã khắc chế hoàn toàn lối đá của Iran. Đội bóng Tây Á ưu tiên triển khai bóng đều đặn sang hai biên, cố gắng "ép" tuyến giữa Nhật Bản với sự xông xáo của đội trưởng Ashkan Dejagah và đẩy bóng dài để mũi nhọn Sardar Azmoun độc lập tác chiến. Cách chơi này khiến Nhật Bản vất vả chống đỡ trong 20 phút đầu, nhưng sau đó, "samurai xanh" đã làm chủ tình hình.
Điểm mạnh lớn nhất của Nhật Bản ở Asian Cup năm nay là tính tổ chức trong lối chơi. Với đội bóng được tổ chức khoa học, các cầu thủ đứng vị trí cực chuẩn và bọc lót nhanh nhạy, chơi bóng dài không khác gì "húc đầu vào tường". Ả Rập Xê Út bất lực hoàn toàn khi tìm cách khoan phá hàng thủ Nhật Bản, Iran cũng vậy.
Việc tự cho mình là "cửa trên" để đá áp đặt với Nhật Bản khiến Iran càng chơi càng rối, dễ mất bình tĩnh, còn đối thủ lại giữ được "cái đầu lạnh".
Cũng phải nói, những chiến thắng khó nhọc rèn luyện cho Nhật Bản một tinh thần thép, trong khi Iran chưa lần nào bị dẫn trước hay để thủng lưới, nên không giỏi đối phó với nghịch cảnh. Tình huống bốn cầu thủ Iran cùng quay ra tranh cãi với trọng tài khi Takumi Minamino ngã trong vòng cấm cho thấy rất rõ điều đó.
BLV Quang Huy từng nhận định các đội Tây Á không giỏi giữ tập trung, đấy là minh chứng. Khi Minamino kịp đứng dậy và thực hiện quả tạt, hậu vệ Iran mới trở lại vị trí, như thế là quá muộn.
Sự hoảng loạn cùng tính liên tục trong nhịp độ tấn công không được duy trì, Iran hiếm khi ép được Nhật Bản đúng nghĩa, buộc hậu vệ đối phương phải mắc sai lầm như Việt Nam, Turkmenistan làm được. Đội bóng của HLV Carlos Queiroz tấn công đơn điệu, thiếu những đường chuyền xuyên tuyến, mở ra khoảng trống cho Amiri hay Azmoun có thời cơ dứt điểm. Đá như thế, Nhật Bản không khó hoá giải.
Ai bảo Nhật Bản chưa đá hết sức với Việt Nam?
Chia sẻ trên sóng truyền hình, cựu tuyển thủ Như Thuần từng chia sẻ: "Nhiều năm đi đá bóng và huấn luyện, tôi vẫn chưa hiểu thế nào là 'giấu bài'". Trong bóng đá đỉnh cao, HLV chỉ có dùng cầu thủ ở mức độ nào, yêu cầu toàn đội chơi bóng với quyết tâm bao nhiêu phần trăm, tuỳ tính chất trận đấu, chứ không bao giờ có chuyện giấu bài, bởi "bài vở" trong bóng đá, HLV nhìn qua cũng có thể đoán biết.
Nhật Bản không có lý do để giấu bài trước Ả Rập Xê Út và Việt Nam, nhất là khi "samurai xanh" bị chỉ trích với lối chơi không hấp dẫn, bắt mắt. Không thắng vòng 1/8, tứ kết thì không có bán kết để bung bài. Ngoài ra, truyền thống của Nhật Bản, như đã đề cập ở trên, là sự chuyên nghiệp, cống hiến và tôn trọng đối thủ.
Nhật Bản chỉ thắng Việt Nam 1-0 vì các học trò của HLV Park Hang Seo đã đá vượt ngưỡng, tập trung và quên mình. Đối đầu với đội bóng chơi với tinh thần ấy, đội nào cũng khó thắng, chứ không riêng Nhật Bản.
Ngoài ra, cách đá áp sát đầy chủ động và sử dụng những "mũi kim" (cầu thủ tấn công có thể hình nhỏ bé, song lại nhanh nhẹn, thoát bóng tốt) xuyên vào khoảng trống giữa các tuyến của Việt Nam cũng khiến Nhật Bản bối rối. Bộ đôi Maya Yoshida - Takehiro Tomiyasu có thể không "ngán" Azmoun, nhưng lại rất ngại những cầu thủ luồn lách tốt như Công Phượng, Quang Hải. Nhật Bản không khó hoá giải bóng dài của Iran, nhưng không dễ để bắt được bóng ngắn, vốn linh hoạt và được luân chuyển bởi hệ thống tấn công liên tục hoán đổi vị trí của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tinh thần và sự tập trung của Việt Nam "ăn đứt" Iran. Thủng lưới một bàn, các học trò của thầy Park vẫn chơi bình tĩnh, không hoảng loạn và có phần buông xuôi như Iran tối qua. Đội bóng như thế, xứng đáng có được kết quả tích cực.
Do vậy, nhìn Nhật Bản đè bẹp Iran không phải để hạ thấp thành quả của tuyển Việt Nam. Đội bóng của HLV Park Hang Seo thực sự đã tiến lên đẳng cấp cao hơn, người hâm mộ nên quen dần với điều đó.
Bình luận