Nhắc đến các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ thảm, không thể không nhắc tới Vinashin và Vinalines. Từng là hy vọng lớn của đất nước nhưng do quản trị yếu kém, có nhiều sai phạm nghiêm trọng, hai ông lớn ngành vận tải biển dần trở thành những “con tàu đắm”.
Cả Vinashin và Vinalines đều phải tái cơ cấu toàn diện. Trong khi Vinashin “thoát xác” dưới tên tuổi mới SBIC thì Vinalines phải “gánh” vài “đứa con què quặt” của Vinashin và tạo nên một Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có nhiều vấn đề rất khó giải quyết. Đó là những khoản nợ, những khoản thua lỗ khổng lồ. Các vấn đề này có thể sẽ gây áp lực lên phiên IPO diễn ra trong tháng 9 năm nay.
Lỗ lũy kế 3.254 tỷ đồng
Vinalines thường xuyên nằm trong danh sách các doanh nghiệp Nhà nước lỗ khủng và lỗ dai dẳng. Mặc dù trong các quý gần đây, Vinalines ít nhiều đã tạo ra lợi nhuận tăng trưởng dương nhưng tính tới thời điểm cuối năm 2017, ông lớn ngành vận tải biển này vẫn gánh khoản lỗ lũy kế khổng lồ.
Cụ thể, trong năm 2017, Vinalines đạt lợi nhuận sau thuế 748 tỷ đồng, tăng 359 tỷ đồng, tương ứng 92,3% so với năm 2016. Đà tăng trưởng mạnh này đã giúp cho lỗ lũy kế của Vinalines tại thời điểm 31/12/2017 giảm xuống còn 3.254 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế của Vinalines là con số khổng lồ nên cả tổng tài sản và tổng nguồn vốn của Vinalines đều sụt giảm đáng kể. Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của Vinaline giảm 885 tỷ đồng, tương ứng 3% so với cuối năm 2016 xuống còn 28.138 tỷ đồng. Tài sản Vinalines đi lùi chủ yếu là sự suy giảm về tài sản cố định hữu hình do thanh lý đội tàu.
6 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ Vinalines ước đạt tổng doanh thu hơn 6.650 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vinalines vẫn dự kiến lỗ 1.140 tỷ.
Oằn mình trả lãi 2,24 tỷ/ngày
Trong năm 2017, Vinalines phải đối mặt với nhiều áp lực. Ngoài những diễn biến tiêu cực của thị trường vận tải biển, giá cước vận tải,… nợ lớn, lãi vay khủng là một trong những áp lực lớn nhất luôn “làm khó” Vinalines.
Trong năm 2016, Vinalines đã phải chi 1.157 tỷ đồng cho lãi vay. Chi phí lãi vay chiếm tới 84% tổng chi phí tài chính và “ăn mòn” lãi ròng của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Thậm chí, lãi vay còn cao gấp 3 lần lợi nhuận sau thuế 2016.
Video: Điểm mặt những khoản đầu tư nước ngoài của Sabeco bị thua lỗ
Áp lực nợ vay quá lớn nên trong năm 2017, Vinalines nỗ lực giảm nợ. Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của Vinalines giảm 3.414 tỷ đồng, tương ứng 14,5% so với năm 2016. Trong đó, Vinalines tập trung giảm vay và nợ thuê tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn).
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 6.796 tỷ đồng xuống 4.374 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm từ 8.619 tỷ đồng xuống 6.845 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ phải trả lãi. Vì vậy, chi phí lãi vay trong năm 2017 giảm mạnh từ 1.157 tỷ đồng xuống 807 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay giảm sâu đóng góp rất lớn vào đà tăng trưởng mạnh của lợi nhuận sau thuế tại Vinalines. Dù vậy, 807 tỷ đồng vẫn là con số rất lớn. Tính ra, trung bình mỗi ngày, Vinalines phải chi 2,24 tỷ đồng chỉ để trả lãi ngân hàng.
Tương lai mờ mịt
Trong năm 2017, Vinalines đã có bước tăng trưởng mạnh về lợi nhuận. Tuy nhiên, bước tiến này không được đánh giá cao vì không hề ổn định. Chính bản than lãnh đạo Vinalines cũng phải thừa nhận “bệ đỡ” cho lợi nhuận của Vinalines.
Cụ thể, lãnh đạo Vinalines cho biết việc lợi nhuận của Vinalines không ổn định này là do một số nguyên nhân như đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả, hay các khoản chênh lệch đánh giá lại vốn đầu tư giảm so với xác định giá trị doanh nghiệp,…
Trong năm 2018, khi những bệ đỡ này không còn, Vinalines lại tiếp nối chuỗi ngày bê bết. Bên cạnh đó, cước vận tải biển chưa có dấu hiệu bứt phá nên tương lai Vinalines vẫn được đánh giá là… mù mịt.
Vì vậy, phiên IPO của Vinalines diễn ra trong tháng 9 năm nay được dự báo sẽ khó mang lại những con số khả quan cho Vinalines.
Dự kiến đầu tháng 9/2018, hơn gần 489 triệu cổ phần, tương đương 34,8% vốn công ty mẹ Vinalines sẽ được đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá khởi điểm của đợt đấu giá là 10.000 đồng/cp.
Phiên đấu giá này không được các nhà đầu tư mặn mà. Chỉ duy nhất Công ty TNHH SK Securities đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược nhưng không đáp ứng đủ điều kiện, Bộ Giao thông - Vận tải phải chuyển số cổ phần dự kiến chào bán cho cổ đông chiến lược thành cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai.
Bình luận