GS.TS Hoàng Xuân Cơ - làm việc tại khoa Khoa học môi trường và Bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến không khí Hà Nội và một số tỉnh/thành phố ở miền Bắc những ngày qua bị ô nhiễm đó là nguồn thải và thời tiết.
Về nguồn thải, theo giáo sư Cơ, ngoài khí thải từ các công trường xây dựng, khói bụi từ phương tiên ô tô, xe máy thì thói quen sinh hoạt, buôn bán của người dân cũng là lý do khiến không khí Hà Nội bị ô nhiễm kéo dài.
“Ngoài khói bụi từ các nhà máy lớn, ô tô, xe máy và các công trường xây dựng thì việc đốt than, rơm rạ, rác thải và lá khô trong thói quen sinh hoạt của người dân cũng là nguồn thải thường xuyên gây ra ô nhiễm”, ông Cơ nói.
Về lý do, giáo sư Cơ phân tích, miền Bắc những ngày qua đang bước vào những ngày hanh, khô, ít gió nên lượng khí thải từ các nguồn thải thường xuyên bay lên bị “mắc kẹt” không thể phát tán hay bay hơi được, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt.
Cùng với đó là thói quen đốt rơm rạ theo mùa của người dân gây ra hiện tượng sương mù quang hóa. Đây là dạng ô nhiễm đặc biệt do sự tương tác giữa các bức xạ cực tím của mặt trời và khí thải ô tô, xe máy, khói bụi… Điều này trực tiếp làm tăng nguy cơ hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.
Những ngày qua, Hà Nội và nhiều tỉnh/thành phố phía Bắc chất lượng không khí cực thấp, chỉ số AQI đo được hầu hết dao động trong ngưỡng đỏ, tím. Như sáng nay 12/11, tại 2 khu vực: Nguyễn Văn Cừ và Hàng Quạt tại Hà Nội có AQI vượt ngưỡng tím, chạm ngưỡng nâu - mức cảnh báo nguy hại cho sức khỏe con người.
Không chỉ Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ không khí xấu dần, như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, TP.Vinh (Nghệ An), Thái Nguyên, Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Bình. Không khí ngày càng ô nhiễm, người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, những người có tiền sử bị bệnh hô hấp mạn tính đều đứng trước nỗi lo về sức khỏe.
Trước tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi Trường khuyến cáo người dân, nhất là những nhóm người nhạy cảm, người già, trẻ em, phụ nữ đang mang thai người, mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.
Bình luận