(VTC News) – “Ăn không” 507 tỷ đồng sau hơn 1 thập niên hoạt động tại Việt Nam, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam vừa mới bị vạch trần thủ đoạn.
“Ăn không” 507 tỷ đồng
Đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng, Metro Cash & Carry đã quyết định đầu tư, thành lập công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. Ông lớn bán sỉ thế giới đã khánh thành trung tâm đầu tiên tại của mình tại Tp.HCM vào năm 2002.
Sau 13 năm hoạt động, hiện nay, Metro Cash & Carry Việt Nam đã có tất cả 19 trung tâm bán sỉ đang hoạt động trên toàn quốc. Các trung tâm của Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) luôn thu hút được rất đông khách hàng.
Chính vì vậy, dư luận rất ngạc nhiên khi Metro liên tục thông báo những con số lỗ khủng. "Tích lũy” sau nhiều năm hoạt động, đến năm 2012, Metro đã lỗ lũy kế 598 tỷ đồng. Sang năm 2013, Metro lỗ thêm 262,38 tỷ đồng.
Đứng trước nghịch lý lỗ khủng nhưng vẫn đẩy mạnh đầu tư của Metro, dư luận dấy lên nghi án Metro chuyển giá, trốn thuế. Vì vậy, ngày 2/10/2014, một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này vừa có quyết định thanh tra đối với một số doanh nghiệp FDI liên tục khai báo lỗ, trong đó có Metro.
Ngày 21/4/2015, để mở màn cho đợt công bố kết quả thanh tra một số doanh nghiệp FDI, Tổng cục Thuế “nêu danh” Metro. Tổng Cục Thuế cho biết, kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với Metro đã được báo cáo Bộ Tài chính và đã được Bộ trưởng chấp thuận. Nghi án chuyển giá của Metro đã có câu trả lời
Theo đó, tổng giá trị vi phạm cần xử lý đã lên tới 507 tỷ đồng. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với 598 tỷ đồng - tổng lỗ lũy kế của Metro tính tới 2012. Điều đó cho thấy mức độ gian dối của Metro lớn như thế nào.
Tổng cục thuế chỉ rõ, vi phạm đáng chú ý nhất của Metro là hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức. Tổng số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải giảm sau thanh tra là 335 tỷ đồng.
Lý giải về con số chuyển giá trên, chuyên gia Tổng cục Thuế cho hay, Metro Việt Nam và công ty mẹ, Metro tại Đức có ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu ngay từ khi mới đầu tư ở Việt Nam. Hàng năm, Metro Việt Nam phải trả cho công ty mẹ ở Đức một khoản tiền khá lớn.
Trước đó, trong bài viết Metro ‘mẹ’ bòn mót Metro Việt Nam thế nào?, VTC News đã phân tích rõ cách thức Metro bòn mót Metro Việt Nam thông qua nhượng quyền.
Theo báo cáo của Metro, lương, chi phí hỗ trợ công nghệ thông tin và nhượng quyền của Metro Việt Nam chiếm 1,5% tới 2,1% lượng tiêu thụ ròng. Trong đó, phí nhượng quyền mà Metro Việt Nam phải nộp cho Metro “mẹ” chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Cụ thể, phí nhượng quyền năm 2011, 2012 và 2013 của Metro lần lượt là 153 tỷ đồng, 132,65 tỷ đồng và 110,39 tỷ đồng. Phí nhượng quyền các năm lần lượt tương đương 1,15%, 0,95% và 0,78% tổng lượng tiêu thụ ròng.
Cộng thêm một số loại phí dịch vụ khác mà Metro Việt Nam phải nộp cho các công ty khác của Metro “mẹ”, tổng phí dịch vụ mà Metro Việt Nam phải chuyển về cho “mẹ” trong các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 282,13 tỷ đồng, 263,50 tỷ đồng và 218,13 tỷ đồng.
Vì sao nên nỗi?
Trả lời phỏng vấn trên VTV, ông Nguyễn Đẩu, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế cho biết trong quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã phát hiện một số vấn đề của Metro, trong đó đáng kể là vấn đề nhượng quyền thương mại.
Ông Đẩu cho biết trong giai đoạn 2006-2009, Metro vẫn chưa có giấy phép của Bộ Công thương về nhượng quyền. Thế nhưng Metro vẫn thực hiện bồi hoàn, chi trả cho công ty liên kết tại Đức và chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Khi cơ quan Thuế thanh tra, Metro không chứng minh được thủ tục đầy đủ.Metro vẫn khẳng định tuân thủ nghiêm khắc các quy định và luật pháp địa phương
Như vậy, cơ quan Thuế đã bóc trần được thủ đoạn chuyển giá tinh vi của Metro trong vòng 6 tháng. Đây là điều mà cơ quan này chưa làm được suốt thời gian dài dù đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành của Metro từ năm 2002 đến hết năm 2011.
Điều đáng nói, khi đọc báo cáo tài chính của Metro, một người có kiến thức sơ đẳng về tài chính, kế toán cũng có thể dẽ dàng phát hiện những con số bất hợp lý. Vậy mà cơ quan Thuế phải mất gần 13 năm mới đưa ra được kết luận. Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi tại sao.
Ông Đẩu cũng đã lý giải cho những thắc mắc như vậy. Nguyên nhân nằm ở Luật.
Ông Đẩu cho biết, về vấn đề nhượng quyền thương mại, ví dụ tại Đức, công ty mẹ không được phép nhượng quyền cho công ty con. Nhưng Việt Nam vẫn cho phép. Vì vậy, không thể cấm được doanh nghiệp nhượng quyền.
Tuy nhiên, sau vụ Metro, cơ quan Thuế cũng rút ra được bài học “xương máu”. “Đối với chúng tôi, khi làm việc tại Metro, chúng tôi rút ra một điều nếu không quy định tỷ lệ nhất định nào đấy, các công ty sẽ chuyển lung tung” – Ông Đẩu cho hay.
Khi được hỏi Metro đã thua lỗ trong thời gian dài nhưng tại sao đến năm 2014, ngành Thuế mới thanh tra toàn diện Metro, ông Đẩu nói cho biết vệc thanh tra các công ty này do đơn vị quản lý làm. Với Metro, khi dư luận xôn xao với việc chuyển nhượng giữa Metro Việt Nam với một thương gia ở Thái Lan, cơ quan Thuế mới quyết định vào xem xét toàn diện.
Có lẽ do Luật ở Việt Nam vẫn cho phép việc nhượng quyền thương mại nên Metro vẫn chưa có động thái “hối lỗi”.
Ngay sau khi có kết luận của ngành Thuế, Metro Việt Nam đã gửi đi thông cáo báo chí. Metro cho biết đơn vị này không bình luận gì về kết quả thanh tra của cơ quan Thuế nhưng Metro khẳng định tại Việt Nam cũng như ở các thị trường khác Metro hoạt động, doanh nghiệp luôn tuân thủ nghiêm khắc các quy định và luật pháp địa phương, hoạt động như một công dân có trách nhiệm, không ngừng đóng góp vào sự tăng trưởng nền kinh tế địa phương cũng như sự phát triển chung của cả cộng đồng.
“Trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi luôn cố gắng tốt nhất để theo kịp sự thay đổi của các qui định pháp luật và hợp tác với các cơ quan chức năng để khắc phục kịp thời” – Metro cho hay.
Bảo Linh
Bình luận