• Zalo

VFF: Lạ kỳ một cái tên giá 100 tỷ?

Thể thaoThứ Bảy, 19/10/2013 11:32:00 +07:00 Google News

Thật sự ngỡ ngàng khi nghe ông Nguyễn Trọng Hỷ công khai chuyện “dối” Nhà nước để lấy hơn 100 tỉ đồng và trách dư luận hiểu không chính xác câu chuyện.

Thật sự ngỡ ngàng khi nghe ông Nguyễn Trọng Hỷ công khai chuyện “dối” Nhà nước để lấy hơn 100 tỉ đồng và trách dư luận hiểu không chính xác câu chuyện Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ của VFF...

Cùng năm 2007 có hai trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ra đời. Một của bầu Đức mang tên Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG và một của VFF mang tên Trung tâm Đào tạo trẻ. Nhưng trong khi học viện của bầu Đức đã trình làng được lứa U-19 thì trung tâm của VFF chẳng có gì. Chính vì vậy, báo chí đã lật lại hồ sơ vụ này.

VFF làm sai, dư luận không hiểu sai

Còn nhớ hồi tháng 7-2007, trên trang web của VFF đã phát một bản tin hồ hởi như sau: “Tọa lạc gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình, TP Hà Nội, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VN tự hào là đơn vị đào tạo bóng đá trẻ đầu tiên và duy nhất được Chính phủ và VFF đầu tư thành lập.

Lễ khai giảng lớp đào tạo bóng đá trẻ của VFF

Với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 140 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 80-85%, số còn lại do VFF đầu tư... Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VN được thành lập với mục tiêu trở thành một trong những cơ sở đào tạo bóng đá trẻ của quốc gia và được vận hành một cách chuyên nghiệp với các nhiệm vụ chính: 1 - Là nơi tập huấn các đội tuyển trẻ quốc gia hằng năm trước các giải thi đấu quốc tế. 2 - Đào tạo vận động viên năng khiếu bóng đá quốc gia. 3 - Bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, HLV làm công tác phát triển bóng đá trẻ của cả nước”.


Ấy vậy mà khi báo chí đặt vấn đề vì sao sáu năm qua chẳng làm ăn được gì, ông Hỷ đã trả lời: “Tôi nghĩ do tên gọi của trung tâm nên dư luận đã hiểu không chính xác. Lẽ ra nơi này có tên là Trung tâm Tập huấn bóng đá quốc gia nhằm giúp các đội tuyển quốc gia có nơi ăn tập chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, để có được sự đầu tư kinh phí của Nhà nước cũng như từ FIFA cho việc đào tạo bóng đá trẻ, chúng tôi đã đặt tên là Trung tâm Đào tạo trẻ VFF...

Do cơ chế của VN, muốn được cấp kinh phí đầu tư cho bóng đá thì phải đặt tên như vậy để Nhà nước đầu tư cho bóng đá nước nhà”!

Rõ ràng, dư luận đã không hề hiểu sai như ông Hỷ nói, mà chính xác là VFF đã cố tình làm sai để “qua mặt” Nhà nước, lấy hơn 100 tỉ đồng đầu tư vào trung tâm tập huấn đội lốt trung tâm đào tạo trẻ.

Đừng phí tiền cho VFF đào tạo trẻ

Nhưng thôi, dù sao thì hơn 100 tỉ đồng cũng vào loại “ván đã đóng thuyền”. Nếu tốt chăng thì thanh tra nên vào cuộc để làm rõ, tương tự như vừa rồi Thanh tra Chính phủ công bố việc 189 tỉ đồng dùng để kích thích phát triển du lịch nhưng đã bị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cùng chín tỉnh thành khác sử dụng sai mục đích.
VFF
Tài năng nào sẽ trưởng thành từ lò đào tạo của VFF?

Vấn đề đáng nói hơn là trong lúc ông Hỷ thừa nhận “Ở các nước, chẳng liên đoàn bóng đá nào mở trung tâm đào tạo trẻ”, thì vừa rồi VFF và Tổng cục TDTT lại vận động để Nhà nước rót kinh phí 56 tỉ đồng/7 năm nhằm chuẩn bị lực lượng cho Asiad 2019!?

Nhiều khả năng VFF sẽ chẳng thể làm tốt được việc đào tạo cầu thủ cho Asiad 2019. Đơn giản bởi cách làm này là đi ngược lại xu thế phát triển; là trở lại với thời bao cấp - việc đào tạo cầu thủ do các trường năng khiếu TDTT của Nhà nước làm. Chúng ta hãy xem hôm 24-9 rồi, VFF tổ chức khai giảng hai khóa đào tạo U-16 nam, U-19 nữ do các CLB gửi lên (không phải là những cầu thủ tốt nhất của mình), nhưng đến giờ thì VFF mới bàn chuyện đi thuê thầy ngoại như Học viện Hoàng Anh Gia Lai làm!

Cái này gọi là “thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào”. Nhưng “khoai” của Hoàng Anh Gia Lai là sản phẩm của Học viện JMG với Arsenal, vốn có công nghệ đào tạo chuyên nghiệp từ bao lâu nay; còn “khoai” của VFF thì mới đánh tiếng nhờ Nhật giúp đỡ, chưa biết họ cho loại gì.

Để thể hiện sự quý trọng tiền thuế của người dân, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm làm ơn dừng ngay chương trình cung cấp tiền cho VFF đào tạo cầu thủ trẻ chuẩn bị Asiad 2019.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, giám đốc điều hành CLB SLNA cho biết việc VFF lấy cầu thủ U-16 đã được đào tạo sẵn từ các CLB để đào tạo là không hay, vì các em đã tập bóng đá lâu rồi nên sửa về chuyên môn sẽ khó. Lẽ ra, VFF nên trực tiếp đi tuyển sinh các em nhỏ về đào tạo như Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG.

Tin tưởng vào hệ thống đào tạo trẻ của mình, nên lãnh đạo SLNA không đồng ý cho cầu thủ của mình lên tập trung dài hạn ở đội U-16 mà Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF vừa khai giảng hôm 24-9 nhằm chuẩn bị lực lượng cho Asiad Hà Nội 2019.


Theo Tuoitre

Bình luận
vtcnews.vn