• Zalo

Vì sao cam sành rớt giá thảm hại, phải kêu gọi 'giải cứu'?

Thị trườngThứ Sáu, 17/02/2023 06:13:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cam sành rớt giá thảm hại xuống 2.000- 3.000 đồng/kg tại vườn nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua khiến người dân đang rất lo lắng.

Trả lời VTC News, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Như Cường khẳng định: “Đây là hậu quả của sự phát triển ồ ạt, khi giá đắt thì đua nhau trồng, không theo quy hoạch của cơ quan chức năng dẫn đến khủng hoảng thừa”.

Nguồn cung nhiều khiến giá cam sành tại tỉnh Vĩnh Long ở thời điểm này lao dốc mạnh chưa từng có, từ 12.000 đồng/kg trước Tết xuống 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua. Hiện tượng này khiến nhiều nơi đang kêu gọi "giải cứu" cam Vĩnh Long để hỗ trợ bà con nông dân với giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Vì sao cam sành rớt giá thảm hại, phải kêu gọi 'giải cứu'? - 1

Cam sành Vĩnh Long được bán giải cứu với giá 8.000 đồng/kg tại TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Như Cường, nguyên nhân cam sành rớt giá là do sản phẩm cam địa phương chỉ tiêu thụ trong nước, thời tiết năm nay lạnh hơn các năm nên nhu cầu từ các thị trường như TP.HCM và các tỉnh miền Bắc không nhiều.

Trong khi đó, việc trồng cam từ trước đến nay chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch. Đặc biệt, mấy năm qua giá cam tăng cao, có thời điểm lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg nên bà con đổ xô trồng, dẫn tới diện tích cam phát triển rất mạnh, vượt diện tích quy hoạch. Từ năm 2018, Cục Trồng trọt đã khảo sát và cảnh báo tình trạng phát triển "nóng" trồng cam sành nhưng không có kết quả.

“Tỉnh Vĩnh Long cũng khuyến cáo, Bộ Nông nghiệp và Cục Trồng trọt cũng đã khuyến cáo nhiều lần không phát triển ồ ạt cây cam nhưng thời gian trước lợi nhuận đem lại quá lớn, nhiều người dân không thực hiện”, ông Cường nói.

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 17.000 ha cam sành, tăng gần 3.000 ha so với năm 2020. Cam sành được trồng nhiều nhất tại huyện Trà Ôn, huyện Tam Bình, huyện Vũng Liêm. Sản lượng hàng năm thu hoạch khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm. Từ nay đến hết tháng 3, ước tính có khoảng 60.000 tấn cam sành đến vụ thu hoạch nên áp lực tiêu thụ rất lớn.

Trong khi giá cam tại vườn hiện chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, chưa bao gồm công hái và vận chuyển thì tại các điểm giải cứu và trên mạng, cam sành cũng chỉ được giao bán với giá từ 7.000 đồng - 12.000 đồng/kg đã bao gồm chi phí vận chuyển. Với giá bán này, người nông dân thua lỗ nặng.

“Chúng tôi đang trao đổi với tỉnh Vĩnh Long nhằm nắm bắt tình hình để có giải pháp kết nối, hỗ trợ bà con tiêu thụ. Về lâu dài, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng mới, mở rộng diện tích. Người dân cũng cần phải có trách nhiệm với chính mình, để không dẫn đến hệ luỵ khó lường”, ông Cường nói.

Không riêng gì tỉnh Vĩnh Long, hiện nay cả nước có đến hơn 90.000 ha cam, trong đó có đến 1/3 diện tích cam sành. Trong khi đó, loại cam này chỉ dùng để vắt nước uống, thời điểm hiện tại không khí lạnh đang tràn qua miền Bắc, người dân ít sử dụng cam nên giá bị rớt.

Về phía cơ quan chức năng, ông Cường cho biết, các địa phương phải căn cứ vào Quyết định số 4085 ngày 27/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Vì sao cam sành rớt giá thảm hại, phải kêu gọi 'giải cứu'? - 2

Việc phát triển quá nóng diện tích cam sành đã và đang dẫn đến khủng hoảng thừa.

Từ đó, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại và có những biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn nhằm khuyến cáo người dân chỉ tập trung phát triển ở những vùng trồng cây ăn quả thực sự phù hợp với những quy trình canh tác hiệu quả, tiết kiệm để giảm chi phí, giá thành các loại cây trồng, trong đó có cây cam. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết với những hợp tác xã, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Về mặt kỹ thuật, ông Cường cho biết, Cục Trồng trọt đang thu thập thông tin và có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu có những giải pháp để rải vụ.

"Chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá xem những giai đoạn nào trong năm mà thị trường thường xảy ra dư thừa, nhất là thời điểm gần Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán để có quy trình rải vụ, tránh xảy ra hiện tượng sản lượng cao ở những thời điểm không phù hợp cho việc tiêu thụ.Do vậy, bà con cần phải tuân theo sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng là giảm bớt về mặt diện tích, thực hiện đúng quy trình rải vụ để tránh sản lượng cao ở giai đoạn nhạy cảm và tăng sản lượng ở giai đoạn mà có khả năng tiêu thụ tốt”, ông Cường khuyến cáo.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn