Sau một đêm chứng kiến cảnh giết trâu kinh hãi, tôi gặp gỡ ông Đỗ Văn Khuyến, phó thôn Phúc Lâm (Hoàng Ninh, Việt Yên, Bắc Giang), ngôi làng được coi là làng giết mổ trâu lớn nhất Việt Nam.
Ông Khuyến bảo rằng: “Bao năm làm nghề giết mổ trâu, tôi nhận thấy rằng, chẳng có mấy ai khấm khá nhờ cái nghề này cả. Tôi đã bỏ cái nghề giết mổ này. Nhiều gia đình ở làng cũng đã bỏ nghề”.
Từ trước đến nay, đã có cả triệu con trâu bị “làm thịt” ở ngôi làng này, cung ứng thịt trâu cho khắp miền Bắc, nhưng tại sao không mấy ai khá giả? Điều này quả thực kỳ lạ.
Theo ông Khuyến, thập kỷ 80 của thế kỷ trước, có tới 90% số hộ dân dính dáng đến chuyện giết mổ trâu. Nhưng hiện tại, cả làng với 500 hộ dân, chỉ còn cỡ 50 lò mổ. Số lượng trâu bị giết ở làng Phúc Lâm cũng ít hơn xưa.
Ông Khuyến bỏ nghề giết mổ đi buôn da trâu |
Trong số mấy chục lò mổ, với hàng trăm hộ có nghề nghiệp dính đến con trâu, thì chỉ có vài hộ khá giả. Còn lại, các gia đình làm việc liên quan đến giết mổ trâu đều bình thường, thậm chí là nghèo. Không ít hộ còn phá sản, thậm chí tan nát gia đình, vợ chồng ly tán.
Ông Khuyến phân tích, những thợ buôn trâu, lái trâu là người trong làng, đều ít học hành. Họ lang bạt nay đây mai đó, quan hệ rộng, tiếp xúc với nhiều cái xấu. Trong túi những lái trâu lúc nào cũng có cả trăm triệu đồng, nên khó tránh khỏi chuyện chơi bời, cờ bạc, thậm chí là trụy lạc.
Không ít anh có vợ lớn, vợ bé, con chung, con riêng ở khắp nơi. Nhiều ông vỡ nợ vì bị gái lừa. Nhiều gia đình tan nát vì cái nghề liên quan đến con trâu này.
Nhiều gia đình ở Phúc Lâm đã đóng cửa lò mổ trâu |
Có bà như bà C. mở đại lý phân phối thịt trâu đi khắp ngả, cung cấp cho những chợ lớn ở Hà Nội, xây nhà cửa to tướng ở phố cổ, nhưng rồi cũng chả ra sao.
Chồng mất sớm, 6 người con đều chẳng ra gì. Người con cả đi tù vì buôn bán ma túy. Vợ anh này bỏ lại con cho bà nuôi, đi theo người đàn ông khác.
5 người con còn lại, gồm cả trai lẫn gái, gia đình đều lục đục, bỏ nhau, làm ăn vỡ nợ, bỏ xứ trốn nợ không khi nào thấy về nữa. Ở tuổi 70, bà vẫn phải bán hàng kiếm sống, tự lo cho mình.
Một bà nữa tên Kh., cũng buôn thịt trâu từ Phúc Lâm về Hà Nội. Bà có đại lý phân phối thịt trâu to tướng ở chợ Bắc Qua (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Lái trâu ở Phúc Lâm đi khắp đất nước để thu mua trâu |
Rồi bà M., bán thịt trâu ở Khâm Thiên, có 4 người con thì hiện 3 ông ngồi tù, còn một ông cướp tàu bị ngã, phải cưa cụt chân.
Bà Ch., mỗi ngày tiêu thụ cả tạ thịt trâu của làng Phúc Lâm ở chợ Ngô Sĩ Liên, con cái cũng không ra gì, cứ vào tù ra tội như cơm bữa, nghiện ngập hết cả…
Nhiều người đổ cho nguyên nhân tâm linh, nhưng theo ông Khuyến, thì cái nghề buôn bán có phần “xôi thịt” này ảnh hưởng đến tâm tính của những con người trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nhiều người buôn bán thịt cũng có tính nết “chợ búa”, nên con cái cũng ngỗ ngược.
Theo ông Khuyến, làng nghề mổ trâu mai một còn có nguyên nhân nữa, là nhiều địa phương khác cũng mọc ra các lò mổ, phục vụ nhân dân tại chỗ, cạnh tranh với làng nghề Phúc Lâm, khiến việc làm ăn của người dân ngày càng khó khăn hơn.
Không có lãi nhiều, người Phúc Lâm dần bỏ nghề cũng là điều dễ hiểu.
Ảnh Internet |
Những ngày đầu năm, rằm tháng 7, người dân Phúc Lâm đều nô nức lên chùa cúng bái, đốt vàng mã, giải hạn cho gia đình mình.
Chuyện người dân làng Phúc Lâm bị trâu tấn công thì nhiều lắm, có kể mãi cũng không hết. Suốt 100 năm nay, năm nào chẳng có vài vụ loài trâu nổi điên húc người ở ngôi làng này.
Ngay trong gia đình ông trưởng thôn Đỗ Văn Truật cũng có người mất mạng vì trâu nổi điên. Người mất mạng không phải xa xôi gì, mà chính là bà Nguyễn Thị Ẩm, chị dâu ông Truật.
Hôm đó, cách nay 4 năm, một xe tải chở mười mấy con trâu, là giống trâu núi về lò mổ nhà ông V., ở ngay đầu làng Phúc Lâm.
Loài trâu nuôi dưỡng trên núi nhiều thịt, thịt chắc, lại béo khỏe nên được các lò mổ ưa chuộng.
Giết mổ trâu. Ảnh Internet |
Người dân làng Phúc Lâm đã quen với cảnh này nên hết sức bình tĩnh. Mọi người đóng kín cổng, cửa, không ai bước chân ra đường nữa.
Con trâu chạy đến cuối làng, thấy nhà bà Ẩm không có cổng rả gì, thì xông vào. Khi đó, bà Ẩm đang xua đàn gà vào chuồng để nhốt lại.
Thấy bóng dáng bà Ẩm, không cần biết đó có phải kẻ thù hay không, nó lao thẳng vào sân húc ngã bà.
Khi bà Ẩm bất tỉnh, nó tiếp tục xông vào những ngôi nhà khác để tìm người. Hàng chục thanh niên lực lưỡng đã lùa nó vào một lò mổ, đóng chặt cửa sắt, nhốt nó lại, rồi hạ sát con trâu mộng này ngay lập tức.
Ngay lúc đó, người thân đưa bà Ẩm đi cấp cứu ở bệnh viện, vì vẫn thấy bà thở thoi thóp.
Vạch áo ra, thấy cơ thể bà Ẩm không hề có vết thương. Tuy nhiên, người dân ở làng Phúc Lâm đều biết rằng, nếu không có vết thương, mà bất tỉnh nhân sự, lại có chút máu rỉ ra từ miệng, thì bà Ẩm khó bề sống được.
Nếu trâu húc bằng sừng, có thể rách da thịt, gãy xương, thậm chí lòi ruột, nhưng vẫn còn cơ may sống sót, còn nếu nó húc bằng đầu, không tạo ra vết rách, nhưng lực húc của nó quá mạnh, khiến tim, gan, phổi, mật, lá lách dập nát hết cả.
Mặc dù bà Ẩm còn thoi thóp thở khi được đưa đến bệnh viện, song qua chiếu chụp, siêu âm, bác sĩ đều lắc đầu. Chỉ một lát nằm viện, bà Ẩm đã qua đời.
Còn tiếp…
Hân Bình
Bình luận