• Zalo

Vì sao lễ bốc thăm World Cup 2018 bị nghi ngờ dàn xếp?

Thể thaoThứ Hai, 04/12/2017 17:48:00 +07:00Google News

"Có hay không một sự dàn xếp?" là nhan đề của tờ Daily Express trong số báo ra đúng ngày bốc thăm phân bảng World Cup 2018.

Theo nhật báo nước Anh, một trong những nguyên nhân khiến đội tuyển nước này không có kết quả tốt tại vòng chung kết bóng đá thế giới là bởi họ thường xuyên phải nằm ở các bảng tử thần. 

Dẫn chứng được Daily Express đưa ra dựa trên 17 vòng chung kết mà các đội tuyển thuộc Vương quốc Anh tham dự vòng loại, tính từ World Cup 1950. Theo tờ báo này, trong số năm bảng đấu được coi là tử thần trong lịch sử giải đấu lớn nhất thế giới, có bốn lần chứng kiến sự hiện diện của các đại diện xứ sương mù.

vi-sao-le-boc-tham-world-cup-2018-bi-nghi-ngo-dan-xep

 Người đẹp Maria Komandnaya trong buổi bốc thăm thử.

World Cup 1970, đương kim vô địch Anh chung bảng với Brazil, nhà vô địch hai kỳ World Cup trước đó là 1958 và 1962. Bảng đấu này còn có Tiệp Khắc, á quân World Cup 1962 và Romania. Kết quả, "thế hệ vàng" của Bobby Charlton, Gordon Banks, Bobby Moore dừng chân ở tứ kết trước Tây Đức.

Người Anh còn hai lần rơi vào bảng tử thần nữa, ở World Cup 2002 - chung bảng với Argentina, Thụy Điển, Nigeria, và World Cup 2014 - cùng với Italy, Uruguay và Costa Rica. Tại World Cup 1986, một đại diện khác của Vương quốc Anh - Scotland của HLV huyền thoại Alex Ferguson - chung bảng với đương kim á quân Tây Đức, đương kim vô địch Copa America, Uruguay của Enzo Francescoli, và đại diện Bắc Âu, Đan Mạch của thế hệ vàng vô địch Euro 1992 sau đó sáu năm.

"Mọi chuyện không thể chỉ là ngẫu nhiên", Daily Express bình luận. Tờ báo này còn dẫn kèm cáo buộc của cựu Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter về tính minh bạch trong các lễ bốc thăm hồi năm 2016, khi người đàn ông gốc Thụy Sỹ bật mí về chiêu trò bóng nóng và bóng lạnh của UEFA.

"Người ta có thể đánh dấu chúng bằng việc làm nóng hay làm lạnh", Sepp Blatter nói với tờ La Nacion (Argentina). "Tôi đã chứng kiến điều đó ở buổi lễ bốc thăm của bóng đá châu Âu. Những quả bóng được cho vào tủ lạnh trước khi đưa ra bốc thăm và người làm lễ có thể phân biệt sự khác nhau nhờ nhiệt độ". Daily Express càng khiến dư luận tò mò khi nhấn mạnh, người đứng đầu FIFA hiện tại là Gianni Infantino, cựu Tổng thư ký UEFA.

vi-sao-le-boc-tham-world-cup-2018-bi-nghi-ngo-dan-xep-1

32 đội dự vòng chung kết World Cup 2018

FIFA từng muối mặt tại lễ bốc thăm phân bảng World Cup 1982. 24 đội được phân vào sáu bảng đấu, trong đó Trung và Nam Mỹ có sáu đại diện. Theo suy nghĩ thông thường, mỗi đội này sẽ rơi vào một bảng để đảm bảo việc các đội trong cùng một liên đoàn châu lục không chạm trán nhau từ vòng bảng, nhưng điều ấy không xảy ra.

Một trong số các lồng đặt bóng, giống như lồng quay xổ số, gặp vấn đề. Quả bóng chứa lá thăm tự động mở, trong khi lồng quay vẫn đóng chặt. Hai lá thăm ghi tên Peru và Chile đã bị ai đó lấy khỏi những quả bóng, trong khi Scotland bị đưa vào nhầm bảng đấu có sự hiện diện của Argentina, điều được FIFA thống nhất là không xảy ra trước lễ bốc thăm bởi chiến tranh giành đảo Falkland giữa Vương quốc Anh và Argentina.

"Sự nhầm lẫn xảy ra khi nỗ lực chia bảng các đội Nam Mỹ gặp sự cố", FIFA thông báo ngắn gọn sau buổi lễ tại Madrid, nhưng ai chứng kiến buổi lễ đều biết mọi chuyện không đơn giản như vậy. Căng thẳng leo thang khi Anh, đội vắng mặt ở hai kỳ World Cup gần nhất là 1974 và 1978 được đưa vào nhóm hạt giống. "Quyết định này thật chủ quan, khiến tôi không thể hiểu nổi", Chủ tịch khi đó của Liên đoàn bóng đá Pháp, Fernand Sastre bình phẩm.

Sự việc khiến lễ bốc thăm phải tổ chức lại, trước sự ngượng ngùng của các chú bé hỗ trợ lấy bóng và sự khó hiểu từ quan khách. FIFA sau "vở kịch" này tuyên bố không sử dụng máy móc hỗ trợ lễ bốc thăm, kể từ World Cup 1986.

Tại World Cup 2002, sự chỉ trích đến sau lễ bốc thăm. Thay vì các cặp đấu vòng 1/8 diễn ra tuần tự giữa bảng A với bảng B, bảng C với bảng D... FIFA nhất trí với ban tổ chức nhóm bốn bảng A, C, F, H vào một nhánh, bốn bảng còn lại vào một nhánh để thuận tiện cho việc thi đấu. Đây là vòng chung kết đầu tiên được tổ chức tại hai quốc gia là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỗi nước đều muốn được thi đấu trên sân nhà, thay vì di chuyển sang nước còn lại. Đó là lý do khiến FIFA đưa ra lịch thi đấu lạ lùng trên.

Khó hiểu hơn, hai đội thắng trong nhánh bốn bảng A, C, F, H thay vì đấu chéo với hai đội thắng ở bốn bảng B, D, E, G, như các vòng chung kết khác, lại gặp nhau ở bán kết. Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ từng chung bảng C, rồi gặp nhau lần nữa tại bán kết, thay vì gặp Đức hoặc Hàn Quốc ở nhánh còn lại.

vi-sao-le-boc-tham-world-cup-2018-bi-nghi-ngo-dan-xep-2

Nhóm hạt giống tại World Cup 2018, với quả bóng màu đỏ dành cho đội chủ nhà Nga. 

Công nghệ hiện đại khiến lễ bốc thăm các giải đấu lớn gần đây trở nên hoành tráng. Cùng với đó, sự dàn xếp, nếu có, càng trở nên tinh vi hơn. Tại buổi lễ bốc thăm World Cup 2014, nữ MC gợi cảm Fernanda Lima và Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke có hành vi đáng ngờ.

Cụ thể, khi nhận trái bóng từ cựu danh thủ Cafu, Jerome Valcke đã lấy lá thăm đặt xuống bàn, nơi ống kính máy quay bị khuất trước khi giơ lên công khai. Theo các nhà phân tích, nếu không có gì mờ ám, tại sao ông Valcke không rút lá thăm trước mặt mọi người mà lại để xuống bàn khá lâu rồi mới đưa ra.

Cách công bố lá thăm của Valcke khác hẳn với Lima. Trong khi cô đào sinh năm 1977 luôn để trái bóng chứa lá thăm trên cao, khu vực máy quay có thể nhìn thấy, trước khi rút thăm, thì bạn dẫn luôn hành động một cách bí hiểm.

Thuyết âm mưu tăng thêm tính thuyết phục khi những đội bóng lớn như Đức, Italy, Tây Ban Nha đều rơi vào các bảng đấu khó, thì Pháp và Thụy Sỹ, quê hương của Tổng thư ký Jerome Valcke và Chủ tịch Sepp Blatter lại gặp những bảng đấu dễ thở. Tờ La Nacion còn phụ họa rằng hai nhà báo của họ đã biết trước rằng đội tuyển Argentina sẽ nằm ở bảng F. Kết quả diễn ra đúng như vậy.

Tính minh bạch và sự trong sạch của FIFA là điều mà người hâm mộ luôn bị ám ảnh trước mỗi quyết định của tổ chức này. Vì thế, khi Nga nằm cùng bảng với Uruguay, Ai Cập và Ả-rập Xê-út, những câu hỏi lại được đặt ra.

"Có vẻ như có bàn tay sắp đặt ở đây", tờ Business Insider bình luận. "Đội chủ nhà chung bảng với đội yếu thứ nhì nhóm Hai (Uruguay), yếu thứ ba nhóm Ba (Ai Cập) và yếu nhất nhóm Bốn (Ả-rập Xê-út)". Kênh ESPN thì nói thẳng: "Những trận khai mạc như giữa Nga và Ả-rập Xê-út có thể phá hỏng bất kỳ World Cup nào". Còn tờ Guardian thì sâu cay: "Nga chỉ cần thắng trận khai mạc là có nửa tấm vé đi tiếp", ám chỉ sự thao túng nơi hậu trường của chủ nhà World Cup 2018.

Không có bất cứ bằng chứng tố cáo sự thao túng của chủ nhà Nga lên kết quả bốc thăm, nhưng xác suất để đội bóng có biệt danh "Những chú gấu" gặp một trong ba đội yếu nhất ở từng nhóm chỉ là 5% - khó nhưng không thể không xảy ra. "Buổi lễ bốc thăm trông giống như một bộ phim truyền hình mang tên World Cup, khiến người hâm mộ thấy giật gân khi theo dõi", Business Insider nhận xét.

vi-sao-le-boc-tham-world-cup-2018-bi-nghi-ngo-dan-xep-3

Tổng thống Putin đứng cạnh Chủ tịch FIFA, Infantino. 

Đội tuyển Mỹ chầu rìa World Cup 2018, và tờ USA Today không ngại ngần điền tên Nga vào danh sách độc nhất cho người chiến thắng sau lễ bốc thăm hôm 1/12. 

"Khi bạn đứng thứ 65 thế giới và đội bóng của bạn bị nghi ngờ trong một vụ bê bối doping lớn (ám chỉ scandal doping của điền kinh Nga, khiến hàng loạt VĐV Nga bị cấm tham dự Olympic Rio 2016), bạn cần tìm kiếm một sự tôn trọng", nhật báo nước Mỹ châm biếm. "Nga có bước tiến quan trọng hướng tới đó mà chẳng phải đổ giọt mồ hôi nào. Một chiếc vé vào vòng loại trực tiếp có thể coi là nằm an toàn trong túi người Nga".

Dựa trên bảng xếp hạng FIFA tháng 11/2017, bảng A của tuyển Nga là dễ thở nhất. Vị trí trung bình ở bảng này là 45, đứng chót giải. Trình độ bảng A có cách biệt lớn so với bảng G (Bỉ, Panama, Anh, Tunisia) - đứng thứ bảy với hệ số trung bình 25,75. Con số tương ứng ở các bảng đấu còn lại là: Bảng B (20,25); Bảng C (17,75); Bảng D (23,25); Bảng E (18,25); Bảng F (23,5); Bảng H (24,5).

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn