Để tiết kiệm trong mùa hóa đơn điện "nhảy vọt" do nhu cầu làm mát tăng cao, nhiều người thường tắt điều hòa khi cảm thấy phòng đủ mát, khi phòng nóng lên mới bật lại. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng không nên bật điều hòa một lúc rồi tắt đi như vậy, đây thực chất không phải là cách tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Vì sao không nên bật điều hòa một lúc rồi tắt đi?
Thói quen tắt máy điều hòa khi cảm thấy phòng đã đủ mát và bật lại khi nhiệt độ trong phòng tăng lên thực tế còn tiêu tốn nhiều điện hơn và khiến máy điều hòa hỏng nhanh hơn.
Theo các chuyên gia điện máy, việc bật hoặc tắt điều hoà liên tục sẽ làm máy nén, động cơ quạt phải khởi động lại nhiều lần để làm lạnh đến nhiệt độ cài đặt khi mà nhiệt độ phòng tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc tiêu tốn một lượng điện năng lớn gấp 3 lần mức năng lượng cần để duy trì độ lạnh của phòng.
Do vậy, thay vì bật máy điều hòa với nhiệt độ cực thấp để phòng được làm lạnh sâu một cách nhanh chóng rồi tắt, bạn nên để ổn định ở ngưỡng 26 độ C trong một quãng thời gian dài, tốt hơn là chỉ nên tắt đi khi sắp hết nhu cầu sử dụng.
Hơn nữa, nhiệt độ trong phòng thay đổi liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ. Việc ở lâu trong phòng có nhiệt độ thay đổi liên tục có thể dẫn đến sốc nhiệt, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi hoặc có thể bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Lời khuyên của các chuyên gia là nên bật hoặc tắt điều hòa khoảng 30 phút trước khi ra hoặc vào phòng. Để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ máy điều hòa, bạn nên đặt nhiệt độ ở mức ổn định và chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài khoảng 5-7 độ C, hoặc duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng từ 26-28 độ C để đảm bảo sức khỏe.
Cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện nhất
Để tiết kiệm điện tối đa khi dùng điều hòa mà vẫn đảm bảo đủ mát, không hại máy, bạn cần lưu ý:
Chọn công suất điều hòa phù hợp với diện tích phòng
Điều hòa chạy với công suất lớn sẽ gây tốn điện, chạy với công suất yếu thì không đảm bảo độ mát cho phòng. Vì thế trước khi lắp điều hòa, bạn cần xem lại diện tích phòng là bao nhiêu để từ đó có thể lựa chọn công suất máy phù hợp.
Nếu diện tích phòng dưới 15m2, nên chọn điều hòa 9000BTU, phòng từ 15m2 đến 20m2 nên chọn điều hòa 12000BTU, từ 20m2 đến 30m2 chọn điều hòa 18000BTU, còn phòng từ 30m2 đến 40m2 chọn loại máy 24000BTU.
Tắt máy trước khi ra ngoài khoảng 30 phút
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ trong phòng vẫn đủ mát để bạn cảm thấy thoải mái. Hơn nữa, nhiệt độ hạ từ từ sẽ giúp cơ thể thích ứng, tránh trường hợp sốc nhiệt khi ra ngoài.
Chọn chế độ “dry”
Chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước) tiêu thụ ít điện năng hơn do điều hòa hút hơi ẩm khỏi phòng, làm không khí khô ráo, không oi bức. Bạn nên sử dụng chế độ này trong trường hợp môi trường có độ ẩm cao, trên 60%.
Còn trong điều kiện khô nóng, độ ẩm dưới 50%, hãy chọn chế độ Cool. Các chuyên gia khẳng định, điều hoà cài đặt ở chế độ Cool sẽ làm căn phòng mát hơn cài đặt ở chế độ Dry. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng lên tới trên 40 độ C thì chế độ Dry hầu như không có tác dụng, chúng chỉ làm căn phòng nóng và khó chịu.
Hẹn giờ tắt cho điều hòa
Hầu hết các điều hòa đều có chức năng hẹn giờ, đời mới hơn thì thêm chức năng Sleep (ngủ). Nút hẹn giờ trên điều khiển từ xa rất hữu ích và đó là một trong các cách dùng điều hòa tiết kiệm điện đơn giản mà chúng ta thường hay bỏ quên.
Hãy sử dụng chế độ hẹn giờ của máy điều hòa để lựa chọn thời gian tắt. Nhất là vào ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, để tránh bị lạnh, khó ngủ, bạn có thể sử dụng chức năng tắt hoặc ngủ này để cài đặt theo ý muốn.
Việc hẹn giờ không chỉ đảm bảo bạn có giấc ngủ thật ngon, không bị lạnh về đêm mà còn có thể tiết kiệm điện rất hiệu quả. Trung bình cứ 1 giờ thì điều hòa sẽ ngốn hết 1kw điện.
Bổ sung quạt công suất nhỏ
Phòng có điều hòa nên bật thêm quạt công suất nhỏ để hơi mát từ điều hòa được phân bổ đều hơn và giúp chúng ta cảm nhận hơi mát tốt hơn. Thay vì cài đặt nhiệt độ phòng 25 độ C, chúng ta cài đặt 28 độ C và bật một quạt công suất nhỏ, điều này giúp tiết kiệm điện.
Với những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã có đáp án cho câu hỏi "Vì sao không nên bật điều hòa một lúc rồi tắt đi" rồi phải không?
Bình luận