Cách đây 2 năm, ở trận play-off sau mùa giải 2010 giữa N.Sài Gòn và Than Quảng Ninh, không người đã bật cười vì băng-rôn của các CĐV Quảng Ninh: “VFF= Vietnam Football Funny”.
Dịch nôm na tấm băng-rôn đó là “Bóng đá Việt Nam hài hước”, hoặc cách gọi của lớp trẻ hiện nay: “Hài như bóng đá Việt”. Giờ đây, độ hài hước đã được nâng lên một tầm cao mới.
Tấu hài tùy hứng
Phải nói lại “lý do” có tấm băng-rôn “độc” của CĐV Quảng Ninh.
Kết thúc mùa 2010, lẽ ra đội Than Quảng Ninh đã được thăng hạng chuyên nghiệp vì đứng thứ 2 giải hạng nhất.
Tiên đoán của Cổ động viên đất mỏ
Thế nhưng, bắt nguồn từ quy định về “chuẩn” chuyên nghiệp mà VFF đưa ra yêu cầu các CLB phải thực hiện, cuối cùng VFF và BTC giải quyết định hạng nhất chỉ có 1 đội lên hạng và đội thứ hai (Than Quảng Ninh) phải đá play-off với N.Sài Gòn (đội đứng thứ 13 V.League). Trận play-off ấy, Than Quảng Ninh thua và…ở lại hạng nhất.
Dư luận cho rằng: Hai đội Bình Định và Quảng Ninh ở hạng Nhất chịu “vạ lây” bởi số lượng đội bóng chuyên nghiệp ở giải hạng Nhất không đạt yêu cầu. Tất nhiên, với CĐV Than Quang Ninh, đội bóng của họ “bỗng nhiên” mất suất chơi chuyên nghiệp bởi những rối rắm trong quy định của VFF là rất nực cười.
Hai năm trước, chỉ vì những đội khác không chuyển đổi thành CLB chuyên nghiệp, thì một đội mất cơ hội chơi V.League.
Năm nay, do các đội khác từ chuyên nghiệp bỗng thành đội…phong trào (vì giải thể), thì một đội không chuyên nghiệp (U22.VN) bỗng nhiên được dự V.League.
Hai cách hành xử này đã khiến người hâm mộ Việt không hiểu tại sao lại như vậy hay bóng đá chỉ là một màn tấu hài tùy hứng của những nhà quản lý.
Hài kịch và…bi kịch
Bóng đá Việt kể từ sau thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup là một vở kịch nhiều hồi và những cái tên rất ảo thay nhau trở thành nhân vật chính.
Màn một- thất bại của đội tuyển thì thủ phạm được xác định có tên: Chuyên Môn.
Khi Chuyên Môn là một thứ rất…trừu tượng thì màn kịch thứ hai là đi tìm “Bóng ma trong nhà hát”. Bóng ma ở đây có tên Trách Nhiệm.
Trách Nhiệm bỏ trốn thì trăm dâu đổ đầu ông HLV và vài cầu thủ bị quy là thái độ thi đấu không tốt mang tên: Bí Mật.
Trong lúc khán giả còn ngơ ngác chưa hiểu vở kịch sẽ kết ở đâu thì lại là một vở kịch mới mang tên V.League với việc không đủ đội dự giải và “kêu gọi” U.22 VN đá thay thế.
Mọi chuyện sẽ sáng tỏ sau ngày 13/12 tới và chưa chắc lúc này kịch đã hạ màn.
Than trời được chăng?
Người hâm mộ Việt đang rối mắt bởi những pha chuyền bóng liên tiếp, đầy bất ngờ. Hai “đạo diễn” xuất sắc là VFF và VPF tha hồ tung hứng với những chiêu trò đặc sắc của mình.
Như người ta nói "trong cái hài có cái bi", tất cả đang thấy một hiện tượng: khóc. Những cầu thủ từng là ngôi sao, từng có quyền “hét” giá chuyển nhượng lớn (như ca sỹ hạng A hét cát-xê) bỗng dưng giá trị chỉ tương đương một diễn viên quần chúng.
Những tuyển thủ có thể thất nghiệp, có thể phải đến nơi mình không thích vì đồng lương.
Nhưng đấy không phải là điều quan trọng: khi cái mặt nạ chuyên nghiệp rơi xuống, chính các cầu thủ mới nhận ra thân phận hẩm hiu của mình. Giải tán một đội bóng, người ta không cần biết cầu thủ trong đội sẽ đi đâu. Chuyển phiên hiệu một CLB từ Nha Trang ra Hải Phòng, cầu thủ không hề hay biết. Nếu có ý định “đình công” hay “lãn công” như V.Ninh Bình từng làm, đừng dại. Các ông chủ sẽ “bùng” luôn và giải tán đội bóng, nếu họ muốn.
Nghĩa là trong mắt những người đầu tư cho bóng đá, cầu thủ còn kém cả những món hàng.
12 năm, bóng đá Việt về nơi xuất phát?
Sáng kiến của VPF: đưa một đội như U.22 lên thi đấu và giải không có đội xuống hạng là điều khó tin. Nói thẳng ra đó là giải pháp ngớ ngẩn.
Nếu điều ấy là hiện thực, bóng đá Việt Nam sẽ lập tức trở về bóng đá phong trào. Ai sẽ đầu tư vào một đội bóng mà đá kiểu gì cũng được? Ai dám trả lương cao cho những cầu thủ mà có hay không có anh ta, bóng đá vẫn thế?
Mức thưởng cho chức vô địch là 10 tỷ? Xin lỗi, chẳng nhà kinh doanh nào bỏ 50 thậm chí 100 đồng chỉ để mong mua về món hàng 10 đồng. Tất nhiên trừ trường hợp thích vứt tiền, muốn…rửa tiền. Hình ảnh đáng mơ ước tại giải U21 Quốc gia
Phá bỏ các luật lệ do chính mình đặt ra và theo đuổi là điều tối kỵ không phải là chỉ riêng lĩnh vực bóng đá.
Năm 2000- VFF tổ chức giải “mùa xuân”, giải đấu không có đội lên xuống hạng và nó biến thành một giải tập huấn vô thưởng vô phạt không đáng để nhớ. Thậm chí hầu hết không ai còn nhớ đội nào vô địch giải này?
12 năm, bóng đá Việt lại quay lại vạch xuất phát?
Tất nhiên, sẽ có người nói, “sáng kiến” hay “tối kiến” về một giải V.League 2013 là của VPF chứ không phải là của VFF.
Về bản chất, VPF là thành viên trực thuộc VFF theo quyết định 352- QĐ LĐBĐVN do Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 7/10/2012 và VFF có mọi quyền phủ quyết các quyết định của VPF.
Và nếu có một giải 2013 không xuống hạng và có U.22 VN tham dự thì lúc này VFF chính thức là Vietnam Football Funny.
Nhật Thành (Thể thao 24h)
Bình luận