• Zalo

Vì sao 'Nhà lầu ông Phủ' 100 tuổi ở Đồng Nai không được bảo tồn?

Tin nhanh 24hThứ Năm, 26/09/2024 14:46:25 +07:00Google News
(VTC News) -

Cơ quan chức năng Đồng Nai lý giải vì sao biệt thự cổ "Nhà lầu ông Phủ" 100 năm tuổi không được xếp hạng di tích, là công trình cần được bảo tồn, gìn giữ.

Chiều 26/9, trả lời Báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Hồng Ân - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy về nội dung liên quan đến biệt thự cổ "Lầu ông Phủ" có nguy cơ bị giải tỏa khi thi công dự án đường ven sông Đồng Nai.

Toàn cảnh biệt thự cổ đứng trước nguy cơ tháo dỡ để thi công dự án đường ven sông Đồng Nai. (Ảnh: Lương Ý)

Toàn cảnh biệt thự cổ đứng trước nguy cơ tháo dỡ để thi công dự án đường ven sông Đồng Nai. (Ảnh: Lương Ý)

Biệt thự Võ Hà Thanh (hay còn gọi là nhà lầu ông Phủ) được khởi công xây dựng từ năm 1922, khánh thành năm 1924, tọa lạc bên phía hữu ngạn sông Đồng Nai, khu phố 5, phường Bửu Long, TP Biên Hòa. Hiện nay ngôi biệt thự cổ này đã xuống cấp do không được trùng tu, tôn tạo.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, năm 2016, nhận thấy một số giá trị về mặt kiến trúc của công trình nhà lầu ông Phủ, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh nghiên cứu, đánh giá sơ bộ để đề nghị bổ sung vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Ngôi biệt thự cổ 100 năm tuổi ven sông Đồng Nai nằm trong diện giải tỏa 2/3 diện tích để làm đường. (Ảnh: Lương Ý).

Ngôi biệt thự cổ 100 năm tuổi ven sông Đồng Nai nằm trong diện giải tỏa 2/3 diện tích để làm đường. (Ảnh: Lương Ý).

Ngày 23/3/2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận phê duyệt Danh mục thay đổi, bổ sung quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 với tên gọi “Nhà lầu ông Phủ”, bằng nguồn vốn ngân sách.

"Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần đến, liên hệ gia đình để phối hợp lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Tuy nhiên, chủ nhà (PV - người sinh sống tại trong căn biệt thự tại thời điểm này) kiên quyết không đồng ý xếp hạng di tích", ông Ân nói.

Trước đây, biệt thự này còn gắn liền với những câu chuyện về trận lụt lịch sử năm 1952 khi là nơi cứu sống hơn 100 người dân trong khu vực chợ Bửu Long. (Ảnh: Lương Ý)

Trước đây, biệt thự này còn gắn liền với những câu chuyện về trận lụt lịch sử năm 1952 khi là nơi cứu sống hơn 100 người dân trong khu vực chợ Bửu Long. (Ảnh: Lương Ý)

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đồng Nai, trong quá trình tìm hiểu, lực lượng chức năng phát hiện "Nhà lầu ông Phủ" cũng đang có sự tranh chấp quyền sử dụng/sở hữu giữa các thế hệ sau của người xây dựng ngôi nhà - ông Võ Hà Thanh.

"Sau nhiều lần thuyết phục nhưng bất thành, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh dừng thực hiện lập hồ sơ di tích và đưa ra khỏi danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích", ông Ân nói thêm.

Năm 2023, tỉnh Đồng Nai triển khai thi công công trình đường ven sông Đồng Nai. Thời điểm này Sở VHTT&DL nhận được đơn của bà Đặng Thị Linh Phương (người trông giữ ngôi biệt thự hiện nay) đề nghị giữ lại ngôi biệt thự. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở VHTT&DL đã có văn bản đề nghị Ban Quản dự án thành phố Biên Hòa xem xét giải quyết. 

"Ngày 19/9, Sở VHTT&DL nhận được giấy mời của Sở Xây dựng Đồng Nai về việc khảo sát thực tế phạm vi giải tỏa công trình kiến trúc lâu đời khi triển khai thi công công trình đường ven sông Đồng Nai.

Tại đây, Sở VHTT&DL đã đánh giá hiện trạng và đề xuất với các đơn vị có liên quan thống nhất đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu chỉ đạo các giải pháp gìn giữ, bảo tồn công trình kiến trúc biệt thự hiện hữu vì những giá trị vốn có của ngôi biệt thự", ông Ân nói.

Căn biệt thự xây dựng từ năm 1922 với kiến trúc kiểu Pháp. (Ảnh: Lương Ý).

Căn biệt thự xây dựng từ năm 1922 với kiến trúc kiểu Pháp. (Ảnh: Lương Ý).

Để bảo tồn được giá trị kiến trúc của ngôi nhà, vừa tránh được những rắc rối pháp lý Phó Giám đốc Sở VTTT&DL cho rằng, trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định giữ lại "Nhà lầu ông Phủ" cần hết sức thận trọng trong công tác quản lý, khai thác giá trị ngôi nhà này. Nguyên nhân, do đây là tài sản sở hữu cá nhân nên phải có sự thống nhất của đại diện hợp pháp ngôi nhà với các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nó.

Bên cạnh đó, theo ông Ân cần đánh giá thận trọng việc xếp hạng di tích này. Nếu trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể tính toán phương án trưng mua, sau đó tu bổ, tôn tạo toàn diện và biến căn biệt thự cổ này trở thành một điểm du lịch, hoặc thành bảo tàng nghề gốm, bảo tàng nghề đá.

Bình luận
vtcnews.vn