Ở phương Tây, việc các thành viên trong nhà dành một khoản tiền cho mục đích cá nhân như cắt tóc, uống rượu với bạn bè hoặc mua quần áo mới đẹp là điều bình thường.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, đa số các cặp vợ chồng đều gom góp tiền bạc của cả hai lại với nhau. Việc có “quỹ riêng” là điều tối kỵ. Dù thế, một số người vẫn cố gắng đảm bảo cho mình có một chút độc lập về tài chính.
Gần đây, những video ghi lại khoảnh khắc xấu hổ, ngượng ngùng khi một thành viên bị bắt gặp đang bí mật giấu tiền riêng lan truyền trên ứng dụng phát trực tuyến Bilibili, theo Sixth Tone.
Trong đó, nhiều đoạn clip phát cảnh một anh chồng say rượu hả hê khi giấu quỹ bí mật trong nắp bình hoặc ông bố cất những đồng tiền không còn được lưu hành suốt thời gian dài .
Các video có phần phóng đại để tạo hiệu ứng vui nhộn nhưng đều được lấy từ tình huống thực tế. Theo truyền thống trong các gia đình Trung Quốc, tất cả nguồn thu nhập được quản lý như một tài sản chung.
Việc một người giữ lại khoản riêng cho mình sẽ được coi là bằng chứng của sự ích kỷ, bất hiếu, trái đạo đức.
Lén lút giấu "quỹ đen"
Các giá trị gia đình truyền thống ở Trung Quốc đang dần mất đi và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tiêu dùng đã thúc đẩy giới trẻ tìm kiếm sự độc lập về tài chính. Song sự kỳ thị đối với việc giấu quỹ riêng (được gọi là sifangqian) vẫn còn tồn tại.
Lợi ích chung của gia đình được ưu tiên hơn mong muốn cá nhân. Hành động lén lút cất “quỹ đen” được xem là vùng xám đạo đức.
Thuật ngữ "sifangqian" ban đầu dùng để chỉ các khoản tiết kiệm cá nhân do phụ nữ cất giữ. Trong thời kỳ phong kiến, quyền thừa kế và tự chủ của họ bị ràng buộc nghiêm trọng. Việc bí mật dành tiền cho bản thân hoặc gia đình bên ngoại có thể giúp họ cảm thấy tự do hơn.
Tuy nhiên, ngày nay, cụm từ "sifangqian" còn dành cho nam giới. Ngày càng có nhiều phụ nữ chiếm vai trò chủ đạo trong việc quản lý tài sản của gia đình.
Trong một cuộc khảo sát toàn quốc, 74% đàn ông đã kết hôn cho biết họ có tiền tiết kiệm bí mật. Trong số này, 53% nói rằng điều đó mang lại cho họ cảm giác an toàn. 34% cho hay họ làm vậy vì nó khiến họ thấy tự do hơn.
Theo nghiên cứu của ông Xing Chaoguo, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, tại vùng nông thôn Trung Quốc, việc phụ nữ kiểm soát chặt chẽ khoản chi tiêu trong gia đình là điều khá phổ biến. Người chồng phải lén giấu một ít tiền nếu họ muốn đi chơi với bạn bè.
Cai Kang, nhân viên giao thông công cộng ở tỉnh An Huy, có thu nhập trung bình hơn 5.000 nhân dân tệ (770 USD) mỗi tháng, số tiền anh kiếm được sẽ giao hết cho vợ. Khi về nhà, vợ anh giám sát chặt chẽ việc chi tiêu của chồng và chỉ cho anh ít tiền dằn túi. Cô sợ chồng mình sẽ tiêu xài hoang phí ở chỗ làm.
Nhưng khi Cai gặp gỡ bạn bè ngoài giờ làm việc hoặc đi chơi mạt chược, anh sẽ cảm thấy xấu hổ mỗi lần nhìn vào chiếc ví rỗng. Từ đó, anh bắt đầu giấu “quỹ đen”.
“Ví dụ, nếu lương là 6.000 nhân dân tệ, tôi sẽ nói rằng tôi chỉ kiếm được 5.000. Bởi vì tiền lương tôi kiếm được khi xa nhà không phải là một khoản cố định, cô ấy sẽ không thể kiểm tra ngay cả khi nghi ngờ”, Cai Kang nói với Sixth Tone.
Các video lan truyền trên Bilibili cho thấy tiêu chuẩn của Trung Quốc về tiền bạc và "sifangqian" đã đảo ngược đến mức tiết kiệm cá nhân được coi là dấu hiệu của đàn ông bị ràng buộc bởi vợ mình.
Quản lý tiền bạc
Theo Xing Chaoguo, hầu hết người phụ trách tài chính gia đình là các bà nội trợ trẻ tuổi. Họ chủ yếu quán xuyến việc nhà, không có công việc bên ngoài và nguồn thu nhập độc lập. Đây chính là lý do tại sao họ cảm thấy cần phải giữ chặt ngân sách gia đình và hạn chế chi tiêu của chồng.
Quyền nắm giữ tài chính của người phụ nữ tăng lên khi được chồng trao cho họ. Điều này cũng đi kèm với một số trách nhiệm nhất định. Chẳng hạn họ không được có thói quen xấu trong việc quản lý tiền bạc.
Mặc dù Cai phàn nàn về sự kiểm soát chặt chẽ của vợ, anh cũng thừa nhận rằng mình là một người tiêu xài hoang phí. Do đó, để vợ anh phụ trách tiền trong nhà là một quyết định sáng suốt.
Phụ nữ chịu trách nhiệm quản lý nguồn tiền cũng không có toàn quyền kiểm soát về cách phân bổ ngân sách. Ví dụ, trong các kỳ nghỉ xuân, họ thường biếu quà cho gia đình 2 bên để bày tỏ lòng hiếu thảo. Tuy nhiên, nếu chi tiêu quá nhiều hoặc bị cho là thiên vị bên nào hơn, họ có thể gặp rắc rối.
Việc nữ giới kiểm soát tiền bạc không phải là biểu hiện của tình trạng “lộng quyền” như nhiều người nghĩ. Cũng như việc nam giới giữ một khoản riêng cho mình không hẳn là dấu hiệu của sự ích kỷ.
Trong nhiều trường hợp, khoản tiết kiệm cá nhân là một cách để dung hòa mâu thuẫn giữa mong muốn của bản thân, trách nhiệm với đại gia đình và lợi ích của tổ ấm riêng.
Một số đàn ông nói với Xing Chaoguo rằng vợ của họ rất chi li về số tiền họ có thể phụng dưỡng cho cha mẹ già. Điều này thường xảy ra khi mối quan hệ hôn nhân căng thẳng hoặc các anh em của chồng đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ.
Trong những trường hợp như vậy, việc có quỹ riêng sẽ giúp họ giải tỏa gánh nặng và làm tròn bổn phận của mình.
Bình luận