• Zalo

Vì sao châu Á nhanh chóng hồi phục trước đại dịch COVID-19?

Tư liệuThứ Năm, 24/12/2020 09:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chiến dịch chống dịch hợp lý của chính phủ, kết hợp ý thức cao của người dân trong việc tuân thủ quy định phòng dịch được xem là nguyên nhân hồi phục nhanh ở châu Á.

Khi thế giới bắt đầu phân phối vaccine COVID-19, châu Á đang đặt mục tiêu phục hồi kinh tế nhanh chóng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á, sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 8% vào năm 2021, so với 3,2% của Mỹ. Ngân hàng Phát triển châu Á kỳ vọng nền kinh tế các nước khu vực sẽ phục hồi 6,8% trong năm tới.

Đông Á là đầu tàu về lĩnh vực công nghệ tiên tiến trong đại dịch COVID-19, trong khi Nam Á đã có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh và thiên tai. Châu Á đã trở thành tâm điểm không chỉ cho thương mại toàn cầu mà còn cả sáng tạo tri thức, văn hóa và số hóa trong bối cảnh đại dịch.

Vì sao châu Á nhanh chóng hồi phục trước đại dịch COVID-19? - 1

Các nước châu Á có sự hồi phục nhanh chóng trước bối cảnh chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, trong khi nhiều nước ở phương Tây đang chật vật ứng phó dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Chiến dịch chống dịch hợp lý

Với tư cách là những nhà cung cấp công nghệ, vốn và thị trường quan trọng, các nền kinh tế và dân số châu Á đã chứng tỏ sự kiên cường, sẵn sàng đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa.

Nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Đông Á, tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ dẫn, khuyến cáo y tế trong phòng dịch. Điều này góp phần giúp chính phủ các nước đối phó với đại dịch một cách hiệu quả hơn. Kinh nghiệm của khu vực về dịch bệnh cũng đã giúp các nhà chức trách xây dựng chiến lược của riêng từng quốc gia.

Phản ứng của người châu Á phần lớn trái ngược với các cuộc biểu tình chống việc đeo khẩu trang, phong tỏa của các nước phương Tây. Việt Nam là hình mẫu với các biện pháp ngăn chặn tích cực và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Điều này cho thấy khả năng hành động, ứng phó nhanh chóng của các nước châu Á.

Châu Á cũng thường xuyên đối phó với các bệnh truyền nhiễm. Châu lục này chiếm 70% các trường hợp sốt xuất huyết trên thế giới. Mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực thiếu cơ sở hạ tầng để hỗ trợ hệ thống giám sát và ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh, song họ vẫn đang nỗ lực cải thiện điều này.

Thiên tai, đặc biệt là ở Nam Á, làm tăng thêm sự phát triển của các hệ thống khẩn cấp này, dẫn đến những thay đổi nhanh chóng và năng động trong cơ sở hạ tầng. Điều này giúp cho việc phát triển các chiến lược ứng phó được linh hoạt và có cách tiếp cận theo hướng “xây dựng lại tốt hơn”, thay vì “kinh doanh như bình thường”.

Bangladesh cũng là một ví dụ nổi bật trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Nước này đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, nơi cách ly và đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Trong khi đó, Singapore - nước có số trường hợp mắc COVID-19 thấp, là một ví dụ điển hình về quốc gia mà người dân có kỷ luật, hiểu biết, tuân thủ lời khuyên của chính phủ, khuyến cáo của giới chức y tế.

Singapore đã kết hợp việc áp dụng tiến bộ công nghệ của nước này với việc người dân tuân thủ các quy tắc và kỷ luật phòng dịch. Singapore đã phát triển ứng dụng theo dõi COVID-19 thông qua kênh WhatsApp quốc gia và website Gowhere để giáo dục và cập nhật tình hình dịch, cũng như hướng dẫn công dân nơi nhận khẩu trang và trợ cấp đặc biệt.

Vai trò của công nghệ

Một yếu tố quan trọng trong khả năng phục hồi của châu Á là sự phát triển công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là ở Đông Á và Ấn Độ, nơi có sự gia tăng nhanh chóng các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Với 50% các công ty công nghệ lớn nhất thế giới có trụ sở tại châu Á và 4 trung tâm đổi mới đang phát triển nhanh chóng trải khắp khu vực ở Vũ Hán (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Yangon (Myanmar) và Hyderabad (Ấn Độ). Châu Á đang trở thành động lực chính của tiến bộ công nghệ.

Sự tiến bộ này được dẫn dắt bởi một nền kinh tế năng động và dân số trẻ chuyển đổi nhanh chóng ở các nước trong châu lục. Các nước châu Á có nguồn lực rộng lớn để đổi mới và khả năng tiếp cận trí tuệ chất lượng với giá cả cạnh tranh. Tỷ lệ biết chữ trên khắp châu Á gia tăng, góp phần cải thiện việc làm.

Vì sao châu Á nhanh chóng hồi phục trước đại dịch COVID-19? - 2

Nhiều nước ở châu Á đã khôi phục lại các hoạt động bình thường. (Ảnh: SCMP)

OECD ước tính, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm hơn 60% sinh viên tốt nghiệp về chuyên ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) vào năm 2030 so với 4% ở Mỹ và 8% ở châu Âu.

Thị trường tiêu dùng tại nhiều nước châu Á cũng đang cho thấy sự thay đổi nhanh chóng, với xu hướng ưu tiên phát triển, nâng cao chất lượng đối với hàng hóa trong nước, hơn là sử dụng, thậm chí là phải lệ thuộc vào hàng nhập khẩu phương Tây.

Điều này đã tạo ra thành công của các công ty như Alibaba, Samsung, WeChat, Toyota và Huawei, đồng thời gia tăng sự hiện diện toàn cầu của các doanh nghiệp châu Á. Doanh thu thương mại điện tử ở châu Á dự kiến ​​đạt 1,4 nghìn tỷ USD trong năm nay, so với 425 tỷ đô la Mỹ của châu Âu.

Sự gắn kết của các quốc gia

Đại dịch COVID-19 không phải là động lực duy nhất cho sự xích lại gần nhau của các quốc gia châu Á. Các nước trong châu lục đề cao việc xây dựng sự gắn kết, cùng hợp tác phát triển kinh tế với nhau nhằm nâng cao khả năng hồi phục.

Việc 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng trước là một cột mốc quan trọng - thỏa thuận thương mại với thị trường rộng lớn, chiếm 30% nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, ASEAN từ lâu đã trở thành động lực cho sự phát triển và tăng trưởng của khu vực.

Tuy nhiên, có những cảnh báo đối với sự tiến bộ trong khu vực. Đó là sự cạnh tranh giữa Ấn Độ - Trung Quốc và xung đột Ấn Độ - Pakistan ở Kashmir là những điểm nóng. Đưa Tây Á vào xu hướng chung của các nước châu Á là nhiệm vụ khó khăn. Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” gây tranh cãi của Trung Quốc có thể không còn là quỹ đạo duy nhất để tăng tính kết nối ở châu Á.

Sự phản ứng thống nhất, linh hoạt và áp dụng công nghệ của các quốc gia châu Á trong phòng chống dịch bệnh đã có tác động tích cực. Thành công bước đầu trong phòng dịch của các nước châu Á sẽ truyền cảm hứng cho các nước có thu nhập thấp hơn trong khu vực để cùng bắt nhịp, thúc đẩy phát triển.

 Điều quan tâm hiện nay của các nước trong khu vực đó là chú trọng đầu tư các hoạt động phát triển bền vững. Các yếu tố như nghèo đói, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tác động của biến đổi khí hậu là những trở ngại lớn đối với sự tiến bộ. Điều này kêu gọi sự hợp tác không chỉ ở khu vực mà còn là toàn cầu để cùng giải quyết.

Giống như phần còn lại của thế giới, châu Á đang chuẩn bị cho việc phân phối vaccine với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho người dân.

Mục tiêu lớn hơn của châu Á là phục hồi sau cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Khả năng phục hồi của châu Á sau đại dịch đang trở nên sáng sủa hơn so với các nước phương Tây - nơi mà đại dịch vẫn hoành hành với số người mắc mới và chết liên tục tăng.

Kông Anh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn