Những con số báo động
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản (HoREA) tính đến tháng 9/2016, toàn TP.HCM có 1.037 chung cư, trong đó có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng.
Những chung cư này thuộc địa bàn quận 1, 4, 5, 6 và Tân Bình với tống số gần 1.500 căn hộ đang trong tình trạng hư hỏng nặng và nguy hiểm cho người sử dụng.
Nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Con số thực tế, từ năm 2012 cho đến tháng 9/2016, toàn thành phố đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở.
Đỉnh điểm là cuối tháng 3 vừa qua, thảm hoạ Carina đã lấy đi tính mạng của 13 người và khiến hàng chục người bị thương là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy tại các toà nhà, chung cư.
Đáng báo động hơn, những khu chung cư cũ nát nói trên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, và đang trong tình trạng đe doạ có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Trước thực trạng "báo động đỏ" trên, kế hoạch năm 2018, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ làm thủ tục lựa chọn chủ đầu tư cho các chung cư cũ đang trong tình trạng bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ quan này cho biết còn tới 13 chung cư xuống cấp, được cảnh báo là nguy hiểm và hư hỏng nặng nhưng chưa có chủ đầu tư tham gia cải tạo.
Cùng với đó, UBND TP.HCM đặt mục tiêu kế hoạch đến năm 2020 phải giải quyết được 50% trong tổng số chung cư cũ. Thế nhưng Sở Xây dựng cho rằng với tình hình hiện tại còn có nhiều bất cập, rất khó để đạt được hết những mục tiêu đề ra.
Di dời để cải tạo chung cư: Vẫn dừng ở lời hứa
Với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm đã được cảnh báo từ trước, nhiều cư dân vẫn sinh hoạt và làm việc trong điều kiện khó khăn phần vì chưa tìm được nhà đầu tư để cải tạo chung cư, phần vì với họ chung cư vẫn còn có thể “trụ” được thêm một thời gian nữa.
Việc di dời để cải tạo chung cư là rất cần thiết và cũng là nguyện vọng của cư dân. Tuy nhiên, di dời vẫn là “lời hứa” được hứa từ năm này sang năm khác.
“Có họp, rồi cũng có nghe nói là di dời, nhưng năm nào cũng nói mà chưa thấy di dời gì cả. Chung cư thì mỗi ngày nó xuống cấp một ít, sống mà cứ sợ nhà sập bất thình lình", chị Thu (cư dân tại chung cư Trúc Giang, quận 4) bức xúc.
Mong mỏi di dời, sống chung với nguy hiểm để chờ đợi "lời hứa" được thực hiện là điều mà các cư dân của chung cư Tân Châu (170-171 Tân Châu, quận Tân Bình) đã làm suốt mấy năm qua.
Một cư dân tỏ ra thất vọng khi được hỏi đến vấn đề di dời cư dân tại các khu chung cư cũ nát: "Hứa hoài, chờ hoài. Chờ bao nhiêu năm rồi, đến giờ vẫn chưa có cái nhà, cái cửa ở tốt hơn. Mang tiếng là ở chung cư mà toàn phải sửa nhà, sửa tường".
Nhưng với bà Tư, một cư dân của chung cư Bùi Viện thì sự chờ đợi quá lâu đã làm bà mất lòng tin vào việc di dời để cải tạo chung cư. "Chờ hoài không thấy di dời, nói thì nhiều mà làm thì không bao nhiêu hết, nhà thì cứ hỏng như vậy đấy".
Lo lắng, bất an, mong mỏi rồi thậm chí là thất vọng, bức xúc, trước sự nguy hiểm ngày một kề cận. Nhưng cư dân đang sống tại các chung cư "nhún mạnh là sập" vẫn đang phải tiếp tục chờ đợi.
Ngược lại, một số người dân vẫn thản nhiên sống chung với nguy hiểm vì họ cho rằng mọi thứ vẫn còn tốt và vẫn còn có thể sử dụng được.
Khi đang đứng ngay dưới trần nhà đang nứt nẻ gần hết, ông Được sống tại chung cư 43 Bình Tây, quận 6 bình thản chia sẻ: “Như này là còn ở tốt rồi, nhiều nơi còn xuống cấp hơn đây nữa, có dời đi để xây lại chắc cũng gần chục năm nữa.”
Cùng suy nghĩ chủ quan với ông Được, một cư dân sống tại chung cư Vĩnh Hội (đường Khánh Hội, quận 4) tỏ ra rất thản nhiên khi được hỏi về vấn đề di dời: “Nhìn có vẻ xuống cấp vậy thôi chứ còn sử dụng được, vẫn chưa thấy ai bị tai nạn gì.”
Những vết nứt trên tường lớn dần, trần nhà rung lên bần bật mỗi khi có ai đó đi mạnh, và tiếng dặn dò con trẻ "đi xa xa chỗ đấy ra" của các bật cha mẹ nghe rất gần mà vấn đề di dời thì xem ra còn ở đâu xa lắm.
Những con số vẫn rất đáng quan ngại, sự xuống cấp thì vẫn đang diễn ra và bài học từ chung cư Carina Plaza vẫn còn hôi hổi.
Bình luận