Gần 80% trong số 440 CĐV Heerenveen khẳng định không muốn đội bóng gia hạn hợp đồng với Đoàn Văn Hậu. Dù 440 CĐV này không đại diện cho cả cộng đồng người hâm mộ Heerenveen, song có thể hiểu được lý do tại sao khán giả Hà Lan không tha thiết giữ chân Văn Hậu ở lại.
Hiệu quả bằng không
Ở đội một Heerenveen hiện tại, Văn Hậu là một trong hai cái tên chưa được ra sân phút nào ở giải VĐQG, bên cạnh thủ môn dự bị số ba Trevor Doornbusch.
Ngoài vị trí thủ môn số ba hầu như không thể ra sân do đặc thù, việc Văn Hậu không được thi đấu phản ánh rõ thực tế: thực lực, đẳng cấp của cầu thủ người Việt Nam vẫn kém so với đồng đội.
Hậu vệ sinh năm 1999 chỉ được thể hiện trong 4 phút ở chiến thắng 2-0 của đội nhà trước Roda JC Kerkrade tại cúp Quốc gia Hà Lan, khi trận đấu đã an bài. 4 phút ấy, Văn Hậu còn để lại ấn tượng không tốt với một... thẻ vàng.
Còn ở giải VĐQG Hà Lan, Văn Hậu dự bị 15 trận, không lần nào được tung vào sân. Có ba dạng cầu thủ dự bị thường thấy trong bóng đá, một là dự bị chiến lược, luôn được tung vào sân ở một thời điểm cụ thể (như HLV Maurizio Sarri của Chelsea thường tung Ross Barkley vào sân ở phút 65-70 để thay Mateo Kovacic).
Hai là dự bị tình thế, vào sân để tăng quân số tấn công hoặc phòng ngự. Ba là dự bị vào sân chỉ để làm nóng, câu giờ, không đóng góp về mặt chiến thuật. Không may mắn cho Văn Hậu khi anh thuộc nhóm dự bị số ba.
Để có 4 phút thi đấu của Văn Hậu ở cúp Quốc gia, Heerenveen phải trả tới 405.000 euro/năm trước thuế cho cầu thủ này. Như vậy, mỗi phút ra sân của Văn Hậu có giá tới... hơn 100.000 euro.
Dĩ nhiên, không phải Văn Hậu hay ê-kíp của anh đòi mức lương ngất ngưởng. Đây là lương sàn cho các cầu thủ thuộc diện "ngoài EU", và hoàn toàn là lựa chọn của Heerenveen. Tuy nhiên, xét trên hiệu quả chuyên môn, đây vẫn là thương vụ không thành công so với lượng kỳ vọng và tiền bạc bỏ ra.
Video: Văn Hậu kiến tạo thành bàn ở đội trẻ
CĐV Việt Nam có thể theo dõi Văn Hậu ở đội trẻ và hài lòng với mức độ tiến bộ của Văn Hậu, nhưng CĐV Hà Lan khó để tâm đến những "tiểu tiết" này. Thành tích đội một vẫn quan trọng nhất, và đây là trận địa mà hậu vệ gốc Thái Bình không chứng minh được bất cứ điều gì.
Khi Heerenveen lao dốc với chuỗi trận toàn hòa và thua từ đầu năm 2020, đội bóng này vẫn không thể kỳ vọng ở Văn Hậu. Một cầu thủ như thế nếu được giữ lại, có lẽ chỉ đến từ lý do phi chuyên môn, điều khó xảy ra, bởi bóng đá châu Âu không có chỗ cho tình thương. Nếu cầu thủ không chứng minh được giá trị, anh phải ra đi, dù danh tiếng đến đâu.
Dấu hỏi thương mại
Một trong những khía cạnh quan trọng không kém chuyên môn ở bản hợp đồng của Văn Hậu là tính thương mại. Nhờ cầu thủ người Việt Nam, fanpage Heerenveen tăng chóng mặt về số lượt thích, tương tác hay tiếp cận. Thế nhưng, mới có 1 nhà tài trợ Việt Nam hợp tác với CLB, đó là Trevi Bike nhằm cung cấp xe đạp cho các cầu thủ.
Heerenveen vẫn chưa phải tên tuổi "nóng" với đối tác kinh doanh. Có hai lý do dẫn tới thực tế này, đó là Văn Hậu hầu như không được ra sân, nên khó để nhà tài trợ "mặn mà" với CLB, và thị trường sản phẩm thể thao ở Việt Nam chưa phát triển.
Không dễ để Heerenveen bán được một chiếc áo đấu chính hãng tại Việt Nam, khi chính những CLB ở đây còn không làm được điều đó. Nếu Heerenveen tiếp tục thua trên mặt trận thương mại, Văn Hậu có thể không được gia hạn hợp đồng.
Một nguyên nhân nữa khiến CĐV Heerenveen không muốn giữ chân Văn Hậu, dường như đến ở chính sách chuyển nhượng của CLB này. Heerenveen mang về tới 14 cầu thủ ở hai kỳ chuyển nhượng gần nhất, nhưng chỉ 3 trong số đó (Sven Botman, Joey Veerman, Chidera Ejuke) có chỗ ở đội hình chính.
Hiệu quả chuyển nhượng quá thấp, cộng với kết quả tệ hại trên sân khiến không ít CĐV đặt dấu hỏi về định hướng của CLB khi mua người, mà Văn Hậu, với đóng góp hạn chế, chắc chắn là một trong số đó.
Dù vậy, không được thi đấu ở Hà Lan chưa chắc đã là thất bại với cá nhân Văn Hậu. Cầu thủ người Việt Nam được đá đều đặn ở đội trẻ, phát triển trong môi trường bóng đá đỉnh cao, chuyên nghiệp, phát triển tốt về thể chất, kỹ năng và đã thể hiện được sự tiến bộ (ở SEA Games, vòng loại World Cup).
Trải nghiệm ở Heerenveen sẽ giúp Văn Hậu trưởng thành. Tuổi 21, cơ hội cho hậu vệ này vẫn rất rộng mở, nhưng quan trọng hơn, bài học từ Văn Hậu sẽ giúp các nhà hoạch định chiến lược bóng đá nhìn ra rõ hơn khả năng thành công ở châu Âu của bóng đá nước nhà.
Cầu thủ Việt Nam khó nghĩ tới chuyện cạnh tranh ở lục địa già trong tương lai gần, khi đến gương mặt gần như khả dĩ nhất là Văn Hậu còn không có đất diễn.
Bình luận