• Zalo

Vi phạm giao thông, 'bêu danh' lên báo đài: Có sợ không?

Thời sựThứ Hai, 23/12/2013 10:48:00 +07:00Google News

(VTC News) – Lãnh đảo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định việc nêu tên người vi phạm giao thông lên báo, đài chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.

(VTC News) – Lãnh đảo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định việc nêu tên người vi phạm giao thông lên báo, đài chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.

Vừa qua, Tổng cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an (chủ trì soạn thảo) đã đưa dự thảo lần 4 Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2010/BCA Quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân và các bộ ngành liên quan.

CSGT dừng xe vi phạm
Cảnh sát dừng xe người vi phạm giao thông. 
Trong đó, điểm sửa đổi nổi bật là sau khi xử phạt, hàng tuần cơ quan chức năng sẽ thông báo tên người vi phạm giao thông đến địa phương, cơ quan quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài truyền thanh địa phương). 

Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng với các trường hợp bị tước giấy phép lái xe (các lỗi gây tai nạn do dừng xe không đúng nơi quy định, mở cửa gây tai nạn, không nhường đường hoặc cản trở xe ưu tiên, chạy quá tốc độ trên 35km/h...); trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ...
Đặc biệt danh sách các trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng do sử dụng rượu, bia, ma tuý hay chống người thi hành công vụ... sẽ được gửi về Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) để phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông trung ương đăng tải và gửi Bộ Công an để theo dõi.


Nếu người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thì các cơ quan, tổ chức, đoàn thể lấy đây làm cơ sở bình xét thi đua. Đối với học sinh, sinh viên thì xem đây là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức, hạnh kiểm.

Phó Chủ tịch UBATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp. 
Trao đổi với báo chí về nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, ông ủng hộ quan điểm của Tổng cục VII nêu ra trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2010.

“Những vi phạm nặng thuộc về lỗi cố ý hoặc thể hiện ý thức tham gia giao thông kém thì chỉ phạt bằng tiền thôi không sức răn đe. Gửi thông báo vi phạm về nơi cư trú, cơ quan công tác, đăng tải trên báo đài chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tốt hơn”- ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, việc thông báo danh tính người vi phạm giao thông lên các phương tiện thông tin đại chúng mới được thực hiện chưa lâu nhưng đã phát huy hiệu quả.
 
Phía UBATGTQG cũng đã đề nghị Ban An toàn giao thông địa phương thường xuyên công khai danh tính người cố tình vi phạm giao thông lên phương tiện truyền thông. 

Tuy nhiên, ông Hiệp nói không phải trường hợp nào cũng bêu tên trên phương tiện truyền thông đại chúng mà phải cân nhắc đưa vào những lỗi nào thì thông báo về địa phương, lỗi nào thì công bố lên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng theo hướng các trường hợp bêu tên là cố tình vi phạm gây ra tai nạn nghiêm trọng.
 

Những vi phạm nặng thuộc về lỗi cố ý hoặc thể hiện ý thức tham gia giao thông kém nếu chỉ phạt bằng tiền không sức răn đe. Gửi thông báo vi phạm về nơi cư trú, cơ quan công tác, đăng tải trên báo đài chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tốt hơn

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp
 


Quy định này trước hết nên thực hiện đối với cán bộ, công chức và sẽ không vi phạm với các quy định khác vì đã có luật Cán bộ công chức.

“Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, trong đó có việc chấp hành ATGT” – ông Hiệp cho hay.

Phó Chủ tịch UBATGTQG cũng cho rằng, việc xử phạt người vi phạm nếu nặng quá thì gây phản ứng, thấp quá thì không đủ sức răn đe, hơn nữa một số người vi phạm có thái độ nghênh ngang, nếu chỉ buộc họ nộp phạt 1 triệu hay 5 triệu thì không đảm bảo được yêu cầu quản lý, giáo dục, răn đe.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBATGTQG, trong việc này, báo chí phải có trách nhiệm đăng các thông tin đăng tên người vi phạm. 
Theo đó, ở trung ương, các cơ quan báo chí là thành viên của UBATGTQG, như Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Ở địa phương là đài truyền hình, báo của tỉnh... sẽ đăng thông tin người vi phạm.

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn