Lần gần nhất đội tuyển Hàn Quốc đấu giao hữu với đối thủ đến từ Đông Nam Á diễn ra vào năm 1991. Không dễ để sắp xếp được trận giao hữu với đội tuyển xứ kim chi - với đầy đủ lực lượng gồm những ngôi sao đẳng cấp thế giới như Son Heung-min, Hwang Hee-chan.
Đôi khi những đội bóng có thứ hạng thấp trên bảng xếp hạng FIFA phải trả những khoản tiền không nhỏ để mời được đối thủ hàng đầu thi đấu giao hữu.
Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam sang Hàn Quốc thi đấu giao hữu mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào ngoài tiền vé máy bay. Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc (KFA) hỗ trợ các khoản chi phí khác liên quan đến ăn ở, tập huấn cho thầy trò huấn luyện viên Philippe Troussier.
Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa VFF và KFA những năm gần đây có tác động quan trọng đến việc sắp xếp trận giao hữu giữa 2 đội tuyển quốc gia. Trước đó, đội tuyển Việt Nam được hỗ trợ tập huấn nhiều lần ở Hàn Quốc, thậm chí ăn tập ở trung tâm thể thao Paju - nơi thường phục vụ các đợt tập trung của đội tuyển quốc gia xứ kim chi.
Chuyến tập huấn Hàn Quốc và trận giao hữu ngày 17/10 - cơ hội cọ xát quan trọng trong kế hoạch của HLV Troussier chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026 - là một trong những tác động tích cực nhìn thấy được từ nỗ lực mở rộng quan hệ quốc tế những năm qua.
Năm 2023 chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển nữ Việt Nam giành quyền tham dự World Cup 2023 cũng như các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia cấp A được tham dự nhiều giải đấu quốc tế. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để các cầu thủ có nhiều bài học, phát triển cả về chuyên môn lẫn bản lĩnh thi đấu.
Ban chấp hành VFF khoá IX đặc biệt nỗ lực phương diện hợp tác quốc tế. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác, kết nối và mang đến nhiều chuyến tập huấn quan trọng thời gian qua.
Thường trực Ban chấp hành LĐBĐVN khóa IX tiếp tục chú trọng mở rộng quan hệ đối ngoại, phát huy vai trò trong các tổ chức bóng đá quốc tế. Trên cơ sở đó, uy tín của LĐBĐ Việt Nam trong các tổ chức bóng đá khu vực và châu lục ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Trần Quốc Tuấn rất có uy tín đối với các tổ chức bóng đá quốc tế FIFA, AFC, AFF.
Trả lời VTC News, Tổng thư ký VFF - ông Dương Nghiệp Khôi cho biết: "Trên thực tế, LĐBĐ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức, liên đoàn bóng đá quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ cho các ĐTQG được giao lưu, học hỏi, cọ xát tích lũy kinh nghiệm; tranh thủ sự hỗ trợ của FIFA, AFC cho công tác đào tạo bóng đá nữ và bóng đá trẻ dựa trên các chương trình mục tiêu.
Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các đội tuyển từ cấp độ trẻ đến cấp độ đội tuyển quốc gia được đi tập huấn và thi đấu giao hữu nước ngoài với các đối thủ chất lượng, là sự chuẩn bị không chỉ đối với các giải đấu chính thức mà còn tạo nền tảng cho các mục tiêu lâu dài".
Đội tuyển nữ Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho quá trình hợp tác quốc tế của VFF. Huỳnh Như và đồng đội liên tục có các chuyến tập huấn tại Nhật Bản, Đức và một số nước châu Âu. Các chuyến tập huấn này được lên kế hoạch rõ ràng, chi tiết theo từng giai đoạn nhằm chuẩn bị cho các giải đấu khu vực, châu lục và đặc biệt là World Cup nữ 2023.
Đặc biệt, các trận đấu giao hữu tại Đức theo kế hoạch hợp tác giữa VFF và Liên đoàn bóng đá Đức mang đến nhiều tác động tích cực. Từ sự chuẩn bị này, đội tuyển nữ Việt Nam có tiến bộ vượt bậc, làm quen dần với bóng đá ở đẳng cấp cao nhất của thế giới.
Ngoài ra, các chương trình hợp tác quốc tế với Liên đoàn bóng đá Ả Rập Xê Út, Nhật Bản hay Hàn Quốc mang đến cơ hội đào tạo vận động viên trẻ, huấn luyện viên ở các cấp độ. Qua đó, bóng đá Việt Nam có nền tảng tốt hơn cho tương lai.
Trong những năm tiếp theo của nhiệm kì IX, VFF cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được từ quá trình hợp tác quốc tế. Ngoài lợi ích thiết thực về chuyên môn, mức ảnh hưởng của bóng đá Việt Nam sẽ tăng dần qua các hoạt động quốc tế.
Bình luận