Ngay từ năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới dư luận đã đặt ra câu hỏi "vì sao giá sách giáo khoa tăng hơn nhiều so với giá sách giáo khoa cũ?". Về vấn đề này, Quốc hội đã sửa Luật Giá để đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được Nhà nước định giá.
Hay mới đây nhất, Đoàn giám sát của Quốc hội công bố kết luận giám sát thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về triển khai chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề giá sách.
Tôi cho rằng, việc tăng sách giáo khoa có nhiều nguyên nhân. Trên thực tế, cơ cấu giá thành của sách giáo khoa bao gồm 9 yếu tố:
Vật tư in: Giấy in, tem chống giả, rọc giấy (nếu có) | Nhuận bút tác giả, phí sử dụng bản quyền |
Công in: Giá nhân công, mực in, chất liệu gia công khác, chi phí vận chuyển… | Vốn đầu tư sản xuất |
Phát triển thị trường: Truyền thông quảng bá, giới thiệu, tập huấn sử dụng sách… | Chi phí phát hành |
Chi phí quản lý: Tiền lương cho người lao động, thuê cơ sở vật chất… | Học liệu điện tử nhằm thực hiện mục tiêu số hóa trong giáo dục |
Chi phí thuê kho (chứa giấy in, chứa thành phẩm) |
Ta có thể thấy, vào năm 2006, giấy in sách giáo khoa lúc bấy giờ chỉ xấp xỉ 11 triệu đồng/tấn, trong khi đó cũng loại giấy này năm 2023 giá là 24 triệu đồng/tấn (tăng hơn 2 lần).
Về mức lương cơ sở, năm 2006 lương cơ bản chỉ 450.000 đồng/tháng, trong khi đó, mức lương cơ sở tính đến trước 1/6/2023 là 1.490.000 đồng/tháng (tăng gấp 4,26 lần).
Ngoài giá nguyên liệu, nhân công tăng thì các loại vật tư khác như: mực, vật tư phụ trợ cũng tăng cao. Đó là chưa kể đến giá điện nước, xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng liên tục; giá các mặt hàng thiết yếu trong xã hội cũng đồng loạt tăng sau mỗi đợt nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở.
Một yếu tố khác cũng tác động khiến giá sách cao do chi phối từ lãi suất ngân hàng đang cao hơn nhiều so với trước. Năm 2006, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam làm sách giáo khoa được ngân hàng nhà nước cho vay lãi suất thấp trong thời hạn 20 năm, không phải làm công tác truyền thông quảng bá để cạnh tranh chiếm giữ thị phần. Còn hiện tại xã hội hoá thì đa phần các chi phí đều phải tự lo.
Tôi cho rằng, khi thanh tra, kiểm tra giá cả bất kỳ hàng hóa nào bán trên thị trường cũng đều phải chú ý đến giá thành của mặt hàng đó.
Sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt nên trước khi niêm yết giá bán, doanh nghiệp phải lập phương án về giá, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do đó các đơn vị kiểm tra, thanh tra khi giám sát cần xem xét kỹ lưỡng hơn từ khâu xác định giá thành đến giá bán khi bị thời giá chi phối là vô cùng quan trọng.
Nếu chênh lệch giá do chịu tác động từ giá vật tư, nhân công và các yếu tố cấu thành giá thành sản phẩm tăng thì hoàn toàn hợp lý theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Ngược lại, nếu phát hiện những sai phạm thì cần kịp thời yêu cầu các cơ quan vào cuộc để sớm khắc phục, đảm bảo minh bạch, công bằng và công khai.
Tôi cũng xin lấy ví dụ thêm, số tiền phụ huynh phải bỏ ra để mua bộ sách giáo khoa lớp 4 chương trình giáo dục phổ thông mới là 230.000 đồng, còn giá bộ sách giáo khoa lớp 4 chương trình cũ chỉ có 87.000 đồng. Thế nhưng cơ cấu tạo nên giá thành của hai bộ sách này không giống nhau.
Ngoài các yếu tố về giá cả vật tư, nhân công, điện nước, chi phí bốc xếp vận chuyển… thì quy cách, số trang, số quyển in màu, chất lượng giấy mực cũng tạo nên giá thành sản phẩm khác nhau.
Sách giáo khoa lớp 4 chương trình cũ có 8 môn học, với 9 quyển sách, tổng số 1.084 trang, màu ruột có 7/9 quyển in bốn màu, 2/9 quyển in 2 màu, khổ sách 17x24.
Trong khi đó, sách giáo khoa mới có 11 môn học, 13 quyển sách/mỗi bộ, tổng số 1.268 trang in bốn màu, khổ sách 19 x 26,5.
Không chỉ riêng lớp 4, mà tất cả các lớp từ 1 -12 số lượng đầu sách đều thay đổi so với chương trình cũ.
Cũng cần lưu ý thêm, hiện nay có 3 bộ sách giáo khoa của hai nhà xuất bản lớn đang được sử dụng. Trong đó, 2 bộ sách thuộc doanh nghiệp Nhà nước biên soạn, sản xuất, chỉ có 1 bộ sách của doanh nghiệp tư nhân, làm bằng tiền túi tư nhân.
Vì vậy, cơ sở để xác định giá thành sản phẩm của hai doanh nghiệp này cũng khác nhau. Một bên sử dụng vốn và tài sản nhà nước (văn phòng, hệ thống kho bãi và lãi vay ngân hàng), bên còn lại là tư nhân, từ văn phòng đến hệ thống kho bãi, các nguồn lực khác đều không được sự hỗ trợ hay ưu đãi nào của Nhà nước.
Tôi tán thành với việc Quốc hội đưa sách giáo khoa vào diện được giám sát, phù hợp với nguyện vọng của cử tri cả nước. Có như vậy mới không để dư luận xã hội băn khoăn vì những thông tin một chiều mang tính so sánh cơ học gây nên.
Hy vọng rằng còn nhiều vấn đề khác liên quan đến công việc xã hội hóa sách giáo khoa sẽ được Quốc hội quan tâm, chỉ đạo góp phần đáng kể vào việc thực hiện thành công công cuộc cải cách giáo dục toàn diện mà Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Bình luận