Chùa Ngọc Hoàng (73 đường Mai Thị Lựu, Quận 1, TP.HCM) vốn là điện thờ Ngọc Hoàng thượng đế, được thiết kế theo kiến trúc mang đậm phong cách của người Hoa. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1892, trong 16 năm mới hoàn thành.
Năm 1984, chùa Ngọc Hoàng được đổi tên thành chùa Phước Hải. Tuy nhiên, do ở chánh điện là nơi thờ Ngọc Hoàng nên người dân vẫn luôn lấy cái tên Ngọc Hoàng để gọi cho đến ngày nay. Ngôi chùa nhỏ nhưng cổ kính này hiện vẫn đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến thăm mỗi ngày.
Với người Việt, đây là ngôi chùa rất linh thiêng, là chốn tâm linh thích hợp để cầu tài lộc, cầu bình an. Đặc biệt, vào dịp đầu năm, ngôi chùa đón đến hàng nghìn lượt khách ghé thăm mỗi ngày. Trong đó, phần lớn lượng khách ghé thăm là "dân FA" và những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Theo người dân sống gần chùa Ngọc Hoàng, những đôi vợ chồng khó có con, hiếm muộn thường sẽ đến chùa cầu con ở đền thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Kim Hoa Thánh Mẫu chính là vị thần quản lý việc sinh nở ở nhân gian theo tín ngưỡng dân gian.
Chỉ cần thành tâm cầu khấn thì những ai khó mang thai sẽ được các bà mụ cứu độ dùng những phép tiên để được như ý.
Đứng bên cạnh Kim Hoa Thánh Mẫu có một bà lão làm nhiệm vụ hướng dẫn khách đến khấn nguyện phải chuẩn bị những gì. Nếu có người đến bà sẽ lấy một sợi chỉ màu đỏ đeo vào tay khách rồi bảo họ cầu nguyện. Sau khi thực hiện các nghi thức, bà lão sẽ rót dầu vào đèn vừa rót vừa đọc tên, tuổi của người cầu khấn.
Du khách khi bước vào ngôi chùa này sẽ thấy thanh tịnh với hồ nước ở giữa sân, trong làn khói hương mờ ảo khắp sân trên ngôi chùa cổ kính.
Nhìn tổng thể bên ngoài, chùa Ngọc Hoàng được bao bọc dưới tán đa cổ thụ trăm tuổi, tạo nên vẻ cổ kính, thanh tịnh. Giữa lòng phố thị ồn ào, bước vào chùa Ngọc Hoàng du khách có thể cảm nhận được sự yên bình đến lạ. Nó dường như cách ly con người ta khỏi thế giới xô bồ...
Không phải ngẫu nhiên mà các hồ trong chùa Ngọc Hoàng được người dân phóng sinh nhiều cá, nhiều rùa như vậy. Trước đây, hồ nào trong chùa cũng đầy ắp cá, rùa nhiều con to quá cỡ. Hiện tại số cá, số rùa đã được hạn chế hơn rất nhiều so với trước.
Sở dĩ có chuyện như vậy vì nhiều người cho rằng, khi đến chùa khấn nguyện, tùy vào việc xin điều gì mà người ta phóng sinh con vật cho phù hợp. Ví như thả cá chép vàng, chép đỏ thì cầu làm ăn, cầu tài lộc; cá trê cầu sức khỏe, giải hạn; cá rô bí, ba ba là cầu qua tuổi hạn; phóng sinh chim là cầu siêu cho người đã mất... đặc biệt phóng sinh rùa để cầu con cái.
Những cặp vợ chồng đến đây thường thả một cặp rùa ghi tên tuổi của mình và tin rằng, nếu là cặp rùa mang bầu thì càng ứng nghiệm.
Ngoài cầu con, chùa Ngọc Hoàng còn là địa điểm cầu duyên nổi tiếng. Người dân quan niệm rằng, đến chùa thành tâm thắp hương, cầu khấn tên mình và tên người trong lòng mình muốn nên vợ thành chồng rồi sờ vào tượng ông Tơ bà Nguyệt, Thánh mẫu thì sẽ được họ se duyên. Vì thế, ngôi chùa luôn thu hút lượng lớn các bạn trẻ đến đây cầu nguyện "thoát ế".
Bình luận