Mỗi năm, đến ngày Cá tháng Tư mọi người lại trêu đùa nhau bằng những câu chuyện bịa, những trò giỡn và lời nói dối vô hại để đem lại tiếng cười.
Vì sao được nói dối vào ngày Cá tháng Tư?
Nước Pháp được coi là nơi khởi nguồn của Cá tháng Tư. Nguồn gốc chính xác của ngày này vẫn là ẩn số, tuy nhiên có một số giá thuyết được lan truyền. Nhiều người cho rằng việc 1/4 trở thành ngày nói dối liên quan đến việc đổi lịch đón năm mới của nước này vào thế kỷ XVI. Theo đó, thời xưa ở Pháp, mùa lễ hội thường diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng Tư và người dân cũng xem đây như ngày đầu tiên của năm mới.
Đến năm 1582, Hoàng đế Charles IX ra lệnh chuyển ngày đầu năm mới của Pháp về ngày 1/1. Tuy nhiên, do hồi đó người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ (những tin khẩn cấp của quốc gia thì mới dùng ngựa) nên thời gian đầu, thông tin đổi lịch đón năm mới này không được nhiều người dân biết đến nên vẫn đón năm mới vào ngày 1/4.
Một số người khác biết nhưng vẫn thích theo lệ cũ. Sự cố chấp này bị chế giễu, những người cấp tiến coi họ là ngớ ngẩn và là đối tượng để đùa cợt. Ngày này cũng bị coi là tượng trưng cho sự sai lệch thông tin, nên nhiều người hài hước gọi ngày nói dối. Từ đó mà 1/4 cái tên Cá tháng Tư hay “ngày nói dối” xuất hiện.
Theo thời gian, ngày nói dối với những trò chơi khăm lan truyền khắp nước Pháp rồi dần lan sang nước Anh và Scotland. Dần dần, người Pháp và người Anh đưa tục nói dối ngày 1/4 sang các thuộc địa Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư dần phổ biến và được chấp nhận ở nhiều nền văn hóa trên thế giới.
Cho đến nay, Cá tháng Tư vẫn được ghi nhận là một ngày lễ đặc biệt trong năm tại nhiều quốc gia như Ba Lan, Scotland, Iran.
Một giả thuyết khác về nguồn gốc ngày Cá tháng Tư lại cho rằng, khái niệm "poission d’avril" - Cá tháng Tư lần đầu tiên được đề cập bởi nhà thơ d’Amerval.
Ông gọi như vậy bởi tháng Tư là tháng của cung Song ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau. Đây cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, Cá tháng Tư trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ, ngớ ngẩn, dễ bị lừa.
Vào ngày Cá tháng Tư, việc trêu chọc nhau bằng những lời nói dối thoải mái diễn ra và được mọi người vui vẻ đón nhận miễn là không đi quá xa và không gây ảnh hưởng đến ai. Chủ nhân của những lời nói dối cũng yên tâm hơn vì họ sẽ không bị giận hờn hay trách phạt.
Một câu chuyện khác về nguồn gốc ngày nói dối
Theo một giả thuyết khác, tục nói dối ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ một ngôi làng cổ ở châu Âu. Người dân ở đây có tiếng thanh lịch song lại rất thích trêu đùa bằng cách nói dóc hoặc các trò lừa. Ngay cả các vị chức sắc thích chơi khăm bằng lời nói dối.
Một năm vào tháng 3, thời tiết nắng mưa thất thường nên việc trồng trọ không thuận lợi. Bỗng một buổi sáng tinh mơ, mọi người thức dậy đều tá hoả vì hàng cây hai bên đường đã bị chặt trụi. Dân làng túm tụm bàn tán chuyện ai là người chặt cây và chặt cây làm gì.
Lúc này, các vị chức sắc thông báo việc chặt cây để thay thế những cây mục ruỗng sắp chết bằng những cây khác khoẻ mạnh và vô cùng quý hiếm. Tuy nhiên thực tế, họ chỉ đem đến những cây bé, rẻ tiền.
Chịu hết nổi trò đùa quá trớn này, một số người dân bức xúc kiện lên huyện. Sau khi xem xét câu chuyện, huyện phán rằng việc đùa giỡn này đã đi quá xa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của dân làng. Sau khi kiểm điểm nghiêm túc, các vị chức sắc cam kết không đùa dại nữa. Họ bàn chọn một ngày duy nhất để mọi người thoải mái đùa giỡn với nhau bằng cách nói dóc.
Cuối cùng, mọi người thống nhất chọn 1/4 là “ngày nói dối”, ngày mà mọi người được phép trêu chọc nhau bằng các trò lừa nho nhỏ.
Bình luận