• Zalo

VFF tố Mỹ Đình 'quát giá': Nhập nhèm cả đôi bên

Thể thaoThứ Sáu, 21/06/2013 09:00:00 +07:00Google News

Tranh cãi ầm ĩ giữa Khu LHTTQG và VFF về giá thuê sân Mỹ Đình cho trận giao hữu tuyển VN- Arsenal đã kết thúc chiều qua bằng một bản hợp đồng được ký.

Tranh cãi ầm ĩ giữa Khu LHTTQG và VFF về giá thuê sân Mỹ Đình cho trận giao hữu tuyển VN- Arsenal đã kết thúc chiều qua bằng một bản hợp đồng được ký giữa hai bên.


Hai bên đều nhập nhèm

Một trong những lý do mà giám đốc Khu LHTTQG Cấn Văn Nghĩa nêu ra để “tận thu” VFF tới bến và cũng là một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: “Đây là một thương vụ kinh doanh của Eximbank và HAGL hay là nhiệm vụ chính trị?”, vì nếu là kinh doanh, khó trách sân Mỹ Đình ra giá cao để hai bên mặc cả.

Trên thực tế, Eximbank và HAGL đã bỏ tiền ra để thực hiện việc đưa Arsenal tới VN, nhằm đáp ứng khát khao được chứng kiến một đội bóng quốc tế đẳng cấp cao của người hâm mộ, nhưng mặt khác cũng hướng tới những lợi ích của họ.

Sân Mỹ Đình đạt chuẩn quốc tế
Sân Mỹ Đình đạt chuẩn quốc tế

Giá trị của việc quảng bá thương hiệu trên sân, trên truyền hình, hay thậm chí cả việc tên tuổi của hai đơn vị này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với tần suất dày đặc mấy tuần qua kể từ khi vụ tranh cãi về giá thuê sân nổ ra và trong thời gian sắp tới, là những thứ khó đong đếm bằng tiền.


Theo báo cáo của VFF thì 2 đơn vị tổ chức sẽ lỗ khoảng 11-14 tỉ đồng, đó là sự thật, nhưng cũng có một thực tế khác là bằng việc chỉ gói gọn bảng quảng cáo của hai đơn vị tổ chức, họ đã bỏ qua cơ hội để giảm lỗ, thậm chí có thể không lỗ bằng cách kêu gọi quảng cáo khác trên sân, một điều không khó trong trận cầu lịch sử này và cũng không ai cấm họ làm việc đó.  

“Tổ chức tốt một sự kiện thể thao như thế này cũng có thể coi là một nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải tính đến lợi ích của  họ” - đó là điều mà một lãnh đạo Tổng cục TDTT thừa nhận.

Chính vì sự nhập nhằng giữa việc phục vụ người hâm mộ và lợi ích doanh nghiệp không được rõ ràng, thậm chí còn được “khoác một tấm áo” khác đã dẫn đến những lý luận từ phía Ban quản lý sân Mỹ Đình: “Nhà có giỗ thì con cháu mỗi người phải được một miếng”!

 Ông Cấn Văn Nghĩa không "cắt nghĩa" được những khoản đầu tư phù hợp với mức giá thuê 1,5 tỷ đồng

Đối với Ban quản lý Khu LHTTQG, là đơn vị “tự chủ kinh doanh”,  trong thời buổi mà Nhà nước đang có chủ trương chống độc quyền trên nhiều lĩnh vực, họ lại đang kinh doanh một mặt hàng độc quyền là sân Mỹ  Đình mà không có barem, quy định cụ thể, nói cách khác là “trông mặt mà nói giá” . Nói là “độc quyền” bởi sân Mỹ Đình hiện là sân vận động quốc gia đạt chuẩn duy nhất ở VN và có những sự kiện, AFC, AFF hay FIFA quy định chỉ có thể tổ chức ở đây, không thể đi đâu khác.

Chính vì sự độc quyền này, mới nảy sinh tư duy “chặt chém” thể hiện qua bảng kê giá phục vụ trận Arsenal mà không chỉ VFF, mà cả dư luận cũng phải kêu trời như khoản tiền vệ sinh 440 triệu đồng, tiền chăm sóc cỏ 234 triệu đồng, chưa kể 5.000m3 nước tưới sân đủ để... ngập sân Mỹ Đình (!?).  

Cần có barem chuẩn

Làm thế nào hài hòa lợi ích giữa kinh doanh bóng đá và kinh doanh SVĐ là vấn đề đặt ra sau sự cố “Mỹ Đình và VFF” lần này.

“Điều đầu tiên là Bộ VHTTDL cần chỉ đạo Khu LHTTQG nhanh chóng xây dựng một barem giá cho các sự kiện ở đây. Ở Mỹ Đình không chỉ có các trận bóng đá mà còn có các sự kiện giải trí, như kiểu festival Kpop năm ngoái, những show đó họ thu bao nhiêu tiền, đặt sân khấu lên SVĐ ảnh hưởng đến mặt sân như thế nào? Điều đó cần được tính đến” - một cựu quan chức Tổng cục TDTT nhận xét.


Arsenal sang VN
Sự kiện Arsenal sang VN mất đi ít nhiều ý nghĩa

“Tôi không biết ai mời Arsenal đến VN, nhưng rõ ràng đây là một trận đấu quan trọng và công trình thể thao của quốc gia thì trước hết phải đặt ý thức phục vụ quốc gia lên hàng đầu. Đó là tình. Về lý, Mỹ Đình được giao nhiệm vụ kinh doanh, thì họ phải đảm bảo đủ chi phí. Nhưng điều quan trọng là tôi thấy sau sự việc này có điều gì đó không bình thường.

Trước đây, khi làm việc ở Tổng cục TDTT, khi tổ chức các giải điền kinh, bơi ở Mỹ Đình, tôi cũng đau đầu lắm. Nhưng trong đàm phán, quan trọng là thái độ với nhau. Ở đây, một bên thì ra giá cao không cần thiết, một bên thì cũng đặt vấn đề quá căng thẳng và hai bên chẳng ngồi lại được với nhau. Nếu hai bên cùng có thái độ thân thiện thì mọi chuyện đã không căng lên như thế” - ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT - nhận xét.


Theo Laodong

Bình luận
vtcnews.vn