Tổng thống Trump hôm 12/3 đưa ra quyết định bất ngờ khi cấm tất cả các chuyến di chuyển từ 26 nước châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng.
"Chúng tôi sẽ tạm dừng tất cả việc đi lại từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày tới. Quy định mới này sẽ có hiệu lực vào nửa đêm thứ Sáu (tức ngày 13/3). Lệnh cấm này không chỉ áp dụng đối với một lượng lớn hàng hóa và hoạt động thương mại mà còn áp dụng với cả những vấn đề khác như chúng tôi đã thông qua. Bất kỳ thứ gì từ châu Âu vào Mỹ đều nằm dưới sự xem xét của chúng tôi", ông Trump khẳng định.
Nhưng phần cuối của tuyên bố còn khiến nhiều người bất ngờ hơn, các quy định này sẽ không áp dụng đối với Vương quốc Anh.
Anh có thể không còn là một phần của Liên minh châu Âu (EU) nhưng họ vẫn là một phần của lục địa châu Âu, nằm giữa Pháp và Ireland.
Vậy tại sao Anh lại được "miễn trừ"?
Nhìn vào số người nhiễm bệnh, tình hình ở Anh chắc chắn không nghiêm trọng như ở Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha - các quốc gia ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm. Anh hiện có 490 bệnh nhân dương tính với Covid-19, 8 trong số đó đã thiệt mạng. Nhưng một số quốc gia khác còn ghi nhận số ca nhiễm ít hơn Anh như Áo với 246 trường hợp. Hy Lạp, Czech, Phần Lan đều có ít hơn 100 trường hợp.
Vậy tại sao các chuyến bay được phép khởi hành từ London tới New York chứ không phải từ Athens của Hy Lạp?
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump nói rằng "lệnh cấm châu Âu" của ông xuất phát một phần từ việc EU làm không đủ để chống dịch.
"Liên minh châu Âu đã không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự và hạn chế đi lại từ Trung Quốc và các điểm nóng khác. Kết quả là, một số lượng lớn các cụm dịch mới ở Mỹ được gieo rắc mầm bệnh bởi các du khách châu Âu", ông nói.
Nhiều người tin rằng lý do duy nhất để Anh thoát khe cửa hẹp trong lệnh cấm của Mỹ nằm vỏn vẹn trong 1 chữ Schengen.
Được ký kết vào năm 1985, thỏa thuận này biến biên giới nội bộ của EU từ các trạm kiểm soát thành các đường như gần như bị lãng quên trên bản đồ.
Sau khi Schengen được ký kết, lái xe từ Paris đến Madrid cũng đơn giản như lái xe qua lại trong một đất nước.
Nhưng Anh lại từ chối ký thỏa thuận này. Cho tới nay, bất cứ ai từ Paris tới London đều phải qua cửa kiểm soát hộ chiếu truyền thống và kiểm tra an ninh dù họ đi tàu hỏa, máy bay hoặc trên một chuyến phà qua Eo biển Manche.
Video: Tổng thống Trump cấm các chuyến di chuyển từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày
Việc không tham gia vào Schengen đồng nghĩa Anh có thể theo dõi hầu hết những người ra vào nước này. Đó cũng có thể là lý do khiến Tổng thống Trump loại Anh khỏi lệnh cấm.
"Dòng người đi lại tự do giữa các quốc gia Schengen khiến nhiệm vụ ngăn chặn virus lây lan khó khăn hơn", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố trước đó.
Ngoài ra, Anh còn là thị trường quan trọng với Mỹ. Việc cấm di chuyển với Anh có thể sẽ gây hại nặng nề cho kinh doanh của xứ cờ hoa. Cứ 2 ngày, có khoảng 100 chuyến bay qua lại giữa 2 quốc gia, nhiều hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào với Mỹ.
Ngoài Anh, Ireland, Croatia, Romania, Bulgaria cũng không có tên trong lệnh cấm của Tổng thống Trump. Các nước này là một phần của EU, nhưng giống Anh, họ không phải là thành viên của Schengen. Một số quốc gia khác ngoài EU như Nga, Serbia và Ukraine vẫn tiếp tục khai thác các chuyến bay tới Mỹ bình thường.
Bình luận