• Zalo

Vì sao không nên thổi để làm tắt nến trên bàn thờ?

Gia đìnhThứ Hai, 09/12/2024 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo quan niệm của người Việt Nam, nếu muốn làm tắt nến trên bàn thờ thì không được thổi mà phải dùng tay phẩy để tạo gió, vì sao?

Ngoài hoa tươi, bánh trái, khi thực hiện các nghi lễ cúng, mọi người thường thắp nến trên bàn thờ. Người già vẫn luôn dặn dò con cháu trong nhà rằng khi nghi lễ hoàn tất, cần làm tắt nến thì không được chu miệng thổi mà phải dùng tay phẩy, dù cách này sẽ mất thời gian hơn vì gió do tay tạo ra thường không mạnh.

Tương tự, khi đốt hương thấy đã cháy đều, người thực hiện nghi lễ thờ cúng cũng không thổi mà phẩy những nén hương để tạo gió làm tắt trước khi cắm vào bát hương.

Vì sao không nên dùng miệng để làm tắt nến trên bàn thờ? 

Mọi hành động, cử chỉ trong thờ cúng đều phải được thực hiện một cách cẩn thận, không được tuỳ tiện, đảm bảo sự thiêng liêng, trang trọng và sự thanh tịnh, tinh khiết của không gian thờ. Hành động tưởng như rất bình thường như dùng miệng thổi tắt nến trên bàn thờ được coi là điều cấm kỵ.

Bàn thờ là không gian kết nối giữa người sống với thế giới tâm linh, là nơi để con cháu thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thần thánh, tổ tiên, gửi gắm những lời sẻ chia, nguyện cầu những điều may mắn, bình an trong cuộc sống. Nến và hương tượng trưng cho sự thanh lọc, ánh sáng và lòng thành của con cháu, là vật phẩm thiêng trên bàn thờ.

Trong khi đó, miệng là đại diện cho sự phàm tục, hơi thở từ miệng bị coi là trọc khí, không sạch sẽ. Việc dùng miệng thổi tắt nến trên bàn thờ bị coi là hành động bất kính, thô thiển, làm mất đi sự thánh khiết của không gian thờ tự, có thể khiến thần linh và những người đã khuất trong gia đình phật lòng.

Trên khía cạnh thực tế, việc dùng miệng thổi tắt nến trên bàn thờ hay thổi tắt những nén hương đang cháy bùng có thể gây nguy hiểm vì khiến tàn hương, tàn nến hoặc sáp nóng chảy văng ra xung quanh, gây nguy hiểm cho người đứng gần, thậm chí làm cháy các vật dụng trên bàn thờ.

Gia chủ nên đặc biệt lưu ý đến nguy cơ này vì những đồ dùng bày biện trên bàn thờ đa phần đều làm bằng gỗ, nhựa, giấy, rất dễ bén lửa. 

Vì sao không nên dùng miệng thổi tắt nến trên bàn thờ? (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Vì sao không nên dùng miệng thổi tắt nến trên bàn thờ? (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Tắt nến trên bàn thờ như thế nào cho đúng? 

Để bảo vệ sự tôn nghiêm của chốn linh thiêng cũng như an toàn cho chính gia chủ, khi tắt nến trên bàn thờ, bạn có thể thực hiện theo cách sau: 

  • Dùng dụng cụ tắt nến chuyên dụng bằng kim loại để dập tắt ngọn nến đang cháy một cách nhẹ nhàng và an toàn.
  • Dùng tay quạt nhẹ cho đến khi nến tắt.
  • Sử dụng tấm khăn nhỏ bằng chất liệu chống cháy để dập tắt nến. 

Một số lưu ý khi chăm sóc bàn thờ 

Ngoài việc thận trọng khi thổi tắt nến, bạn cũng nên lưu ý những điều sau để gìn giữ sự trang nghiêm và ý nghĩa của bàn thờ:

  • Thường xuyên lau dọn bàn thờ, tránh để bụi bẩn tích tụ để luôn giữ bàn thờ sạch sẽ.
  • Các cử chỉ hành động trên bàn thờ cần được thực hiện một các nhẹ nhàng, cẩn trọng, không gây ồn ào ở nơi thờ cúng.
  • Khi thực hiện các nghi thức cúng bái, cần ăn mặc quần áo lịch sử, chỉnh tề.
An An
Bình luận
vtcnews.vn