• Zalo

VFF xoay sở lo vài chục tỷ cho 6 đội tuyển Quốc gia đá giải châu lục

Thể thaoChủ Nhật, 19/11/2017 13:51:00 +07:00Google News

Năm 2018 sẽ là một năm bận rộn hiếm thấy với bóng đá Việt Nam khi có tới 6 đội bóng giành quyền tham dự giải châu lục; tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, VFF cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo...

Năm 2018 sẽ là một năm bận rộn hiếm thấy với bóng đá Việt Nam khi có tới 6 đội bóng giành quyền tham dự giải châu lục là các ĐT futsal Việt Nam, ĐT nữ Việt Nam, ĐT U16 Việt Nam, ĐT U19 Việt Nam, ĐT U23 Việt Nam và ĐTQG Việt Nam.

Đây là thành tích hiếm thấy trong lịch sử bóng đá Việt Nam và nó cho thấy dù bóng đá Việt Nam vẫn đang tồn tại không ít vấn đề song cũng phải thừa nhận rằng năng lực cạnh tranh của nền bóng đá chúng ta đã có sự tiến bộ rõ rệt, thể hiện qua việc có tới 6 đội bóng giành quyền tham dự giải châu lục.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui do 6 ĐTQG mang lại thì VFF cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo, trong đó vấn đề tìm kiếm nguồn tiền để lo kinh phí tập huấn và thi đấu cho cả 6 ĐTQG đang khiến VFF phải đau đầu.

anh_SBJZ

Năm sau, Công Phượng (16) và đồng đội ở ĐT U23 Việt Nam sẽ tham dự giải U23 châu Á năm 2018 ở Trung Quốc. 

Theo tính toán sơ bộ, VFF cần có ít nhất 70 tỷ để bảo đảm kinh phí tối thiểu cho 6 ĐTQG trong quá trình chuẩn bị cho giải châu lục, và trong số này, Tổng cục TDTT nhiều nhất chỉ có thể gánh giúp VFF khoảng 30 tỷ, và 40 tỷ còn lại sẽ phải do VFF tự thân vận động, xoay xở.

Trong năm 2017, VFF đã nỗ lực kiếm tìm nhiều nguồn tài trợ khác nhau để giúp ĐT U20 Việt Nam được tập huấn dài ngày ở Đức và Hàn Quốc trước khi thi đấu tại U20 World Cup 2017, và nhờ thế thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã giành được 1 điểm lịch sử ở sân chơi này.

Còn bây giờ, trước mắt VFF không phải chỉ là 1 đội bóng như năm 2017 mà tới 6 ĐTQG, và nhiệm vụ của đội bóng nào cũng quan trọng như nhau. Vì thế, áp lực dành cho lãnh đạo VFF là không nhỏ, bởi một khi đã tham dự sân chơi châu lục thì bất cứ ĐTQG nào cũng phải để lại hình ảnh tích cực với bạn bè quốc tế.

Trong lúc này người ta lại chợt nhớ tới những cá nhân đang nỗ lực vận động cho cái gọi là “công cuộc chấn hưng bóng đá Việt Nam” và nghe đâu vào cuối tháng này, những nhân sự chủ chốt của phong trào chấn hưng sẽ tổ chức hội thảo với tên gọi “Tương lai bóng đá Việt”.

Sẽ rất tuyệt nếu như ở cuộc hội thảo sắp tới người ta đưa được ra những biện pháp hiệu quả và thích hợp để giúp VFF xử lý bài toán 40 tỷ cho 6 ĐTQG trong năm 2018. Xét về lý thuyết thì đây là một công việc hoàn toàn nằm trong khả năng của nhóm nhân sự chủ chốt khởi xướng phong trào chấn hưng, bởi họ hoặc rất có điều kiện kinh tế, hoặc cực kỳ đam mê và tâm huyết với bóng đá Việt Nam.

Chỉ có điều không hiểu cuộc hội thảo này được tổ chức vì tương lai của bóng đá Việt Nam hay chỉ với mục đích nhằm công kích đội ngũ lãnh đạo hiện tại của VFF, như cái cách mà nhóm chấn hưng này vẫn thực hiện trong suốt thời gian vừa qua?

Trước đây, một số nhân sự của nhóm chấn hưng từng đứng ra tổ chức hội thảo bóng đá song rồi kết cục cũng chẳng đi đến đâu, bởi vấn đề cốt yếu là giữa lời nói và hành động luôn có rất nhiều khoảng cách. Không khó để tìm ra một người hoạt ngôn khi nói về bóng đá Việt Nam, nhưng làm sao kiếm được ai đó sẵn sàng chi ra vài tỷ hoặc vài chục tỷ cho bóng đá Việt Nam lại là chuyện thiên nan vạn nan.

Video: Tuyển Việt Nam tập sút phạt đền, Công Phượng lại đá panenka hỏng

Chúng tôi được biết trong những năm qua đã có không ít cá nhân hoặc tổ chức âm thầm ủng hộ các ĐTQG bằng những khoản tiền không nhỏ nhưng họ không hề yêu cầu được báo đáp hay vinh danh, còn nhóm chấn hưng này lại hoàn toàn trái ngược, khi người ta chỉ thấy họ nói quá nhiều mà làm lại chẳng được bao nhiêu. Đấy còn chưa kể tới việc trong đội ngũ của nhóm chấn hưng có những cái tên mà khi nhắc tới luôn khiến người ta phải ngao ngán thở dài vì hành vi ứng xử của họ khi còn đương chức.

Sau những thành tích ấn tượng mà bóng đá Việt Nam tạo lập được ở sân chơi quốc tế trong thời gian vừa qua, từ World Cup cho tới các giải châu lục, người hâm mộ có quyền tin tưởng rằng nếu được quan tâm và đầu tư đúng cách, các ĐTQG của chúng ta sẽ còn gặt hái những thành công chói sáng hơn nữa.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ chỉ làm được điều này nếu như huy động được tối đa nguồn lực xã hội, để giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng kinh phí do phải bao cấp cho quá nhiều ĐTQG, mà điều này rõ ràng không phải là một dấu hiệu nên được khuyến khích, bởi thể thao chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc phải tự nuôi sống được chính mình chứ không dựa dẫm vào ngân sách Nhà nước. 

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn