Việc thay bàn thờ mới được các gia đình Việt tiến hành một cách cẩn thận, chu đáo để bảo đảm không phạm phải những điều kiêng kỵ, đồng thời duy trì sự kính trọng đối với thần linh, tổ tiên.
Khi nào nên thay bàn thờ mới?
Bàn thờ gia tiên là nơi linh thiêng nhất trong gia đình, luôn phải bảo đảm sự gọn gàng, sạch sẽ và ổn định, không nên thay đổi. Tuy nhiên, có một số trường hợp gia chủ cần thay bàn thờ mới:
- Bàn thờ bị mối mọt hoặc xuống cấp: Đa phần bàn thờ được làm từ gỗ, theo thời gian có thể xuất hiện tình trạng hư hỏng, mối mọt. Khi đó, gia chủ cần thay bàn thờ mới để tránh bị sập, gãy hoặc quá xấu xí, thiếu trang trọng, không thể hiện được sự tôn kính với tổ tiên và thần linh.
- Khi chuyển nhà mới, bàn thờ cũ không còn phù hợp với không gian mới.
- Khi gia chủ gặp các vấn đề về tài lộc hoặc gia đạo, nhiều người quan niệm rằng việc thay bàn thờ mới có thể giúp tái tạo nguồn năng lượng tích cực và may mắn hơn.
Thay bàn thờ mới cần làm những gì?
Bàn thờ là vật phẩm tâm linh quan trọng, do đó việc thay bàn thờ mới không chỉ đơn thuần là bỏ cái cũ đi, đặt cái mới vào mà cần thực hiện nhiều nghi thức.
Xem ngày - giờ tốt để thay bàn thờ
Người Việt luôn cho rằng chọn ngày, giờ tốt để lập bàn thờ là việc quan trọng khi gia chủ quyết định thay bàn thờ mới. Ngày, giờ cần hợp với tuổi của gia chủ, đồng thời là ngày có nhiều sao tốt chiếu mệnh để giúp mọi việc trở nên suôn sẻ, thuận lợi.
Bốc bát hương
Các gia chủ thường nhờ các thầy hoặc các vị sư làm lễ cúng và bốc bát hương tại chùa để bảo đảm đúng nghi thức tâm linh, sau đó đem bát hương mới từ chùa về. Lưu ý khi di chuyển bát hương, cần đậy kín; quan niệm tâm linh cho rằng việc này giúp ngăn vong linh vãng lai nhập vào.
Trước khi đặt bát hương lên bàn thờ, cần lau sạch lại bằng nước gừng ấm hoặc nước ngũ vị hương, sau đó thắp hương và hành lễ.
Chuẩn bị lễ vật cúng chuyển bàn thờ
Mâm lễ vật cúng chuyển bàn thờ cũng cần chuẩn bị tươm tất, bao gồm:
- Gà luộc
- Xôi
- Trái cây, hoa tươi
- Trầu cau
- Gạo, muối
- Tiền vàng
- Hương
- Nến
Những món lễ vật này có thể sắm theo danh sách của thầy cúng mà gia chủ tin tưởng làm lễ. Sau khi sắm đầy đủ các món lễ vật, gia chủ cần cúng trước ngày chuyển bàn thờ để báo cáo với thần linh, tổ tiên; đồng thời mời thần linh, tổ tiên đến ngự tại bát hương mới và thụ hưởng lễ vật.
Khi phần lễ thực hiện xong, gia chủ đem vàng mã đi hóa và rắc gạo, muối ra xung quanh khu vực nhà mình.
Giải bàn thờ cũ
Sau khi hoàn thành nghi lễ, thủ tục cúng bái, gia chủ tiếp tục thực hiện hoá bàn thờ cũ. Gia chủ có thể đem bàn thờ cũ thả ra sông hồ lớn hoặc đem hoá tro rồi thả ra sông hồ.
Văn khấn thay bàn thờ mới
Gia chủ đọc văn khấn thay bàn thờ mới, bỏ bàn thờ cũ như sau:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật. Con kính lạy các chư vị thần linh, hiển linh, hiển pháp, pháp thuật vô biên.
Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Tín chủ con con là... ngụ tại…
Con làm lễ bốc bát hương mới, mục đích con xin cầu…, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, ăn nên làm ra, cầu được ước thấy, vạn sự như ý.
Con xin kính lạy các cụ tổ tiên nội ngoại, bà cô ông mãnh sống khôn thác thiêng, hôm nay con làm lễ thay bàn thờ mới, kính xin các cụ về phù hộ độ trì cho con cho cháu mạnh khỏe, an ninh khang thái, mọi việc được hanh thông.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
(*) Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo.
Bình luận