(VTC News) – Bà Nguyễn Xuân Thái, nguyên Ủy viên VFF, trưởng đoàn bóng đá CLB Cảng Sài Gòn tại cuộc Hội thảo phát triển BĐVN đã tâm sự rất thật về nỗi hổ thẹn khi nhắc tới mình từng là thành viên của VFF.
Bà Nguyễn Xuân Thái, nguyên Ủy viên VFF, trưởng đoàn bóng đá CLB Cảng Sài Gòn |
“Các anh trong liên đoàn nên có chính kiến, đừng sợ mắc lỗi và mắc lỗi thì phải sửa chữa. Nếu không được thì mạnh dạn từ chức. Làm việc vì bóng đá Việt Nam với cái tâm trong sáng thì không có gì phải hổ thẹn. Ngày tôi còn làm ủy viên BCH VFF, nói mình là người của VFF tôi thấy tự hào lắm. Nhưng bây giờ đi đâu, không dám xưng mình từng là người của VFF vì sợ bị nói này nói nọ, hổ thẹn lắm…” – Bà Thái chia sẻ.
Quan điểm của bà Thái cũng là sự nhấn mạnh vào cung cách quản lý hiện tại của VFF, một trong những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu phát triển BĐVN năm 2020 và tầm nhìn 2030 mà cuộc Hội thảo đặt ra.
Nói về mục tiêu phát triển BĐVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trong đó có mục tiêu cụ thể lọt vào top 10 châu Á với bóng đá nam và top 5 châu Á với bóng đá nữ, phần đông các chuyên gia dự Hội thảo tại TP.HCM (trước đó, cuộc Hội thảo lần 1 đã được tổ chức tại Hà Nội) đều cho rằng nó thiếu cơ sở thực tế.
Cốt lõi của việc phát triển BĐVN nằm ở công tác đào tạo trẻ. Và vấn đề này được các chuyên gia đánh giá là còn rất yếu.
Nhà báo Vũ Công Lập |
Nhà báo Vũ Công Lập dẫn giải: “Phát triển bóng đá phải xét đến những mục tiêu phát triển xã hội. Bóng đá không phải là chuyện riêng của những người làm bóng đá, người làm thể thao mà là chuyện của nhiều ngành, nhiều cấp.
Ở Đức, triết lý phát triển bóng đá trẻ là: Không để sót tài năng. Và bởi thế, ngay từ lúc 6 tuổi, chập chững tới trường, người Đức đã cho trẻ em đá bóng. Muốn đá bóng thì trường học, khu phố phải có sân chơi. Đến khi trẻ 16 tuổi, người Đức lại định hướng nghề nghiệp cho các em. Điều này thì Việt Nam còn quá thiếu.”
Đặc biệt trong các quan điểm nêu ra của mình, nhà báo Vũ Công Lập nhấn mạnh về cách nhìn nhận, xác định công việc liên quan đến bóng đá. Ông nói: “Cần phải phân biệt được những người xem bóng đá là sự nghiệp và những người xem bóng đá là phương tiện.”
Ở cách nhìn nhận này, có thể hiểu theo nghĩa hẹp là việc chọn người chơi bóng đá và theo nghĩa rộng là chọn người làm bóng đá. Phải chăng ông Lập một lần nữa nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm của những người làm bóng đá hiện tại ở Việt Nam!
Đông Quang
Bình luận