Hải quân Đánh bộ là một trong những lực lượng thiện chiến nhất nước Nga, được thành lập từ năm 1705 và tính cho tới nay, lực lượng này có 312 năm lịch sử chiến đấu. Ngày 27/11/1705, Sa hoàng Peter Đại đế thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ đầu tiên của nước Nga.
Trong 312 năm lịch sử của mình, lực lượng Hải quân Đánh bộ của Nga có nhiều trận đánh lớn. Trong thế chiến thứ II, Hải quân Đánh bộ của Liên Xô khiến quân đội phát xít Đức sợ hãi và kính nể đến mức quân đội phát xít Đức đặt cho họ biệt danh “Tử thần đen”.
Cực khỏe
Lực lượng Hải quân Đánh bộ của Nga thường thực hiện các nhiệm vụ trên mặt đất lẫn trên biển, do đó lực lượng này đảm nhận khối lượng nhiệm vụ tác chiến nhiều hơn hẳn so với các lực lượng khác của Nga.
Để có thể thực hiện khối lượng nhiệm vụ nặng nề này, những người lính Hải quân Đánh bộ của Nga cần phải đáp ứng yêu cầu thể lực rất cao.
Người lính Hải quân Đánh bộ Nga cần phải có chiều cao từ 1,75 m trở lên và không được nặng quá 80 kg. Ứng viên từng tham gia thi đấu thể thao được ưu tiên hơn trong việc gia nhập lực lượng này.
Yêu cầu khác của Lực lượng Hải quân Đánh bộ Nga đối với các quân nhân là tính dứt khoát và tính nhanh nhẹn trong mọi hành động. Lính Hải quân Đánh bộ Nga thường xuyên phải đưa ra các quyết định chỉ trong vòng 1 giây đồng hồ, đặc biệt khi họ đang ở những tình huống nguy hiểm trong chiến đấu.
Người ta nói rằng không có chỗ cho những kẻ yếu đuối trong Lực lượng Hải quân Đánh bộ Nga. Những người lính của lực lượng này thường không ngần ngại nhận nhiệm vụ và không lùi bước trước những khó khăn. Khẩu hiệu của họ là “Chúng tôi đến nơi nào, nơi đó có chiến thắng!”.
Sẵn sàng đổ bộ ở bất cứ nơi đâu
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Lực lượng Hải quân Đánh bộ Nga là đổ bộ lên bờ biển, đó là lý do tại sao những người lính thuộc lực lượng này được huấn luyện với hoạt động đổ bộ nhiều đến mức hoạt động này gần như trở thành phản xạ không điều kiện của họ.
Video: Hải quân đánh bộ Liên Xô tập trận
Những người lính Hải quân Đánh bộ Nga sẵn sàng có mặt tại bất cứ vùng biển nào, từ những vùng biển ấm áp xung quanh biển Đen cho đến vùng biển lạnh giá của Bắc Băng Dương. Không một bờ biển nào khiến những người lính Mũ nồi đen của Nga nản chí.
Tinh thần thép
Đổ bộ lên bờ biển nơi đối phương phòng thủ là nhiệm vụ rất khó khăn và nguy hiểm của những người lính Lực lượng Hải quân Đánh bộ Nga bởi những nơi này đối phương thường vượt trội về quân số và hỏa lực.
Những người lính Hải quân Đánh bộ sẽ phải đối mặt với hỏa lực dày đặc của đối phương để nhanh chóng chiếm được công sự, ụ súng và phá vỡ những hàng rào thép gai để các lực lượng khác có thể tiến lên. Nhiệm vụ này đòi hỏi những người lính Hải quân Đánh bộ Nga phải có tinh thần thép.
Bơi như cá
Nhiều người Nga nói rằng nếu không bơi giỏi thì hãy quên ngay việc gia nhập Hải quân Đánh bộ. Lẽ tất nhiên, bơi giỏi là yêu cầu bắt buộc với những người lính thuộc lực lượng “Mũ nồi đen”, song yêu cầu của lực lượng này còn cao hơn nhiều.
Người lính Hải quân Đánh bộ Nga phải có khả năng bơi được 50 m trong làn nước lạnh giá, ví dụ như hồ trên núi, với quân trang đầy đủ. Những người lính Hải quân Đánh bộ Nga còn phải đi khắp thế giới để thực hiện nhiệm vụ, nhiều người trong số họ còn khẳng định rằng thậm chí không có thời gian cho chuyện ốm đau.
Trang phục đặc biệt
Màu trang phục truyền thống của Lực lượng Hải quân Đánh bộ Nga là màu đen – mũ nồi, quân phục và giày bốt. Chỉ có duy nhất một ngoại lệ, đó là chiếc áo phông “telnyashka” với sọc xanh trắng, chiếc áo này cũng được coi là biểu tượng của Lực lượng Hải quân Đánh bộ.
Trong Thế chiến II, quân đội phát xít Đức từng gọi những người lính Hải quân Đánh bộ Liên Xô là “Tử thần Đen”. Biệt danh này không chỉ xuất phát từ màu sắc quân phục của những người lính Hải quân Đánh bộ, mà còn ám chỉ mức độ thiện chiến của lực lượng này.
Tình đồng đội thiêng liêng
Mặc dù tất cả những người lính Hải quân Đánh bộ Nga luôn sẵn sàng cho nhiệm vụ, nhưng họ luôn ý thức rằng không một cá nhân nào có thể hoạt động độc lập mà không cần đến đồng đội. Tinh thần đồng đội được những người lính thuộc lực lượng này coi trọng.
Những người lính Hải quân Đánh bộ Nga cho rằng họ tin tưởng và quý tọng đồng đội của họ, coi đồng đội như mạng sống của chính bản thân. Trong những tình huống ngặt nghèo của chiến trường, tình đồng đội là chìa khóa cho sự sống còn và cho chiến thắng.
Huấn luyện ngặt nghèo mỗi ngày
Không phải bất cứ ai sinh ra đều có thể trở thành Hải quân Đánh bộ mà phải trải qua những khóa huấn luyện ngặt nghèo. Những bài huấn luyện của họ không chỉ bao gồm những bài tập cận chiến, bắn súng mà còn cả những buổi rèn luyện để tạo nên tinh thần thép.
Mọi người lính Hải quân Đánh bộ Nga đều được yêu cầu sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí cầm tay, đồng thời phải điều khiển thành thạo gần như mọi loại phương tiện chiến đấu. Thậm chí một số người lính Hải quân Đánh bộ Nga còn có thể điều khiển tiêm kích thành thục, không hề kém cạnh phi công quân sự chuyên nghiệp.
Chinh phục cả bầu trời
Những người lính Hải quân Đánh bộ Nga đôi khi xuất hiện từ bầu trời. Thoạt nghe thì điều này có vẻ phi lý, nhưng những người lính Hải quân Đánh bộ Nga được huấn luyện đổ bộ đường không nghiêm ngặt như những người lính thuộc Lực lượng Đổ bộ Đường không VDV của Nga.
Năm 2016, hơn 22.000 lính Hải quân Đánh bộ Nga thuộc Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Caspi thực hiện nhảy dù cả ban ngày lẫn ban đêm. Thậm chí một số lính Hải quân đánh bộ Nga có thể điều khiển thành thục chiến cơ và trực thăng.
Bình luận