(VTC News) - Trưởng ban trọng tài VFF - ông Nguyễn Văn Mùi cho hay, các đội bóng được phép phát ngôn về công tác trọng tài nhưng thái độ phải đúng mức.
Công tác trọng tài luôn là vấn đề khá nhạy cảm đối với hầu hết các CLB bóng đá Việt Nam. Nói nhạy cảm là bởi, nếu không kiềm chế bản xúc cá nhân tức thời mà "vạ miệng", HLV cũng như các cầu thủ rất dễ nhận các án phạt của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Ngược lại, nếu được truyền thông, báo chí đặt câu hỏi mà từ chối trả lời, HLV và các cầu thủ cũng bị gán cho "tội" không hợp tác.
Trả lời về vấn đề trên trong cuộc gặp gỡ trao đổi thông tin định kỳ với báo chí chiều 23/3, Trưởng ban kỷ luật VFF - ông Nguyễn Hải Hường cho hay: "Công tác điều hành trận đấu cũng như các quyết định của trọng tài đều có bộ phận chuyên môn rà soát lại. Trong các cuộc họp báo sau trận, HLV của các đội bóng không được phép trả lời về vấn đề này".
VFF, VPF siết chặt vấn đề phát ngôn về công tác trọng tài (ảnh: Hoàng Tùng) |
Tiếp sau ông Hải Hường, Trưởng ban trọng tài VFF - ông Nguyễn Văn Mùi nhấn mạnh: "Xét theo nguyên tắc thì không cấm phát ngôn về công tác trọng tài. Quan trọng là thái độ. Nếu HLV hay cầu thủ có thái độ chỉ trích, công kích thì sẽ bị kỷ luật".
Về phía VPF, Tổng giám đốc Cao Văn Chóng khẳng định sẽ có thêm nhiều biện pháp như sắp xếp nhân sự điều phối nội dung câu hỏi trong các cuộc họp báo, mục đích để hạn chế những phát ngôn không đúng mực từ các HLV cũng như cầu thủ.
Ngoài ra, Trưởng ban Kỉ luật VFF - ông Nguyễn Hải Hường cũng cho biết thêm về đơn xin giảm án của cầu thủ Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T) với án treo giò 5 trận và nộp phạt 15 triệu đồng sau hành vi xô ngã trọng tài Công Khanh ở trận Sanna Khánh Hòa BVN 1-0 Hà Nội: "Chúng tôi đã nhận được đơn xin giảm án từ Văn Quyết và đang cần thời gian để xem xét, bàn bạc trước khi đưa ra quyết định".
Trưởng ban tổ chức V-League chia sẻ về kế hoạch phòng chống doping, chất gây nghiện tại V-League 2016 (ảnh: Hoàng Tùng) |
Cũng trong vấn đề kỉ luật ở các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2016, đại diện BTC V-League chia sẻ thêm về việc, sẽ sớm triển khai kế hoạch phòng chống sử dụng doping, chất gây nghiện đối với các CLB và cầu thủ.
Sắp tới, VPF phối hợp cùng Bệnh viện thể thao Việt Nam và Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an, sẽ chọn ngẫu nhiên 28 cầu thủ ở mỗi vòng đấu, để xét nghiệm nước tiểu. Và nếu mẫu xét nghiệm dương tính với doping hay chất gây nghiện, cầu thủ sẽ bị xử lý tùy theo mức độ.
Vương Anh
Bình luận