• Zalo

Vì sao 45 trường đại học tiếp tục được tuyển sinh cao đẳng?

Giáo dụcThứ Ba, 30/07/2019 06:56:00 +07:00Google News

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục để 45 trường đại học được tuyển sinh cao đẳng sau khi tiếp nhận các góp ý của trường và cơ quan liên quan.

Ngày 30/6, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) thông tin, sau khi tiếp thu ý kiến của một số trường đại học, góp ý cơ quan liên quan, đơn vị thống nhất để các trường đại học tiếp tục chủ động kế hoạch tuyển sinh các ngành, nghề trình độ cao đẳng năm học 2019-2020.

Quyết định trên cũng được căn cứ vào nội dung Công văn số 1322 của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp ban hành trước đó về việc tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng đối với các trường đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó nêu rõ: "Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị trường phản ánh về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định".

45 truong dai hoc

 Danh sách 45 trường bị yêu cầu dừng đào tạo cấp cao đẳng, trung cấp.

Trước đó, ngày 27/7, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp ra văn bản gửi 45 trường đại học trong cả nước đề nghị dừng tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo cao đẳng, trung cấp đã được đơn vị này cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp kể từ 1/7/2019.

Quyết định này đưa ra giữa mùa tuyển sinh khiến nhiều trường đại học lúng túng. Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ - Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng, nội dung văn bản là các trường đại học dừng tuyển từ 1/7, nhưng văn bản được gửi từ ngày 17/7 và đến tận ngày 25/7, trường mới nhận được.

Vì thế, trường rất bị động sau khi thu nhận hồ sơ của các thí sinh xét tuyển học bạ, xét tuyển điểm thi THPT Quốc gia, mà hiện tại cũng có một số hồ sơ nhận các thí sinh đó trở thành sinh viên của trường.

Bên cạnh đó, TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội (1 trong 45 trường bị yêu cầu dừng tuyển sinh cao đẳng) cũng đưa ra những kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét một số khía cạnh liên quan đến pháp lý trong văn bản yêu cầu ngừng tuyển sinh của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, văn bản có trích Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 tại Điều 1 có ghi: "Các trình độ của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ" để cho rằng các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng là chưa hợp lý.

Thứ nhất, Luật giáo dục đại học chỉ chi phối trình độ đại học nên không thể ghi thêm trình độ cao đẳng vào luật.

Thứ hai, trường đại học là một tổ chức. Trường đại học không đồng nghĩa với trình độ đại học, không có điều nào trong Luật giáo dục đại học nói rằng các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng.

Cũng theo ông Hiệp, "trong Luật giáo dục nghề nghiệp, luật chuyên ngành chi phối đào tạo trình độ cao đẳng cũng không có điều nào cấm các trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng. Việc Tổng cục thông báo dừng vào thời điểm 1/7/2019 là chưa hợp lý trong khi các trường đã thông báo công khai đến người học để tuyển sinh cao đẳng từ cuối năm 2018.

Ngoài ra, sau khi có 2 luật trên (Luật giáo dục đại học và Luật giáo dục nghề nghiệp) ra đời, chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn các trường đại học thực hiện việc này cho đúng luật", ông Hiệp thông tin.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, thông báo của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp chưa đề cập đến tính đặc thù của một số ngành như ngành dệt may khi mà nguồn cung đào tạo nhân lực trên cả nước hiện tại (tính cả đại học và cao đẳng) chưa đáp ứng đủ 30% nhân lực cần thiết cho ngành dệt may.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn