Theo Financial Times, dường như những cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu sâu bên trong Ukraine đều có mục đích, là nhằm phá hủy các kho tên lửa do phương Tây viện trợ và ngăn chặn khả năng tấn công tầm xa của Kiev vào lãnh thổ Nga.
Moskva đã phóng hàng chục tên lửa trong tuần này về phía tây Ukraine, nhắm vào các căn cứ không quân, đường băng và cơ sở đào tạo phi công cách tiền tuyến tới 1.000 km. Các quan chức Ukraine cho biết chỉ trong ngày 15/8, đã có tới 28 tên lửa hành trình đã được bắn từ phía Nga.
Suy đoán của phương Tây
Kiev và đồng minh coi các cuộc tấn công trên là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm phá hủy các đường băng và phi đội máy bay ném bom của Ukraine, chuyên dùng để bắn tên lửa Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp sản xuất. Để giảm thiểu thiệt hại, Ukraine hiện đang di chuyển những kho vũ khí quan trọng và lực lượng nhân viên giàu kinh nghiệm ra những khu vực an toàn hơn.
Đại tá Yuriy Ignat, phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga đang cố gắng tiêu diệt máy bay và các phi công của chúng tôi. Bởi vì lực lượng này đang khiến cho quân đội Nga phải lo lắng bởi những đòn tấn công bất ngờ”.
Các tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ đã giúp Ukraine đạt được một số kết quả khiêm tốn trong chiến dịch phản công đang diễn ra. Ngày 16/8, Ukraine cho biết các lực lượng của họ đã giải phóng làng Urozhayne ở miền nam Donetsk.
Vai trò của tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ
Ông Valeriy Kondratiuk, cựu lãnh đạo quân đội và tình báo nước ngoài của Ukraine nói rằng “Tên lửa Scalps của Pháp và Storm Shadows của Anh cung cấp thực sự đóng một vai trò quan trọng trên chiến trường Ukraine. Người Nga không có cách nào khác để ngăn chặn các cuộc tấn công từ những loại tên lửa trên, ngoài việc tấn công vào các sân bay nơi đặt các máy bay có thể mang các tên lửa này”.
Vương quốc Anh là nước đầu tiên cung cấp tên lửa Storm Shadow cho Ukraine, tiếp theo là Pháp với tên lửa Scalps. Các quan chức Ukraine cho biết cả hai loại tên lửa đang tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Mỹ và Đức vẫn thận trọng trong việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, vì lo ngại các tên lửa này có nguy cơ làm leo thang xung đột, đặc biệt là khi Ukraine sử dụng để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong khi đó Ukraine khẳng định, các phi công của họ chỉ sử dụng tên lửa phương Tây để tấn công các kho vũ khí, sở chỉ huy và địa điểm tập kết hậu cần của Nga tại các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát.
Trong những tháng đầu xung đột, Ukraine đã sử dụng các loại tên lửa đất đối không từ thời Liên Xô như S-300 và Buk khiến không quân Nga không thể chiếm được ưu thế trên không. Điều này khiến quân đội Nga phải sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine thay vì các loại máy bay ném bom.
Các hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp như Patriot của Mỹ, NASAMS của Na Uy-Mỹ và Iris-T của Đức đã giúp Ukraine bảo vệ tốt bầu trời. Ông Yuriy Ignat cho rằng, phương Tây nên cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không này nữa để bảo vệ các căn cứ không quân cũng như các cơ sở hạ tầng quân sự mà Nga đang nhắm tới.
Ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận Nga gần đây tăng cường tấn công vào các căn cứ không quân và đã cải biến cả những loại đạn của tên lửa phòng không như S-200, S-300 để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Kiev cho rằng tên lửa ATACMS của Mỹ và Taurus của Đức, sẽ giúp làm giảm áp lực cho lực lượng bộ binh Ukraine đang tham gia phản công nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ nhiều lớp của Nga, dọc theo chiến tuyến ở phía Đông Nam Donbass.
Những lời kêu gọi
Tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu nhận định: “Hiện nay, chúng ta nên đưa ATACMS, Taurus và Storm Shadow cùng các hệ thống tầm xa khác lên máy bay vận tải C17 và bay tới Ukraine nhanh nhất có thể". Ông Hodges cho biết Nga đang cố gắng phá hủy các phương tiện được Ukraine sử dụng để tấn công vào Crimea, bằng cách nhắm đến các căn cứ không quân của Kiev.
"Nga hiểu rằng họ đang dễ bị tấn công. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Nga là Ukraine được viện trợ các phương tiện để tấn công thường xuyên và chính xác vào căn cứ của Hạm đội biển Đen ở Sevastopol, cũng như các căn cứ không quân và trung tâm hậu cần", ông Hodges nói.
Norbert Röttgen, một thành viên nổi bật của Hạ viện Đức thuộc Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đối lập, cũng thúc giục Berlin cung cấp thêm các hệ thống phòng không. “Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, cả về việc bảo vệ các sân bay, kho tên lửa hành trình và thành phố cảng Odessa”, ông nói.
Cố vấn Yuriy Sak cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng tốc đào tạo các phi công Ukraine và cung cấp máy bay chiến đấu F-16. Yuriy Sak chỉ ra rằng, “các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân chứng tỏ rằng Nga đang lo sợ viễn cảnh Ukraine nhận được những chiếc F16, vì họ biết rằng điều đó sẽ giúp Ukraine giành chiến thắng nhanh hơn".
Bình luận