Bất chấp các biện pháp trừng phạt từ phương Tây do cuộc xung đột với Ukraine, các kỹ sư và nhà khoa học Nga vẫn kiên trì nỗ lực sản xuất, đổi mới nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự tối tân.
Trong số các loại vũ khí tối tân của Nga có Su-57, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm này chính thức được đưa vào biên chế trong Không quân Nga từ cuối năm 2020. Theo báo cáo của hãng TASS, trích dẫn dịch vụ báo chí của Roselectronics, Su-57 sẽ được trang bị bộ thiết bị liên lạc kỹ thuật số mới nhất.
Bộ thiết bị liên lạc mới này được phát triển bởi các chuyên gia tổ chức nghiên cứu và sản xuất Polet, một công ty con của Roselectronics. Hệ thống liên lạc hiện đại này không chỉ dành riêng cho Su-57, nó có thể trang bị cho bất kỳ máy bay nào kể cả những máy bay đã lỗi thời về công nghệ.
Hệ thống liên lạc mới tích hợp vào Su-57 có thể giúp máy bay nâng cao khả năng chống nhiễu và chống nghe trộm. Hệ thống này bao gồm các thành phần như bộ thu cho hệ thống vệ tinh định vị, thiết bị mã hóa và giải mã, một phần cứng để xử lý kỹ thuật số và đồng bộ hóa tín hiệu.
L402 Himalayas
Đến nay, hệ thống thông tin liên lạc mới của Su-57 Nga vẫn chưa được truyền thông tiết lộ. Tuy nhiên các chuyên gia của Bulgarian Military suy đoán, Su-57 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến L402 Himalaya, dựa trên tính năng bảo vệ máy bay khỏi bị gây nhiễu và nghe lén.
Hệ thống này hoạt động theo nguyên tắc gây nhiễu chủ động, bao gồm việc phát ra các tín hiệu vô tuyến mạnh để phá vỡ và gây nhầm lẫn cho các hệ thống liên lạc cũng như radar của đối phương. Nó cũng có thể gây nhiễu thụ động, thông qua việc phân tích và bắt chước các tín hiệu của kẻ thù để đánh lừa hệ thống của chúng.
Hiệu quả của hệ thống L402 Himalayas rất khó xác định, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tiên tiến từ hệ thống tác chiến điện tử của đối phương và các chiến thuật cụ thể được sử dụng trong một tình huống nhất định. Tuy nhiên, L402 vẫn được coi là một trong những hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến nhất trên thế giới, mang lại lợi thế đáng kể cho máy bay Su-57 trong các tình huống chiến đấu.
L402 Himalayas ở chế độ thụ động
Cảm biến thụ động là thiết bị điện tử có khả năng phát hiện và đo năng lượng phát ra từ các vật thể khác mà không tự tạo ra bất kỳ tín hiệu nào. Chúng được sử dụng trong nhiều ứng dụng, bao gồm radar, sonar và thông tin liên lạc.
Các đặc điểm của cảm biến thụ động bao gồm độ nhạy, dải tần số và độ phân dải. Độ nhạy là khả năng cảm biến nhận ra nguồn phát hiện tín hiệu yếu, trong khi dải tần liên quan đến phạm vi tần số mà cảm biến có thể phát hiện. Độ phân giải là khả năng cảm biến phân biệt hai vật thể có khoảng cách gần nhau. Cảm biến thụ động có thể được thiết kế để hoạt động ở các dải tần số khác nhau, từ sóng vô tuyến đến bước sóng hồng ngoại và quang học.
Cảm biến thụ động rất quan trọng đối với không chiến vì chúng giúp máy bay kịp thời phát hiện và định vị máy bay địch. Điều này đặc biệt quan trọng trong không chiến hiện đại, nơi công nghệ tàng hình ngày càng được sử dụng nhiều hơn để trốn tránh sự phát hiện của radar và các cảm biến chủ động khác. Cảm biến thụ động cũng có thể được sử dụng để theo dõi chuyển động của máy bay phe mình, để tránh va chạm và duy trì nhận thức tình huống.
Hệ thống L402 Himalayas sử dụng phương pháp gây nhiễu thụ động để phá vỡ hoạt động của các hệ thống radar đối phương. Gây nhiễu thụ động liên quan đến việc phát hiện các tín hiệu radar của đối phương và sau đó truyền tín hiệu gây nhiễu. Điều này khiến cho máy bay của kẻ thù bị gây nhiễu những vẫn không phát hiện ra đối thủ của mình. Gây nhiễu thụ động là một biện pháp đối phó hiệu quả với vũ khí dẫn đường bằng radar và là một thành phần quan trọng của các hệ thống phòng không hiện đại.
Su-57 trên chiến trường Ukraine
Ngày 18/10/2022, Nga đã chính thức tuyên bố sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuyên bố này được tướng Serhiy Surovikin, Tư lệnh chiến dịch đặc biệt ở Ukraine đưa ra trong cuộc họp báo với các nhà báo Nga.
Theo tướng Surovikin, Su-57 là một vũ khí hiệu quả trong cuộc xung đột đang diễn ra, nó có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu trên không và trên bộ. Khoảng giữa tháng 6 năm nay, truyền thông Nga đưa tin Su-57 được sử dụng để thiết lập mạng lưới thông tin chiến thuật.
Su-57 đã từng được sử dụng ở Syria
Ông Vladimir Gutenev, một thành viên của Hội đồng chuyên gia Duma Quốc gia tiết lộ, Su-57 đã từng tham chiến ở Syria vào năm 2018, bốn chiếc Su-57 đã được điều động tới chiến trường Syria. Vào thời điểm đó Nga mới có 4 chiếc Su-57 trong biên chế.
Ông Gutenev nhấn mạnh, những chiếc Su-57 triển khai ở Syria được Lực lượng Không quân và Vũ trụ Nga sử dụng để phát hiện những chiếc F-22 và F-35 của Mỹ hoạt động trên chiến trường.
Gutenev chỉ ra rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã cung cấp những hiểu biết mới về khả năng của Su-57 mà trước đây chưa được thử nghiệm ở Syria. Các chuyên gia Nga đồng tình với quan điểm này, cho rằng cách tiếp cận thận trọng của Moskva đối với việc triển khai Su-57 là do kinh nghiệm hoạt động đầy đủ của nó còn nhiều điều chưa biết.
Các chuyên gia lập luận rằng, việc thiếu kiến thức vận hành đầy đủ chính là lý do khiến cho cuộc thảo luận của Surovikin về vai trò của Su-57, chỉ chủ yếu tập trung vào các cuộc tấn công từ xa, thu thập dữ liệu và tạo ra một mạng thông tin chiến thuật.
Bình luận