Chưa chào chủ nhà đã ra về?
Lễ bế mạc Asiad 2018 được nước chủ nhà Indonesia tổ chức từ hồi 19h tối 2/9 trên sân vận động Bung Karno, thủ đô Jakarta. Tin trước đó cho biết Indonesia đã chi 32 triệu USD cho lễ khai mạc và bế mạc Asiad.
Tuy nhiên, khá nhiều người ngạc nhiên vì đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) không có người tham dự. Được biết trong ngày 2/9, một nhóm VĐV và quan chức đoàn TTVN cùng với đội bóng đá Olympic Việt Nam đã về nước bằng chuyên cơ riêng. Số còn lại cũng về nước chiều cùng ngày. Nước chủ nhà Indonesia đã bố trí một tình nguyện viên cầm cờ của đoàn TTVN tại lễ bế mạc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn TTVN tại Asiad 2018 Trần Đức Phấn cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với BTC nước chủ nhà, và cũng đã có kế hoạch cho 3 người đại diện Việt Nam tham dự lễ bế mạc. Tuy nhiên nước chủ nhà nói cũng không cần thiết, đồng ý cho Việt Nam về trước. Một số quốc gia khác cũng về sớm trước lễ bế mạc. Indonesia đồng thời cũng bố trí tình nguyện viên cầm cờ của đoàn TTVN dự bế mạc”.
Theo ông Trần Đức Phấn, quyết định trên đã được báo cáo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và được chấp thuận. Một lãnh đạo Tổng cục TDTT khác cho biết, các VĐV sau khi hoàn thành nội dung thi đấu của mình ở Asiad 2018 thì đều được cho về, bởi ở lại sẽ tốn thêm kinh phí.
Lễ bế mạc một Đại hội thể thao quốc tế không chỉ là lời chào tạm biệt của nước chủ nhà với Đại hội, mà còn là ngày hội thực sự cho các VĐV được hoà mình vào không khí lễ hội, sau khi đã đổ biết bao mồ hôi, có thể cả máu và nước mắt trên sân tập, trong những trận tranh tài. Đó cũng được xem là một buổi lễ vinh danh VĐV, vì VĐV và cho VĐV.
Việc Đoàn TTVN tính toán không tham dự lễ bế mạc để sớm về nước tổ chức lễ mừng công cũng có lý do riêng, nhưng nhìn cảnh cả vạn VĐV các nước ở lại tham dự lễ bế mạc trong bầu không khí vui vẻ chung, còn đại diện cho TTVN chỉ là một tình nguyện viên rước lá cờ tổ quốc qua các khán đài không khỏi chạnh lòng.
Có thành công, có thất bại
Tại Asiad 2018, đoàn TTVN giành được 4 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ, đứng thứ 17 trên bảng xếp hạng. Trong 4 HCV của Việt Nam có 2 môn thuộc nội dung thi đấu ở Olympic là Rowing (nữ) và điền kinh (Bùi Thị Thu Thảo, nhảy xa). Hai HCV còn lại thuộc các nội dung thi đấu của môn Pencak Silat.
Chiếc HCV nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo được đánh giá cao nhất về chất lượng, không chỉ vì thành tích 6,55m rất ấn tượng mà còn bởi thành tích này ổn định trong năng lực của Thu Thảo.
Đội tuyển Rowing nữ đoạt HCV phần nào đó nhờ đối thủ cực mạnh là Trung Quốc không tham dự. Với Pencak Silat, tại Asiad 2018 đã có những ý kiến phàn nàn về việc nước chủ nhà chiếm tới 14/16 HCV môn thể thao này. Nhưng cũng nhờ việc Indonesia đưa Pencak Silat vào nội dung thi đấu của Asiad 2018, Việt Nam đã có điều kiện lấy thêm 2 HCV, có thể nói đủ để hoàn thành chỉ tiêu giành 3-5 HCV đặt ra ban đầu.
Bên cạnh thành công, thể thao Việt Nam tại Asiad 2018 cũng ghi nhận một số niềm hy vọng lớn không giành kết quả như mong muốn, như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (HCB cử tạ) và đặc biệt là Ánh Viên (bơi lội).
Thành tích của Ánh Viên gây nhiều băn khoăn nhất khi “viên ngọc” của Việt Nam có dấu hiệu chững lại so với chính mình. Những vấn đề trong và ngoài chuyên môn liên quan đến Ánh Viên càng khiến những người yêu mến cô lo lắng hơn. Sau nhiều năm ăn tập ở nước ngoài theo phương thức một thầy-một trò (HLV Đặng Anh Tuấn), Ánh Viên chưa cho thấy sự đột phá trong thành tích chuyên môn. Đây thực sự là nỗi lo lớn bởi ngành thể thao xác định mục tiêu với Ánh Viên phải là đấu trường Asiad và Olympic.
Vấn đề càng gây băn khoăn hơn khi ngay tại Asiad 2018, phát ngôn của Trưởng và Phó đoàn TTVN về Ánh Viên không “ăn khớp” với nhau.
Cụ thể, trong khi Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết sẽ phải xem xét lại phương thức tập huấn, đầu tư cho Ánh Viên bao gồm khả năng thay chuyên gia thì Phó đoàn Nguyễn Trọng Hổ khẳng định thầy trò kình ngư Cần Thơ “đang tốt”, đồng thời không ủng hộ việc thay HLV. Dù khẳng định Ánh Viên là VĐV “50 năm” Việt Nam mới có những ông Nguyễn Trọng Hổ nói, Asiad không phải sân chơi của cô.
Bình luận