Từ năm 2018 - 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Phú Yên luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và có 2 năm đứng cuối bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành cả nước.
Chỉ số CCHC của tỉnh hạn chế tập trung ở các lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải cách hành chính công. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, TP Tuy Hòa và các huyện huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy An cải cách hành chính còn yếu kém. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn còn thấp.
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Cụ thể, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh còn thấp so với chỉ tiêu của Chính phủ. Các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index đều giảm về vị trí, thứ bậc so với năm trước. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh chưa được điều chỉnh cập nhật một số nội dung như: dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần; chưa thiết kế lại bảng biểu thống kê báo cáo; thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành,…
Cùng với đó, tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức còn hạn chế. Tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đúng hạn của cả tỉnh trên 95%.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi, việc thực hiện báo cáo trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh còn chưa thực chất, việc số hóa hồ sơ TTHC chưa được triển khai nghiêm túc.
Về nguyên nhân khách quan, các văn bản quy phạm pháp luật còn có sự chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các lĩnh vực và có những quy định chưa rõ ràng từ đó dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau giữa các đơn vị, gây chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng.
Về nguyên nhân chủ quan, cấp ủy, chính quyền ở một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, nhất là trong công tác quản lý quy hoạch, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác tham mưu, đề xuất chỉ đạo, điều hành thực hiện các biện pháp, chính sách cụ thể còn hạn chế.
Trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, kể cả lãnh đạo một số cấp Sở, ban, ngành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng. Một bộ phận cán bộ thực thi công vụ chưa quyết liệt, nhạy bén, sợ trách nhiệm. Trong quá trình tham mưu đề xuất giải quyết một số vấn đề khó, cần chiều sâu, một số ngành còn chưa nêu rõ chính kiến, quan điểm đối với ngành, lĩnh vực phụ trách.
Ngoài ra, CCHC chưa thực sự hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn chậm, gây phiền hà.
Bình luận