HLV Lee Heung Sil được Viettel tuyển mộ với nhiều kỳ vọng. Chiến lược gia người Hàn Quốc là bạn thân, thậm chí có bản thành tích trong quá khứ còn "sáng" hơn HLV Park Hang Seo khi 2 lần vô địch K-League cùng Jeonbuk Hyundai Motors - đội bóng mạnh nhất xứ kim chi.
Ông Lee Heung Sil cũng được tạo điều kiện làm việc tốt nhất, nhưng kết quả trên sân cho thấy điều ngược lại. Quyết định trao quyền dẫn dắt Viettel cho trợ lý Nguyễn Hải Biên được xem như "muộn còn hơn không" của đội bóng áo lính.
Thành tích kém cỏi
Viettel thắng 4, hoà 2, thua 6 trong 12 vòng đầu tiên, giành 14 điểm và hơn nhóm phải đá play-off trụ hạng đúng 2 điểm. Nhiều chuyên gia từng nhận định đội bóng áo lính là đối thủ thách thức chức vô địch với Hà Nội FC, hoặc ít nhất, Viettel sẽ đứng trong nhóm đầu với lực lượng dày dạn kinh nghiệm.
Dù vậy, dàn tuyển thủ quốc gia với Tiến Dũng, Ngọc Hải, Minh Tuấn,... cùng các cầu thủ trẻ triển vọng như Hoàng Đức, Đức Chiến,... không thể giúp ông Lee Heung Sil tạo nên đội bóng ổn định.
Viettel chưa từng có điểm trong 3 trận liên tiếp mùa này. Cứ sau mỗi trận đấu tốt, Viettel sẽ lại... trở về mặt đất với một thất bại nặng nề. Không chỉ tấn công kém (ghi bàn ít thứ nhì V-League), Viettel còn phòng ngự rất tệ (thủng lưới 18 lần). Khoảng cách mong manh với nhóm xuống hạng buộc BHL Viettel phải thay đổi, nhất là khi đội bóng không cho thấy dấu hiệu phục hồi và khởi sắc.
Video: Viettel 0-3 HAGL
Lối chơi không được định hình
Không dễ đòi hỏi ông Lee Heung Sil phải giúp Viettel đá hay, đá đẹp ngay khi vừa tiếp quản đội bóng mới thăng hạng. Tuy vậy, Viettel cần phải thể hiện ít nhiều diện mạo "xem được" với lối đá phần nào được định hình. Điều đó hoàn toàn không xuất hiện.
Viettel dưới thời HLV người hàn Quốc chơi phụ thuộc khá nhiều vào phong độ của các cầu thủ ngoại như Paulo hay Kayo Dias. Khi bộ đôi này kiến tạo hoặc ghi bàn, Viettel thắng và ngược lại. Một mình Paulo đã ghi phân nửa số bàn thắng cho Viettel mùa này. Nếu đối phương phong toả được Paulo trong các pha bóng bổng, Viettel... hết bài.
Ở các cuộc họp báo sau trận, HLV Lee Heung Sil luôn khẳng định bản thân cần thêm thời gian để giúp đội bóng tốt hơn, song màn trình diễn trên sân không đảm bảo được chiếc ghế cho ông.
Viettel có thể chơi không tốt, nhưng phong cách chơi của CLB này cần được định hình, một mặt giúp cải thiện thành tích dài hạn, một mặt thể hiện được cá tính của đội bóng áo lính. HLV Lee Heung Sil phải ra đi vì không làm được điều này.
Tinh thần bạc nhược
Một trong những yếu tố định hình nên Thể Công trong lòng người hâm mộ trước đây là ý chí thi đấu rực lửa và tinh thần không buông bỏ. Rất khó đòi hỏi Viettel hôm nay phải ngay lập tức lấy lại hào quang năm xưa của Thể Công, song Tiến Dũng cùng các đồng đội không thể hiện được sự quyết liệt, máu lửa và bản lĩnh cần thiết. Trách nhiệm đó hiển nhiên thuộc phần nhiều về HLV Lee Heung Sil.
Viettel hầu như thua khi bị đối thủ vượt lên dẫn trước mùa này. Một kịch bản quen thuộc: khởi đầu không tệ, nhưng nhận bàn thua và... vỡ trận, lặp đi lặp lại qua các vòng đấu. Viettel thua SHB Đà Nẵng (1-3), Hà Nội FC (0-2), CLB TPHCM (0-3) hay Becamex Bình Dương (0-2) đều với hình ảnh na ná như vậy.
HLV Lee Heung Sil không đưa ra được điều chỉnh hợp lý và cũng không thổi được ngọn lửa chiến đấu vào các học trò giống như người bạn thân Park Hang Seo ở tuyển Việt Nam.
Áp lực khủng khiếp
HLV Lee Heung Sil thừa nhận thành công của Park Hang Seo khiến ông chịu nhiều áp lực và từng đắn đo với khả năng dẫn dắt Viettel. Khi thầy Park nhận lời dẫn dắt U23 Việt Nam, đội tuyển khi ấy đã ở đáy kỳ vọng, nhưng HLV Lee Heung Sil cập bến Viettel ở thời điểm niềm tin quay trở lại và CĐV rất mong chờ vào hiệu ứng của những người thầy Hàn Quốc.
Cộng với vinh quang quá khứ (2 lần vô địch K-League cùng Jeonbuk Hyundai Motors), ông Lee Heung Sil được kỳ vọng giúp Viettel nhanh chóng chơi tốt dù đã xa cách V-League tới 10 năm. Đa số các cầu thủ Viettel đều chưa từng đá ở V-League để hiểu sự khắc nghiệt của sân chơi này.
Do đó, dẫu thế nào thì HLV người Hàn Quốc cũng nên được cho thêm thời gian, thay vì mất việc khi lượt đi còn chưa khép lại. HLV Chung Hae Seong ở CLB TPHCM hay Lee Tae Hoon ở HAGL đều có thời gian tìm hiểu bóng đá Việt Nam khi làm GĐKT trước khi trực tiếp dẫn dắt nên có cái nhìn toàn cảnh, còn ông Lee Heung Sil bắt tay vào dẫn dắt từ quá sớm.
Ngoài ra, khó khăn ngoại cảnh cũng là vấn đề lớn. Ngoại binh không nổi trội, Minh Tuấn mất phong độ, Ngọc Hải bị treo giò tới 5 trận, Trọng Hoàng nghỉ hết lượt đi, các cầu thủ trẻ cũng chưa thể hiện được tầm ảnh hưởng. Khó để thành công với một tập thể như thế, và thách thức dành cho HLV tạm quyền Hải Biên là rất rõ ràng.
Bình luận