Dù chưa chính thức ra mắt, Quỹ đầu tư quốc gia (SFW) Indonesia có tên gọi là Cơ quan Đầu tư Indonesia (INA) đã nhận được cam kết đầu tư từ 50 tổ chức quản lý vốn.
INA dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay trong quý I với số vốn ban đầu là năm tỷ USD, trong đó một tỷ USD tới từ ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên ngành dịch vụ tài chính hồi cuối tháng 12, Tổng thống Joko Widodo cho biết sau khi được thành lập, INA có tiềm năng quản lý nguồn quỹ lên tới 20 tỷ USD.
Số tiền trong INA sẽ được sử dụng để xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng của Indonesia như cầu cảng, sân bay, đường cao tốc...
Năm tổ chức quản lý vốn nước ngoài hứa hẹn hoặc cam kết đầu tư tổng cộng 9,8 tỷ USD vào INA. Nhưng điểm bất ngờ là trong số này không có tên của các tổ chức Trung Quốc. Jakarta dường như cũng không có ý định tiếp cận với các nhà đầu tư tiềm năng tới từ Bắc Kinh.
Sự vắng mặt của Trung Quốc làm dấy lên đồn đoán rằng Indonesia đang cố tránh xa các khoản đầu tư tới từ nền kinh tế thứ hai thế giới vì lo ngại Bắc Kinh.
"Mặc dù Indonesia chưa bao giờ thừa nhận, có lý do để nghi ngờ điều này xuất phát từ nỗi lo tiềm ẩn rằng các dự án quan trọng sẽ rơi vào quyền sở hữu, kiểm soát của Trung Quốc", nhà phân tích chính trị Kevin O'Rourke cho hay.
Theo ông O'Rourke, phần lớn nguồn vốn tư nhân dành cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thường đối mặt với không ít hoài nghi, nhất là các khoản đầu tư tới từ nước ngoài. Bên cạnh đó, INA được thiết kế để duy trì kiểm soát của nhà nước đối với các dự án hạ tầng quan trọng.
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cam kết đầu tư 4 tỷ USD cho INA. Tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ khẳng định sẽ góp 2 tỷ USD vào quỹ này.
Cơ quan đầu tư Caisse de depot et placement du Quebec (CDPQ) của Canada dự kiến đầu tư 2 USD vào các dự án xây dựng các tuyến đường thu phí. Trong khi đó, tập đoàn Algemene Pensioen Groep từ Hà Lan và Ngân hàng đầu tư Macquarie của Australia đưa ra các khoản cam kết trị giá 1,5 tỷ USD và 300 triệu USD.
Airlangga Hartarto, Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia cho biết Jakarta cũng đã tiếp cận Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi. Tuy nhiên, chưa có cam kết nào được đưa ra.
Theo thống kê, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Indonesia trong năm 2020 với 4,8 tỷ USD. Từ năm 2015 tới quý III năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia tăng 559%, phân bổ vào 10.083 dự án, từ các công trình cơ sở hạ tầng đến hoạt động khai thác mỏ.
Esther Sri Astuti, chuyên gia kinh tế của Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính có trụ sở tại Jakarta nhận định, số lượng dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở quốc gia Đông Nam Á là một trong những lý do khiến họ không thể tiếp cận vào việc đầu tư INA.
"Indonesia đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình để giảm rủi ro và thu về nhiều khoản đầu tư hơn bằng cách tiếp cận các quốc gia khác. Tâm lý chống Trung Quốc ở Indonesia vẫn rất lớn. Do đó, chính phủ sẽ nhắm vào các quốc gia khác ngoài Trung Quốc", bà Astuti cho hay.
Bình luận