• Zalo

Vì sao công dân Lương Hoài Nam 'mặn' chuyện cấm xe máy?

Thời sựThứ Tư, 30/07/2014 09:43:00 +07:00Google News

Kiên trì và nhiệt tâm với đề xuất cấm xe máy. Tâm huyết góp ý đổi mới giáo dục. Vẫn nặng lòng với hàng không dù...Vì sao vậy?

Kiên trì và nhiệt tâm với đề xuất cấm xe máy. Tâm huyết góp ý đổi mới giáo dục. Vẫn nặng lòng với hàng không dù...Vì sao vậy?

» Cấm xe máy: Nhìn lại quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải
» Quan chức, chuyên gia đang trả lời trực tuyến về 'Cấm xe máy'
» Lộ trình cấm xe máy: Bộ GTVT trình Chính phủ kế gì?

Nếu không thay được cái xe máy thì chúng ta...hèn quá!


- Một số người bảo: Bàn chuyện cấm xe máy ở Việt Nam bây giờ là phù phiếm và là xa vời vì phương tiện công cộng chưa phủ sóng và không thể phủ sóng? Anh vẫn nhiệt tình bàn vì không nghĩ nó xa vời hay biết xa vời mà vẫn bàn vì lý do khác?

Để có một nhà máy thuỷ điện lớn như Hoà Bình, Sơn La, hay để có một sân bay lớn như Long Thành, người ta cũng phải bàn tính trước vài ba chục năm. Để có một đô thị lớn Việt Nam không có xe máy trong tương lai 10, 15 hay 20 năm, cũng cần phải có điểm bắt đầu từ một hôm nào đó chứ? Các công việc chuẩn bị cho tương lai đó nhiều đâu kém việc xây một nhà máy thuỷ điện hay sân bay?

 

Nếu bây giờ không nghĩ thì sẽ không có tương lai đó. Không thể gọi tương lai đó là xa vời khi nhiều nước đã làm được rồi. Trung Quốc, Myanmar đã cấm hoàn toàn xe máy ở các thành phố lớn của họ.

Thế giới người ta đã làm được tàu vũ trụ lên mặt trăng, sao Hoả, ta vẫn nghĩ là không thể thay nổi cái xe máy thì hèn quá!

Người Việt nóng tính vì đi xe máy!

- Lý do gì khiến anh tâm huyết với chuyện “cấm xe máy” ở Việt Nam đến vậy?

Do tính chất công việc, có điều kiện đi đến nhiều nước trên thế giới, tôi không thấy nơi nào có nền giao thông xe máy kinh khủng như ở nước ta. Rồi tôi thấy mỗi năm trên dưới 10.000 người chết, hơn 20.000 người bị thương vì tai nạn giao thông, có đến 70% số vụ liên quan đến xe máy. Mỗi một giờ trôi qua, có một người Việt Nam đã bị chết vì tai nạn giao thông.

Tôi cũng cố gắng giải thích tại sao người Việt Nam bị ung thư và chết vì ung thư với tỷ lệ cao nhất nhì thế giới. Tôi nghĩ đó là hậu quả của các loại hoá chất trong thực phẩm bẩn, nước uống bẩn, không khí bẩn, trong rác rưởi, bụi bặm... Những thứ đó là một phần của nền giao thông xe máy, của lối sống bám vào xe máy.

Tôi cũng thấy, về mặt bằng chung, người Việt Nam nóng tính, ít đọc sách, ít sáng tạo. Tôi hình dung, mỗi một ngày mất vài ba giờ ngồi trên xe máy, chen chúc nhau trên đường với thần kinh căng thẳng, về đến nhà thấy oải cả người, thì những cái tôi vừa nêu cũng dễ hiểu. Nếu người dân được sử dụng các loại giao thông công cộng văn minh, hiện tại như ở Singapore, chắc tính người sẽ khác.

- Nhiều người sẽ bảo: Vì ông Nam đi ô tô, không hiểu được vì sao người ta phải đi xe máy và nỗi khổ của những người phải dùng xe máy làm phương tiện sinh nhai?


Không hẳn như thế. Tôi chỉ sử dụng ô-tô khi đi làm. Cả nhà tôi chỉ có một chiếc xe Mazda đời 2001, không đủ cho nhu cầu đi lại của cả nhà. Gia đình tôi còn có nhiều xe máy, tôi có lúc cũng đi xe máy. Nhưng không vì thế mà tôi yêu thích xe máy. Tôi đi xe máy và sợ nó chứ không hề yêu thích nó.


Tôi biết đi xe máy rất nguy hiểm, kể cả khi mình đi đúng. Nhiều người bị tai nạn xe máy khi mình đi đúng luật.

Vì nhiệm kỳ công dân của tôi là suốt đời...

- Anh có buồn nếu xảy ra tình huống này: Người có trách nhiệm nào đó nói:  Không nên nói đến việc cấm xe máy ở Việt Nam vì ảnh hưởng đến hàng triệu triệu người dân; Và đa số dư luận lập tức tung hô ý kiến này là “vị dân”?


Điều đó cũng có thể xảy ra chứ. Nhưng một người có trách nhiệm sẽ có công hơn đối với đất nước nếu phân tích được cho người dân hiểu tại sao cần đồng lòng để có lộ trình cấm xe máy sau 10, 15, 20 năm và tạo cơ hội phát triển giao thông công cộng an toàn, hiện đại, văn minh. Không có lộ trình đó thì tư nhân không bỏ vốn ra làm giao thông công cộng. Với thói quen của người Việt Nam, xe buýt không cạnh tranh lại được với xe máy. Mà nhà nước thì không đủ tiền đầu tư toàn bộ cho giao thông công cộng.

Đôi khi tôi cũng buồn; vì người dân rất hào hứng với một số thứ không có mấy giá trị, trong khi lại phản đối những ý tưởng có thể thay đổi, làm tốt cho cuộc sống của mình và của con cháu mình. Không làm được để đời mình hưởng thì cũng nên hành động vì con cháu chứ? Chẵng lẽ muốn các thế hệ con cháu lại tiếp tục sống với nền giao thông xe máy?

- Là chuyên gia hàng không, nhưng gần đây, anh có vẻ đặc biệt quan tâm tới  vài chuyện mà xem ra, “người ta” chẳng liên quan, chẳng động chạm gì tới anh cả? (ví dụ như cấm xe máy, đổi mới giáo dục...)


Tôi đâu có dùng tư cách hàng không của tôi cho các vấn đề đó? Tôi chỉ dùng một tư cách là công dân của đất nước. Là công dân, được hưởng lợi hay chịu thiệt với nền giao thông, nền giáo dục, tôi có đủ tư cách nêu ý kiến, đề xuất, đúng không?

- Nếu đề nghị cấm xe máy lần này của anh lập tức bị dập tắt vì ý kiến có sức nặng, anh có nản không? Có còn nhiệt huyết để đề xuất tiếp tục những câu chuyện tương tự không?


Tôi vẫn tiếp tục chứ! Mọi “ông quan” đều có nhiệm kỳ, còn "nhiệm kỳ công dân" của tôi là suốt đời cơ mà. Nếu một “ông quan” bác đề xuất của tôi, tôi sẽ chờ những “ông quan” khác và tiếp tục thuyết phục họ.

Tôi thích các Bộ trưởng năng nổ, xông xáo nhưng...

- Chuyên gia Lương Hoài Nam từng được một báo gọi là “khách hàng” khi đăng tải góp ý của anh về giáo dục. Vậy, một tư lệnh ngành (Bộ trưởng) như thế nào thì vừa lòng khách hàng như anh? (Ví dụ năng nổ, xông xáo với những mệnh lệnh, hành động làm nức lòng dư luận...). Anh thường quan sát các Bộ trưởng theo góc nhìn nào, dữ liệu nào?

Tôi luôn luôn thích những vị bộ trưởng năng nổ, xông xáo, muốn thay đổi và có các quyết định, hành động thay đổi ngành mình để người dân được hưởng các dịch vụ tốt hơn.

Nhưng, "làm nức lòng dư luận" không phải là tiêu chí để tôi đánh giá các vị ấy. Do dân ta sống lâu dưới thời bao cấp, tính bảo thủ, trì trệ không phải ít, không phải cái gì nhiều người thích cũng đều tiến bộ, không phải cái gì nhiều người phản đối đã là sai. Thậm chí nhiều khi tôi còn thấy ngược lại.

Rất nhiều thay đổi đúng và tốt ban đầu xuất phát từ thiểu số, được ít người ủng hộ, bị nhiều người phản đối, cần có thời gian, nỗ lực thuyết phục.

Ít có thay đổi có tính thực chất, thực sự lớn nào có thể đạt được dễ dàng bằng cách mị dân.

Theo bạn, có nên cấm xe máy ở đô thị lớn?

  • Không nên cấm
  • Cần có lộ trình cấm từ bây giờ
  • Chỉ cấm khi có các phương tiện hiện đại thay thế
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến
- Điều gì giúp anh giữ vững được niềm tin và nhiệt huyết sống khi sau những biến cố mà lẽ ra một người như anh lẽ ra không phải gánh chịu?

Tôi là người luôn luôn nhìn về phía trước và tạo ra các giá trị ở phía trước. Những gì qua rồi là qua rồi, vui hay buồn đều có giá trị trải nghiệm, hay để viết hồi ký, chứ chẳng thay đổi được gì cả. Cái gì không còn thay đổi được thì không thể tạo thêm giá trị cho nó được nữa, thế thì mất thời gian, đầu óc cho nó làm gì?

- Những người thân có chia sẻ với anh về cách anh thể hiện tâm huyết, nhiệt huyết hiện tại không?

Gia đình tôi, đặc biệt là vợ tôi, tuyệt đối chia sẻ với tôi trong các công việc tôi làm và hỗ trợ tôi. Vợ tôi là "tổng biên tập gia đình" của tôi. Cô ấy đọc tất cả các bài viết của tôi trước khi đăng.

» Lộ trình cấm xe máy: Điều bất ngờ từ Bộ GTVT
» Loại bỏ xe máy, Trung Quốc dùng chiến dịch gì?
» Lộ trình cấm xe máy: Bộ trưởng Thăng nói gì?

Theo Khám phá
Bình luận
vtcnews.vn