Sáng nay, giá vàng giao ngay thế giới có thời điểm chạm 1.865 USD một ounce – cao nhất kể từ cuối năm 2011. Chỉ trong hai ngày, giá đã tăng gần 50 USD. Còn so với đầu năm, mỗi ounce vàng đã tăng hơn 20%.
Vàng là công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động chính trị - xã hội. Vì vậy, giới phân tích cho rằng khi thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức suốt hơn nửa năm qua, việc giá liên tục phá kỷ lục không phải điều ngạc nhiên. Theo các nhà băng lớn như Citigroup, Goldman Sachs hay Bank of America, những diễn biến sau có thể lý giải đà tăng của kim loại quý.
COVID-19 khiến hoạt động kinh tế trên toàn cầu đình trệ. Hàng loạt quốc gia, từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,...đã bị đẩy vào suy thoái trong năm nay. Hiện tại, trong khi Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại, Mỹ, Ấn Độ hay Brazil lại chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Khi triển vọng vaccine Covid-19 còn mờ mịt, lệnh phong tỏa kéo dài sẽ càng khiến kinh tế toàn cầu hồi phục chậm chạp.
Nhà đầu tư vì thế tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro. Goldman Sachs cho biết vàng là "công cụ lưu trữ giá trị quan trọng nhất" trong thời kỳ kinh tế suy giảm nghiêm trọng.
Các chính sách nới lỏng kỷ lục
COVID-19 khiến các chính phủ phải tung các gói kích thích khổng lồ để vực dậy nền kinh tế. Mới đây nhất, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa trị giá 750 tỷ euro, sau 4 ngày chạy đua đàm phán. Trước đó, các thành viên EU cũng đã áp dụng gói kích thích riêng trị giá hàng trăm tỷ euro cho nước mình, đồng thời hạ lãi suất để cứu nền kinh tế.
Còn tại Mỹ, khi số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt, các nghị sĩ nước này cũng đang phải phác thảo một gói kích thích mới trong chưa đầy 2 tuần, trước khi chương trình hỗ trợ thất nghiệp mở rộng cho hàng triệu người nước này hết hạn. Trước đó, Mỹ đã công bố gói kích thích hàng nghìn tỷ USD và nhiều lần hạ lãi suất khẩn cấp.
Việc nới lỏng cũng phổ biến tại nhiều quốc gia khác, như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,... Các chính sách này sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát và tiền tệ mất giá. Hôm qua, Dollar Index còn xuống đáy 4 tháng so với rổ tiền tệ lớn.
Trong khi đó, vàng là công cụ truyền thống để phòng trừ các rủi ro này. "Làn sóng kích thích từ mọi nơi không chỉ làm dấy lên rủi ro lạm phát mà còn vẽ ra bức tranh u ám cho nền kinh tế, khiến vàng càng thêm hấp dẫn", Edwar Meir – nhà phân tích tại ED&F Man Capital Markets nhận định.
Bank of America cũng đồng tình với quan điểm trên. "Khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép", các nhà phân tích nhận xét, "Nhà đầu tư vì thế sẽ nhắm đến vàng".
Lợi suất thực ở mức thấp
Dù đôla Mỹ mất giá cũng là một trong các nguyên nhân kéo vàng lên cao, DailyFX cho rằng lợi suất thực (lợi suất danh nghĩa trừ lạm phát) tại Mỹ có tác động lớn hơn tới đà tăng giá kỷ lục của kim loại quý năm nay. Hiện tại, lợi suất thực ở đây đã về -0,8%, tiến gần mức đáy năm 2012 là -0,9%. Dĩ nhiên, vàng là công cụ hưởng lợi rõ rệt nhất từ xu hướng này. Nhà đầu tư sẽ khó rời bỏ vàng trong ngắn hạn.
Nhu cầu vàng đã liên tục đi lên từ khi đại dịch bùng phát. Wall Street Journal cho biết dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vàng đã lên kỷ lục trong giai đoạn giá tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm, khoảng 40 tỷ USD đã được đổ vào các quỹ này, cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Phần lớn nhà đầu tư bị thu hút với vai trò cất giữ giá trị của kim loại quý. Bên cạnh đó, vàng còn là công cụ được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sản xuất chip.
Giới phân tích cho rằng giá kim loại quý thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng. Trong báo cáo triển vọng hàng hóa quý III, các nhà phân tích tại Citigroup dự báo lên cao nhất mọi thời đại trong 6-9 tháng tới. Xác suất giá chạm 2.000 USD một ounce trong 3-5 tháng tới hiện là 30%.
Tháng trước, Goldman Sachs dự báo giá vàng trong 3-6 tháng tới lên 1.800-1.900 USD và một năm sau lên 2.000 USD một ounce. Hồi tháng 4, Bank of America cho rằng chính sách kích thích kỷ lục của các nước trong đại dịch sẽ kéo vàng lên 3.000 USD một ounce cuối năm sau.
Bình luận