• Zalo

Vì sao năng suất lao động của người VN kém người Singapore 15 lần?

Thời sựThứ Tư, 05/11/2014 12:25:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội chỉ ra những bất cập trong hoạt động đào tạo nghề hiện nay dẫn tới năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội chỉ ra những bất cập trong hoạt động đào tạo nghề hiện nay dẫn tới năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp.

Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin tại các cuộc thi tay nghề ASEAN được tổ chức 2 năm 1 lần, đoàn Việt nam đều đạt thành tích rất cao.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình)
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) 

“Cuộc thi tay nghề ASEAN 2014 vừa được tổ chức tại Hà Nội,  đoàn Việt Nam giải Nhất với 15 HCV, tiếp theo là Malaysia với 9 HCV, Indonesia 8 HCV, Singapore với 4 HCV, Thái Lan 3 HCV. Đây là lần thứ 3 đoàn Việt Nam giải Nhất toàn đoàn vào các năm 2004, 2006, 2014”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải lấy ví dụ.

Vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng công tác đào tạo nghề và nguồn nhân lực của Việt Nam rất tiềm năng và hoàn toàn có thể so sánh với các nước trong khu vực.

“Mặc dù luôn vượt trên các nước Malaysia, Singapore, Thái Lan trong các cuộc thi tay nghề trong khu vực, nhưng năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần, và bằng 2/5 năng suất lao động của người Thái Lan”, bà Hải nêu ra nghịch lý.

Như vậy, năng suất, chất lượng lao động của người Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Mặc dù luôn vượt trên các nước Malaysia, Singapo, Thái Lan trong các cuộc thi tay nghề trong khu vực, nhưng năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapo 15 lần, kém người Malaysia 5 lần, và bằng 2/5 năng suất lao động của người Thái Lan
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải
 
Nguyên nhân do mục tiêu giáo dục nghề nghiệp hiện nay đặt ra còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cơ cấu ngành nghề lao động còn chưa hợp lý.

Vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Hòa Bình cho rằng tăng năng suất lao động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ là vô cùng quan trọng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự phát triển của xã hội.

Bà Hải nhấn mạnh: “Tăng năng suất lao động không chỉ là kỳ vọng của tôi mà là kỳ vọng của tất cả các đại biểu Quốc hội trong lần sửa luật lần này”.

Vì vậy, vị nữ đại biểu này cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đưa vào mục tiêu tăng năng suất lao động trong luật.

Ngoài ra, bà Hải cũng dành nhiều thời gian để góp ý về chính sách nhà nước phát triển giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo luật cũng đề cập đến chính sách miễn giảm học phí, nội dung học tập phong phú, đa dạng… Tuy nhiên, những chính sách này chưa đủ mạnh để khuyến khích việc học nghề.

Vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách đối với người học sau khi tốt nghiệp các trường nghề. Đó là chính sách tạo việc làm, tuyển dụng vào các cơ quan doanh nghiệp nhà nước.


Hiện nay có thực trạng một số vị trí ở cơ quan doanh nghiệp nhà nước chỉ cần trình độ trung cấp nhưng vẫn ưu tiên tuyển dụng bằng cấp cao hơn như cao đẳng, đại học, cao học.

“Tôi đã đi khảo sát ở một trường trung học cơ sở tại một huyện miền núi. Tổng thu chi một năm của trường đó cũng chỉ khoảng 500 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần trình độ trung cấp kế toán là có thể đảm nhận việc hoạch toán thu chi. Nhưng khi nhà trường cần tuyển dụng vị trí này thì có hàng chục đơn xin việc của các cử nhân kế toán”, bà Hải lấy ví dụ.

Như vậy, cơ hội cho những người tốt nghiệp trung cấp bị khép lại. Việc tuyển dụng như thế gây lãng phí lớn cho ngân sách, lãng phí kinh phí đào tạo.

Nhiều đại biểu đề xuất cần có chính sách ưu tiên giải quyết việc làm cho những người tốt nghiệp trường nghề 

“Thực tế, chưa chắc người tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng đã hoàn thành công việc tốt hơn một người chỉ tốt nghiệp trung cấp”, bà Hải nhận định.

Cơ hội tìm kiếm việc làm với những người học nghề còn khó khăn hơn vì các cơ quan doanh nghiệp nhà nước đều có xu hướng tuyển dụng người tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Như một vòng luẩn quẩn, do chính sách tuyển dụng như vậy nên người học nghề ngày càng ít, người vào đại học ngày càng tăng bất chấp những chính sách khuyến khích học nghề.

“Cá nhân tôi thấy xu hướng tuyển dụng của các cơ quan nhà nước như vậy khó khăn cho đào tạo nghề”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến.

Người học nghề luôn không yên tâm để trau dồi kỹ năng, chú trọng học liên thông ở trình độ cao hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Vì vậy, bà Hải cho rằng cần xây dựng chính sách học nghề để người học say sưa với việc học nghề. Hiện nay các chính sách học nghề chưa hấp dẫn và chưa đủ sức hấp dẫn người học.

“Tôi đánh giá đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thừa thầy thiếu nợ, không thu hút người tài đến với học nghề, năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực”, vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên giải quyết việc làm cho người tốt nghiệp xuất sắc cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có cơ chế xếp lương khởi điểm phù hợp cho người tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định người có bằng tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp được tuyển dụng đảm nhiệm vị trí công việc phù hợp với trình độ đào tạo, được hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực, hiệu quả làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu hoặc mức lương khởi điểm đối với công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Ngoài ra, người có bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên được ưu tiên tuyển dụng vào vị trí việc làm phù hợp hoặc được tuyển thẳng vào học liên thông lên trình độ cao hơn nếu có nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc miễn, giảm học phí cho học sinh các ngành nghề đặc thù, mũi nhọn mà xã hội có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, tránh tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành nghề đặc thù, cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn