Trong lần đầu ra mắt công chúng, tổng số cổ phiếu mà Vinalines chào bán công khai là 488.818.130 đơn vị (tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ), mã cổ phiếu của Vinalines là MVN.
Tuy nhiên, trên thực tế, kết thúc phiên đấu giá, chỉ có hơn 5,44 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,38% vốn điều lệ của Vinalines được chào bán thành công với giá trúng bình quân là 10.002 đồng/cổ phiếu. Giá trúng cao nhất là 13.000 đồng với số lượng 2.000 cổ phiếu. Giá trúng thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng hơn 5,42 triệu cổ phiếu.
Như vậy, cổ phiếu của Vinalines ế tới hơn 400 triệu cổ phiếu. Việc cổ phiếu Vinalines "ế nặng" đã được giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế nhìn ra từ trước do những khó khăn trong khả năng tài chính, vận hành doanh nghiệp tồn tại từ trước vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Trong đó, nổi bật nhất là những khoản lỗ mà doanh nghiệp này phải gánh.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được thành lập từ năm 1995. Năm 2006, công ty chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Năm 2010, công ty mẹ của Vinalines chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Tại thời điểm 31/12/2017, Vinalines sở hữu 19 công ty con với tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có tổng mức vốn đầu tư 7.444 tỷ đồng gồm 10 công ty kinh doanh khai thác cảng biển, 5 công ty kinh doanh vận tải biển và 4 công ty kinh doanh dịch vụ hàng hải.
Tính đến cuối năm 2017, Vinalines có tổng tài sản 28.137 tỷ đồng, riêng nợ phải trả đã lên tới 20.169 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ của doanh nghiệp, nợ ngắn hạn là 11.309 tỷ đồng, nợ dài hạn 8.859 tỷ đồng. Chiếm phần lớn nhất là vay nợ ngắn hạn và dài hạn với tổng số vay vượt 11.200 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinalines năm 2017 ghi nhận mức doanh thu 13.572 tỷ đồng, giảm 7,4% so với năm trước. Tổng công ty kinh doanh khá bết bát khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh âm 537 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của công ty mẹ Vinalines, 6 tháng năm 2018, doanh thu dự kiến đạt 533 tỷ đồng, lỗ 1.140 tỷ đồng; 6 tháng cuối năm 2018, doanh thu 504 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 143 tỷ đồng.
Khoản nợ nghỉn tỷ của Vinalines vẫn chưa được giải quyết triệt để và nhiều khả năng sẽ phải ôm lấy một thời gian rất dài.
Mặc dù vậy, tình hình tài chính và nợ của Vinalines đang có chiều hướng tích cực nhờ vào việc bán bớt cổ phần tại các cảng biển, cho phá sản nhiều công ty, thanh lý tàu cũ…
Ngoài ra, trước thềm IPO, Vinalines đã công bố thông tin về hoạt động kinh doanh cho nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, dự kiến doanh thu thuần của công ty mẹ Vinalines trong nửa đầu năm 2018 đạt 533,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 1.141 tỷ đồng. Đến nửa sau năm 2018, công ty dự kiến lãi 143,9 tỷ đồng.
Con số lãi sẽ được cải thiện lên 177,2 tỷ đồng vào năm 2019 và 223,5 tỷ đồng vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu công ty mẹ trong năm 2019 dự kiến tăng gấp đôi lên 1.048 tỷ đồng và dự kiến đạt 1.063 tỷ đồng vào năm 2020.
Video: Điểm mặt những dự án ngoài ngành của Sabeco đang thua lỗ
Bình luận